Thời xưa, một người muốn chính thức trở thành một người cận sự nam hoặc người cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama (Thích Ca Mâu Ni). Người ấy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, trước sự hiện diện của Đức Phật hoặc bậc Thánh Thanh Văn đệ tử củaĐức Phật, để chứng minh.
* Nếu người ấy là người nam, thì tự nguyện, xin thọ phép quy y Tam Bảo rằng:
“Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃgacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ”.
“Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính xin quy y Đức Thế Tôn, xin quy y Đức Pháp Bảo, xin quy y chư Tỳ-khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn,công nhận con là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.
* Nếu người ấy là người nữ thì tự nguyện, xin thọ phép quy y Tam Bảo rằng:
“Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃgacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsikaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetā saraṇaṃ gatā”.
“Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính xin quy y Đức Thế Tôn, xin quy y Đức Pháp Bảo, xin quy y chư Tỳ-khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn, công nhận con là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.
Thời xưa, thời kỳ Đức Phật xuất hiện trên thế gian, tiếng Māgadha được xem như tiếng phổ thông mà Đức Phật sử dụng để thuyết pháp tế độ chúng sinh gọi là tiếng Pāḷi.
Sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật vẫn còn giữ nguyên truyền thống xưa. Người nào có đức tintrong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốthiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, trước sự hiện diện của bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật là bậc Trưởng Lão, hoặc vị Đại đức, hoặc vị Tỳ-khưu, hoặc vị Sadi; người ấy thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và kính xin vị ấy chứng minh và công nhận họ là người cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo kể từ đó cho đến trọng đời.
Nếu không có bậc xuất gia thậm chí, người cận sự nam hoặc cận sự nữ là bậc thiện trí trong Phật giáo, cũng có thể chứng minh; như trường hợp ông Bàlamôn Kāraṇapāli thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và ông Bàlamôn Piṅgiyānichứng minh và công nhận ông Kāraṇapāli là cận sự nam đã quy y Tam Bảo; và trường hợp người cận sự nam thiện trí hướng dẫn phép quy y Tam bảo và ngũ giới cho 700 thương gia trên thuyền.
Thời nay, Phật giáo đã truyền bá đến nhiều nước trên thế giới, mà mỗi nước có tiếng nói riêng của nước mình. Tuy vậy, các nước theo Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, căn cứ vào Tam Tạng và Chú giải Pāḷi làm căn bản chính. Do đó, tiếng Pāḷi trở thành một ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người Phật tử, còn tiếng nói của xứ sở mình là ngôn ngữ riêng, dùng để dịch nghĩa từ ngôn ngữ Pāḷi ra ngôn ngữ của mình, cho mọi người ở trong nước hiểu rõ giáo pháp của Đức Phật. Như vậy, các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, trong các nghi thức Phật giáo thường sử dụng tiếng Pāḷi là chính.
Đối với các hàng tại gia cận sự nam, cận sự nữ, trong các nghi thức xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hoặc bát giới, hoặc cửu giới,... nghi thức tụng kinh lễ bái Tam Bảo, tụng kinh Parittapāḷi,... bằng tiếng Pāḷi là chính, có nơi cũng bằng tiếng Pāḷi và dịch ra nghĩa bằng tiếng của xứ sở mình, để cho mọi người trong nước hiểu biết rõ ý nghĩa.
Đối với bậc xuất gia Sadi, Tỳ-khưu trong các nghi thức thọ Sadi, thọ Tỳ-khưu, tụng Kammavācā hành Tăng sự,... chắc chắn chỉ sử dụng tiếng Pāḷi mà thôi, không thể sử dụng tiếng xứ sở của mình. Do đó, trong các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, những nghi thức chính Phật giáo, đều sử dụng tiếng Pāḷi hầu như giống hệt nhau.
Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
© www.BlogDaoPhat.com - www.budsas.asia