Đức Phật ngài dạy rằng: không cần phải đợi đến nhiều thứ tội lỗi, chỉ cần một vài thứ cũng vẫn đủ sa đọa.
Tất cả việc thiện ở đời thì mình nên làm, tất cả việc ác ở đời thì mình nên tránh. Chư Phật dạy không làm ác, nên làm thiện, giữ tâm trong sạch. Nhưng mình thấy muốn tránh ác cũng phải trong sạch, muốn hành thiện, tâm cũng phải trong sạch, mặc dù tâm trong sạch nó có nhiều định nghĩa còn sâu nữa, nhưng bây giờ mình nói nghĩa cạn của nó.
Anh muốn tránh ác anh phải có tâm trong sạch bậc hạ, anh muốn hành thiện anh cũng phải có tâm trong sạch. Thiện ác nó chính là con đường dẫn mình đi lên hoặc đi xuống trong tam giới. Kinh này dạy có ba cách hành thiện hoặc sống ác.
* Có 3 cách hành thiện:
1- Ra sức hành thiện,
2- Khích lệ người khác hành thiện,
3- Vui theo kẻ hành thiện.
Có người nói thế này: “làm không được mà chỉ toàn là nó" , nhưng tôi lại nghĩ khác: nếu mình làm được, mình nói được và mình vui theo kẻ làm được thì mình viên mãn cả ba. Còn nếu mình làm không được, nhưng mình luôn luôn khích lệ người khác, và vui với việc thiện của họ, như vậy tuy mình không được ba, mình cũng được hai hoặc được một.
Còn đằng này mình bắt chước người ta nói chữ mà lại dốt. Tôi sợ nhất là người biết hai, ba câu danh ngôn rồi lận lưng đi ăn giỗ, đi đâu cũng móc câu đó ra nói, nó nghèo dữ lắm.
* Có 3 cách hành ác:
1- Ra sức hành ác,
2- Khích lệ người khác hành ác,
3- Vui theo kẻ hành ác.
Riêng với sát sanh tự mình làm, xúi người khác làm, vui theo việc sát sanh người khác làm đều đủ để sa đọa. Vấn đề ở đây phải biết rõ thêm nó là bao nhiêu, thời gian là bao lâu và đối tượng đó là ai.
- Trong kinh nói sát sanh tập thể thì tội nặng hơn là số ít, mà số ít tội nó nặng hơn là một cá nhân, một đối tượng. Số đông tội nhiều hơn là số ít, mình xúc phạm đối tượng đức độ, tội nhiều hơn là đối tượng không đức độ hoặc là kém đức độ. Thí dụ giới nói dối, mình nói cái gì và mục đích tại sao mình nói dối, người nói dối là ai, chứ không phải lúc nào chuyện nói dối cũng nhẹ hoặc nặng. Nó tuỳ trường hợp, sát sanh cũng vậy. Cái quan trọng là tuy ta không sát sanh, ta không xúi, nhưng ta vui với sát sanh của người khác. Tất cả những chuyện xấu trên đời nó cũng nằm trong trường hợp đó.
- Ta không làm nhưng ta xúi gợi ý, tạo cảm hứng với chủ ý hướng dẫn suy nghĩ, chú ý để họ làm, hoặc mình không làm, không xúi nhưng mình vui theo.
- Mình giữ giới mình không sát sanh, mình không xúi, nhưng mình thích ăn ngon, thích đồ tươi, thì không khéo đó cũng là một cách tuỳ hỉ.
Cách đây ba mươi mấy năm về trước ở trong chùa Long Thành, có cô Phật tử đi chợ nấu cơm cho các sư. Cô kể mình giữ giới không được giết, nhưng mình dặn người ta, đi một vòng mua rau cải, rồi quay trở lại lấy, thì mình đâu có giết. Tuy mình không giết, nhưng đó là một cách cộng nghiệp.
- Mình không ăn cắp ăn trộm, không xúi ai, nhưng mình mở tiệm cầm đồ, và ngày nào mình cũng mong có ai đó đến cầm đồ, đó cũng là một cách.
- Chuyện tiêu thụ của gian, mình không trộm cướp, không xúi ai, nhưng có lòng vui theo, có lòng mong đợi bữa nay có ai tới bán đồ rẻ, đồ tốt cho mình, đó cũng là một cách cộng nghiệp. Bởi vì đó là mình tiêu thụ đồ gian.
Nhiều lắm, có vô số tội ác trên đời mình không có tự làm, không xúi, nhưng mình kín đáo lặng lẽ âm thầm vui theo thì đó cũng là một cách cộng nghiệp.
SƯ TOẠI KHANH
* Chép lại bài giảng Thứ Sáu 8/6/2018 TĂNG CHI KINH-ANGUTTARA NIKĀYA, CHƯƠNG III, 153.- Sát Sanh.
NAM MÔ ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
🔴 Xin chia sẻ nếu bạn thấy ý nghĩa và có thể giúp ích cho ai đó!