Phật giáo nước ngoài
GN - Càng ngày càng có nhiều nhóm Phật tử sinh hoạt bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha và tiếp xúc với cộng đồng người La-tinh. Điều đó có nghĩa sinh hoạt Phật giáo ngày càng mở rộng cho mọi người.
|
Sư Sanathavihari cùng cộng đồng Phật tử người La-tinh |
Sư cô Dhammadipa bắt đầu giảng dạy về giáo lý đạo Phật sau khi xuất gia cách đây hơn một thập niên, cô nhận ra công việc mình có thể làm để đóng góp cho cộng đồng người La-tinh là giảng dạy giáo lý đạo Phật bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Tôi đã trải qua nhiều thời giảng pháp bằng các ngôn ngữ bản địa và sau đó được dịch sang tiếng Anh”, Sư cô cho biết. Các bài giảng của cô cũng được dịch sang tiếng Pali, Sanskrit, và tiếng Nhật.
“Vì vậy, nếu hỏi rằng tôi có thể cống hiến gì cho sự phát triển của đạo Phật, thì đó chính là những bài giảng bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là ngôn ngữ mà tôi nói lưu loát”.
Trong khi đó, ông Cardenas lại chọn hướng đi hiện đại hơn khi giảng giáo lý qua mạng bằng tiếng Tây Ban Nha. Cardenas là người Mỹ gốc Colombia và công việc hướng dẫn Phật pháp của vị cư sĩ này thường diễn ra tại trung tâm thiền ở San Francisco. Thường trước mỗi buổi giảng, ông đều hướng dẫn hành giả cách hành thiền và giới thiệu bài học cũng bằng bằng tiếng Tây Ban Nha. Khóa học qua mạng đầu tiên mang chủ đề “Quán chiếu chính mình” vừa hoàn tất.
Lớp của Cardenas là một ví dụ về việc áp dụng phương thức mới mà những trí thức Phật giáo, các tu viện và tổ chức Phật giáo đang áp dụng để tiếp cận những người yêu mến đạo Phật vùng châu Mỹ La-tinh. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, những người này chiếm 12% các Phật tử châu Mỹ. Trong khi vẫn chưa có con số cụ thể bao nhiêu Phật tử gia tăng trong cộng đồng La-tinh, nhiều lãnh đạo Phật giáo đang tìm kiếm cơ hội để tiếp cận Phật tử nói tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn.
“Tiềm năng để phát triển Phật giáo là rất lớn”, Sanathavihari, nhà sư người Mỹ gốc Mexico, đang tu học tại Trung tâm Phật giáo Sarathchandra, tọa lạc ở Los Angeles chia sẻ.
Soka Gakkai (SKI) là một trong những tổ chức Phật giáo quốc tế lớn nhất tại Hoa Kỳ và cũng là một trong những tổ chức tiên phong trong việc tiếp cận cộng đồng người La-tinh. Từ năm 2001, SKI đã tổ chức các hội thảo sử dụng tiếng Tây Ban Nha thường niên, nhằm tạo cơ hội để tinh thần Phật giáo thuyền thống Nichiren (Nhật Bản) được truyền bá rộng rãi và cũng là dịp giúp cho những Phật tử thuần thành trong cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ nhau liên quan đến phương diện tu học.
“Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển đạo Phật trong tương lai là truyền đạt giáo pháp bằng ngôn ngữ của người bản địa”, ông Harry Monteagudo, người Mỹ gốc Cuba, một trong các điều phối viên phụ trách nhóm sử dụng tiếng Tây Ban Nha của tổ chức SKI tại Hoa Kỳ khẳng định.
Gần 200 người đã tham dự chương trình năm nay do nhóm tổ chức, gồm nhiều thế hệ Phật tử người La-tinh trẻ tuổi, đang rất thích thú trong việc thực tập lời dạy của Đức Phật, không giống bố mẹ của họ.
Sự phát triển của các nhóm Phật tử cũng tạo nên những dấu hiệu tích cực tương tự.
Lớp ông Cardenas tại Trung tâm Thiền San Francisco dựa theo một quyển sách “Zen Mind, Beginner’s Mind ” của tác giả Shunryu Suzuki, mà theo Cardenas, đây là một trong vài quyển sách Phật giáo được dịch sang tiếng Tây Ban Nha. Trong số 15 học viên đầu tiên đăng ký khóa học thì một phần ba đến từ Mexico.
Mặc dù vẫn có nhiều người La-tinh thông thạo tiếng Anh, Cardenas cho biết hướng dẫn cho họ bằng tiếng mẹ đẻ vẫn hiệu quả hơn nhiều.
“Họ nghiên cứu giáo lý theo cách gần gũi hơn. Hình ảnh đó tạo cho tôi một sự khác biệt, đôi khi rất tuyệt vời, rất thú vị”, Cardenas cho biết.
Theo lời sư Sanathavihari, sự xuất hiện của Phật giáo đã thực sự tạo nên những thay đổi mạnh mẽ hơn trong cộng đồng người La-tinh.
“Giáo lý đạo Phật mang lại những điều khác biệt cho các thành viên trong gia đình cũng như những người bị dính mắc trong một nền văn hóa nào đó hoặc một niềm tin nào đó”.
“Mọi thứ giờ như đang rộng mở. Tôi nhìn thấy vài thiền sinh người La-tinh đến thực tập và sau đó họ dắt theo bạn bè của mình”, sư Sanathavihari chia sẻ.
Sư cũng tổ chức khóa tu thiền tại bang Zacatecas của Mexico vào năm nay và đang dịch thuật hệ thống kinh tạng, các sách Phật giáo hiện đại để những người nói tiếng Tây Ban Nha có thể tra cứu các nguồn tài liệu Phật giáo chính thống.
Mặc dù công nghệ đã giải quyết nhiều vấn đề, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết triệt để. Việc dịch thuật chính xác vẫn là một trong những thử thách lớn cho những người nói tiếng Tây Ban Nha quan tâm đến đạo Phật. Qua đó, sư Sanathavihari cho biết những người nói tiếng Anh cũng có thể gặp khó khăn khi tìm một tu viện để tham gia, bởi có nhiều tu viện nói tiếng Hoa hoặc Hàn Quốc.
“Nhiệm vụ tuy nặng nề nhưng giúp cho Phật pháp được truyền đi là một niềm vui lớn của những người con Phật chân chính”, sư Sanathavihari nhấn mạnh.
Sơn Thoại - Bảo An (theo Lion’s Roar)