|
Sư Ông Viên Minh - THIỆN TÂM ĐI ĐÔI VỚI TRÍ TUỆ MỚI THỰC SỰ GIÚP ÍCH CHO ĐỜI |
...Thưa Thầy, nếu muốn phóng sinh các loài động vật như Gà, Vịt thì có thể thả ở đâu được ạ. Con đi ra chợ thấy mấy con vịt kêu chờ người mua đem về giết thịt, thấy thương quá mà con chẳng biết làm sao được. Thầy giúp con với!
TRẢ LỜI:
Thế mới biết muốn làm Bồ-tát cứu độ chúng sinh không phải dễ. Chắc nhất là cứu độ mình trước, khi đã thông suốt mọi việc thì sẽ biết cứu độ chúng sinh ra làm sao. Biết đâu mấy con vịt đó phải chịu cái nghiệp nhân quả để học ra bài học sinh tử của mình nên chư Bồ-tát từ bi nhiều như vậy mà không ai xuống cứu! Và biết đâu con cứu lại như người gỡ con bướm ra khỏi vỏ nhộng không đúng lúc để rồi chỉ làm cho nó không còn đủ sức sống nữa?
* * *
Kính bạch thầy cho con được hỏi. Phóng sinh đúng theo lời Phật dạy là như thế nào ạ? Con định phóng sinh để hồi hướng công đức cho người thân nhưng con lại nghĩ, ví dụ bây giờ con phóng sinh con Ếch thì khi thả nó về tự nhiên thì hằng ngày nó lại ăn vô số côn trùng để sống. Vậy mình phóng sinh con này lại gián tiếp sát sinh con khác, xin Thầy từ bi giải đáp giúp con ạ.
TRẢ LỜI:
Con phóng sinh với lý trí như vậy là sai rồi. Phóng sinh là tùy duyên khi thấy con vật gặp nạn thì cứu thôi chứ không vì ý đồ nào khác.
* * *
Thưa thầy khi phóng sinh thả một con cá xuống hồ nước thì con cá đó lại ăn rất nhiều những sinh vật nhỏ khác như con giun trong hồ. Như vậy thì việc phóng sinh sẽ tội nhiều hơn phước phải không ạ?
TRẢ LỜI:
Phóng sinh là cứu một sinh vật đang gặp nguy hiểm đến tính mạng ra khỏi cạm bẫy của nó. Như vớt một con ong, con kiến ra khỏi bể nước chẳng hạn, chứ không nên phóng sinh như một phong trào nhằm cầu nguyện gì cho mình. Vì một khi có ý đồ thì đàng sau cái phước rất dễ ẩn náu cái tội. Nên phước có thể làm duyên cho tội và tội cũng có thể làm duyên cho phước trong vòng tương đối nhị nguyên. Vì vậy, một tâm thiện phải đi đôi với trí tuệ mới không bị rơi vào tình trạng phản tác dụng.
* * *
Bạch Thầy, con có một điều suy tư khi con đọc một bài báo viết một số nơi làm phóng sinh là gián tiếp giết chết con vật được phóng sinh đó. Họ nói rằng, người bẫy chim muốn có một số lượng lớn, họ phải bẫy nhiều ngày, nhốt chúng lại nên có nhiều con bị đói khát, yếu và chết. Khi được thả ra, một số con bay không nổi cũng phải chết. Chúng con thành kính xin ý kiến của Thầy về việc này.
TRẢ LỜI:
Họ nói rất đúng, phóng sinh vốn là tốt để cứu sinh mạng những sinh vật bị nạn thoát khỏi bị nhốt và chết chóc, nhưng đã trở thành một tệ nạn của người thiểu trí, không phải vì thương yêu và tôn trọng mạng sống mà vì để cầu lợi cho mình, khiến tạo điều kiện cho những người làm nghề bất chính hại đến biết bao sinh linh vô tội.
Ở một số nước văn minh, biết tôn trọng các loài động vật, họ có luật pháp nghiêm cấm việc săn bắt bừa bãi, thậm chí xe cán một con vật bị chết có thể bị ở tù 3 năm. Ở những nước thiếu tôn trọng sự sống, những tệ nạn vẫn còn là nỗi nhức nhối của những người có lương tâm...
Sư Ông Viên Minh
🔴 Hãy chia sẻ nếu bạn thấy ý nghĩa và có thể giúp ích cho ai đó!
Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nguồn bài viết •Tổng hợp từ các Hỏi & Đáp Trung Tâm Hộ Tông
_______
Không ai và không có gì có thể giải thoát cho bạn. Chỉ có sự hiểu biết của chính bạn mới giải thoát được cho bạn thôi.
• Hãy nhanh chóng tìm hiểu về Tứ diệu đế / Tứ niệm xứ để có sự hiểu biết chân chánh giúp mình giác ngộ giải thoát.
Người Cư sĩ Phật tử cần học - thực hành và chia sẻ những điều này...
Đức Phật có tâm đại bi với chúng sanh, Ngài thuyết pháp vừa theo trình độ và hoàn cảnh của mỗi người, để họ có thể thực hành theo giáo pháp hầu được an vui hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ luân hồi như Ngài.
Giáo pháp của Đức Phật ứng dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia.
Người cư sĩ trong Phật giáo cũng có trách nhiệm nặng nề đối với việc tồn vong của chánh pháp.
Đức Phật có thuyết rằng: "Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các tỳ kheo, các tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và qui thuận bậc Đạo Sư, sống tôn trọng và qui thuận giáo pháp, sống tôn trọng và qui thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và qui thuận học giới, sống tôn trọng và qui thuận lẫn nhau. Đây là nguyên nhân chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch" (A.III.247).
Người cư sĩ Phật giáo, đúng nghĩa là cận sự nam và cận sự nữ không phải là người chi đến với Phật giáo như một học giả nghiên cứu triết học Đông phương. Mà phải nhận thức rõ vai trò của mình đối với Phật pháp, phải thiết tha sống theo tinh thần lời dạy của Đức Phật để hướng tìm mục đích giải thoát, thành tựu hạnh phúc thật sự.
Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật