|
SÓNG GIÓ CÂY BỒ ĐỀ Ở THÁP ĐẠI GIÁC – BODDHI TREE AT BODHGAYA |
NGUỒN GỐC CÂY BỒ ĐỀ
Cây bồ-đề (Bodhi tree) được gọi là "asvatthi," - Asattha hoặc là cây Đa (Pipal, pippali). Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ-đề là "ficus religiosa".Theo các nhà khảo cổ học cây này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus.
Trong bộ Rig Vê đa, bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ đã cho biết rằng cây bồ-đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ trước thời đức Phật rất lâu. Vì cho đó có các vị Thọ thần sinh sống, nên rất linh thiêng, và phong tục cầu nguyện thần cây đã có hàng ngàn năm gọi là lễ Puja.
Trong thời gian Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ, lòng tin về những cây này là nơi cư ngụ cho chư thiên và ma quỷ càng thấm sâu hơn nữa. Và trong kinh điển Phật giáo như: Vimanavatthu và Petavatthu cũng đã kể nhiều câu chuyện liên quan đến chổ cư ngụ của chư thần và ma quỷ trên cây.
CÂY ASVATTHI ĐƯỢC ĐỔI THÀNH BODDHI
Sau khi đức Phật ngồi dưới cây Asvatthi này tại Bodhgaya (Bồ đề đạo Tràng) đã đạt thành tựu đạo quả viên mãn. Ngài đã lưu trú xung quanh khu vực này trong 7 tuần liên tiếp. Trong đó Đức Phật đã trải qua trọn một tuần lễ bảy ngày nhìn vào cây bồ-đề là cây đã che chở cho Ngài những đêm mưa gió bão bùng, những ngày nắng đốt như lửa trong suốt thời gian qua cho đến khi Ngài đạt giác ngộ. Tất cả những sự kết hợp này đã tạo nên những đặc tính của cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng – cây giác ngộ.
SỰ THỜ PHỤNG CÂY BỒ ĐỀ QUA NHIỀU THẾ KỶ
Cây bồ-đề này có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời Đức Phật và sự giác ngộ tối thượng của Ngài. Ngày nay, những hình thức nghi lễ xung quanh cội gốc bồ-đề ngày một phát triển và không chút suy giảm nào dù đã trải qua nhiều thế kỷ.Sớ luận của Anguttara Nikaya cho biết rằng cây bồ-đề phải được kính thờ, chỉ trừ trường hợp nếu nhánh cây bồ-đề làm chướng ngại mái nhà, bàn thờ, hoặc nó bị mục, hoặc chim đậu dựa trên cây làm dơ bẩn chốn tôn nghiêm chùa chiền thì chúng ta được phép cắt bỏ đi.
Trong kinh Bổn sanh Kalinga-Bodhi và Kosiya đã kể rằng trong suốt thời gian Phật còn tại thế cây bồ-đề rất được kính trọng và thờ phượng như Đức Phật. Cây bồ-đề được xem là một trong ba đối tượng thiêng liêng, cùng với chùa (cetiya) và điện tháp (patimaghara) cần được thờ phượng. Cả ba đối tượng này được coi trọng như nhau.
Những người nào thực hiện những nghi lễ thờ phượng cây bồ-đề được gọi là "Bodhi Puja." Bodhi Puja trong ý nghĩa tinh thần là "giác" (bodhi), nghĩa là sự giác ngộ của Đức Phật nhưng trong thực tiển "bodhi" chỉ có nghĩa là một cây bồ-đề, là một trong những loại cây cổ thụ thế thôi. Vì vậy, ý nghĩa chính của việc thờ phượng tu tập dường như bị mất đi mà chuyển thành hình thức của việc thờ cây đang thịnh hành tại Ấn Độ và khắp nơi suốt trong thời tiền Phật giáo.
Cây bồ-đề bị chặt đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt là do vua A-dục. Vua A-dục trong những ngày đầu trị vì là một vị ngoại đạo và muốn tiêu diệt những dấu vết của Đức Phật nên đã triệu tập một quân đội, ông đã thân hành dẫn đòan quân đến đây để tiêu diệt cây bồ-đề. Ông đã đốn cây tận rễ, chẻ thân, cành và nhánh cây thành những miếng gỗ nhỏ vụn và đổ về phía tây nơi đó. Sau đó ông đã ra lịnh cho một người Bà-la-môn làm lễ thiêu đống gỗ để cúng dường Phạm thiên.
Không lâu sau khi những đợt khói tan biến thì lạ kỳ, một cây bồ-đề được mọc lên từ đống tro tàn với những cành lá lung linh như lông vũ, cây này được gọi là "cây bồ-đề từ đống tro tàn." Vua A-dục thấy sự nhiệm màu này liền sanh tâm hối hận.
Sau khi Phật nhập diệt, Hoàng đế A-dục đã hết lòng bày tỏ tâm cung kính của mình và lòng tôn trọng bảo vệ cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng. Vị Hoàng đế Phật tử này đã sai con gái mình là công chúa mà sau này trở thành Tỳ-kheo-ni Sanghamitta chiết một nhánh phía nam của cây bồ-đề mang qua Tích Lan trồng tại thành phố cổ Anuradhapura suốt trong thời vua Devanampiyatissa trị vì. Nhánh cây bồ-đề này vẫn còn xanh tốt cho đến ngày nay.
Lần thứ hai là bà hoàng hậu của vua Asoka vì ghen với chồng cứ chăm sóc cây Bồ Đề, bà là một tín đồ của Bà-la-môn đã cho một người lén đốn cây vào đầu đêm. Sáng hôm sau khi nhà vua đến để lễ cây thì chỉ còn thấy cái gốc bị chặt nên vô cùng đau lòng. Với tất cả lòng thành Ngài đã cầu nguyện và tưới gốc cây bằng sữa thơm. Không đầy một ngày, cây bồ-đề đã mọc lại như cũ.
Về sau vua Sasanka theo ngoại đạo và hủy báng Phật giáo đã đến để đốn cây bồ-đề, chặt bỏ tất cả những cành nào lú khỏi mặt đất, nhưng ông không làm sao đốn được gốc cây. Ông bèn cho đốt cây và đổ nước mía để mong tiêu hủy tận gốc rễ của cây.
Sau đó vài tháng, Vua Purnavarama (Phú Lâu Na Bạt Ma) của Ma-kiệt-đà, người nối dõi cuối cùng dòng vua A-dục nghe tin đó đã than: "mặt trời của trí tuệ đã lặn, không còn gì để lại ngoài cội bồ-đề và ngay cả nó ngày nay cũng đã bị hủy diệt, nơi nào sẽ cung cấp cho nguồn sống tâm linh." Ông đã vật mình xuống đất vì đau buồn, sau đó dùng sữa của ngàn con bò để tưới cho cây, qua đêm cây đã một lần nữa sống lại .
Nhà sử học Phật giáo nổi tiếng Taranath cũng đã ghi nhận rằng cuộc xâm lăng đất nước Ma-kiệt-đà của vị vua phía tây, Hunimanta vào thế kỷ I đã tàn phá đại tháp, Canopied Walk đã bị lật đổ và dĩ nhiên cây bồ-đề thiêng liêng nằm trong khói lửa cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu đó.
Và cho đến thế kỷ tiếp vào năm 700-800 thuộc triều đại của dòng họ vua Phật tử Pala, vua Purna Vermma đã trồng cây bồ-đề lại bắt đầu năm trị vì của mình khoảng năm 813. Sau đó cây yên ổn sống cho tới cuộc xâm lăng của đội quân hùng hậu Hồi giáo Muhammad Bakhtiyar Khalji vào năm 1201 thì cây bồ-đề đã bị gãy đổ đốt phá cùng với ngôi đại tháp thiêng liêng.
Trong năm 1875 ông nhìn cây lại thì lúc này hoàn toàn bị héo hon mục nát và chỉ trong thời gian ngắn 1876 trong một cơn bão, cây bồ-đề cũ đã bị cuốn phăng (có hình ảnh minh chứng giai đọan này của cây bồ-đề do ông Pappe chụp), chỉ còn lại thân cây ngã về phía tây của bức tường. Nhưng may mắn thay có nhiều hạt giống đã rơi rớt lại để rồi những mầm chồi con của cây mẹ đã nhú mầm sinh sống lại tại nơi đó.
Cũng theo ông Cunningham cho rằng vì cây bồ-đề là loại cây phát triển nhanh và có đời sống ngắn, vì vậy hẳn phải có sự kế tục tiếp nối từ các hạt giống nảy mầm, từ thời gian của vua A-dục để xuống cho tới ngày nay, có lẽ trải qua khoảng 12, 15 ngay cả cho đến 20 lần cho sự tiếp nối luân chuyển sống chết … và cây bồ-đề hiện nay thì có lẽ thuộc đời chít chắt thứ 20 rồi.
KHÔNG CÓ GÌ TRÊN THẾ GIAN NÀY - CHO DÙ LINH THIÊNG ĐẾN MẤY RỒI TẤT CẢ CŨNG SUY TÀN THEO ĐỊNH LUẬT VÔ THƯỜNG.
Nhiếp ảnh gia Phật giáo Nam Truyền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
• Lịch sử cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng – Dong Hung temple
• Buddha Gaya Temple: Its History, Dipak K. Barua, Buddha Gaya Temple Managerment Committee, Buddha Gaya, 1981.
• Informations at a Glance, Buddha Gaya Temple
Managerment Committee, Buddha Gaya, 1998.
• Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998
• The Maha Bodhi 1891-1991, Centenary volumn, The Maha Boddhi Society of India.
• The Maha Bodhi Journal, The Maha Boddhi Society of India, Calcata, 9/1992.
• Dharmadoot, The Maha Boddhi Society of India, Sarnath, 2000.