Khẩu Nghiệp: Tu lời nói Chánh ngữ - mùa hạ thứ 2 ở rừng Thiền | Tu nữ Tịnh Tín
Mùa hè này quá nhiều bài để học, đôi lúc một bài mà phải học đi học lại nhiều lần mà chưa xong... Thôi thì tiếp tục học... học bài học của chính mình, học tha thứ, lòng khoan dung, sự bình an và tĩnh lặng, để chuẩn bị cho một cuộc đi xa.
Hết ba tháng an cư mùa mưa, thì trời mới bắt đầu mưa ở đây. Dù vô tình hay cố ý thì cũng đã làm ai đó bị tổn thương bị phiền lòng. Bởi lời nói hay hành động, thậm chí một cái nhìn không thiện cảm cũng làm người ta mất vui. Sinh ra ai cũng cần học nói, nhưng bây giờ có lẽ im lặng cũng cần phải học, đôi khi cần nhiều thời gian hơn học nói. Học cách im lặng, hãy thử 2 người ngồi cạnh nhau không phải ngồi thiền, mà chỉ ngồi im lặng không nói gì cả 15 phút thử xem sao? Quả thật rất khó, bởi đa số điều thích ngồi tụ họp nói chuyện nọ bàn chuyện kia, toàn chuyện trên trời dưới đất, nói chuyện mình thì tạm chấp nhận đi (nhưng vẫn không hay), đàng này chuyện mình đã rồi sang chuyện người, chuyện xã hội, chuyện thế giới, không hạn chế không gian và thời gian, nói cho đã mồm, nói xong thấy mệt chứ chẳng lợi lạc gì cả, người nghe cũng nhức đầu nữa.
Tu nữ Tịnh Tín và Cận sự nữ |
Cuối hạ gặp một chị phật tử, hai chị em mỗi ngày nói chuyện khoảng 10-15 phút, xong đi ngồi thiền, cả 2 điều nhận ra mình nói chuyện thế này ngồi thiền chả yên tí nào (tác hại của việc nói nhiều đối với thiền không phải chuyện nhỏ) một người nói chuyện liêng thuyên từ sáng đến chiều mà bảo ngồi thiền tốt, thì nên xem xét lại. Rồi hai chị em cũng nhận ra, dù mình có nói người khác vài câu là sự thật người đó là như vậy như vậy... nhưng đã nói người khác thì mình cũng chẳng hay ho hay tốt đẹp gì. Đã nói ra thì chẳng qua mình cũng đang bảo vệ quan điểm của mình là đúng và nói không tốt về người khác đấy thôi. Cả 2 dừng lại và cười khẽ, mình phải nhìn hai mặt, và tốt nhất là mình đừng nói nữa.
Tu nữ Tịnh Tín và vị đồng phạm hạnh Theravāda Chú cún phía dưới hơi có duyên ^^ |
Cứ xúm nhau lại nói chuyện xàm xí, rồi nói không sao, nói cho vui, nói không có ý nghĩa gì.
Thiết nghỉ lời nói mà không quan trọng, thì trong Bát chánh đạo Đức Thế Tôn sẽ không đưa Chánh ngữ xếp vào thứ 3, trong giới không đứng thứ 4 như thế kia. "Lời nói không là dao sao cắt lòng đau nhói . Lời nói không là khói sao khoé mắt cay cay" lời nói rất quan trọng. Bởi vậy nên Đức thế tôn thuyết giảng hay không thuyết giảng có 6 trường hợp:
1/ Đức Thế Tôn biết rõ lời nào không chân thật, không đem lại lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ. Ngài không thuyết giảng lời ấy.
2/ Đức Thế Tôn biết rõ lời nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dầu người nghe hài lòng, hoan hỉ. Ngài không thuyết giảng lời ấy.
3/ Đức Thế Tôn biết rõ lời nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỉ. Ngài không thuyết giảng lời ấy.
4/ Đức Thế Tôn biết rõ lời nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, dầu người nghe hài lòng, hoan hỉ. Ngài không thuyết giảng lời ấy.
5/ Đức Thế Tôn biết rõ lời nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng hoan hỉ. Ngài biết tuỳ nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng lời ấy.
6/ Đức Thế Tôn biết rõ lời nào chân thật, đem lại sự lợi ích, dầu người nghe không hài lòng, không hoan hỉ. Ngài biết tuỳ nơi , đúng lúc sẽ thuyết giảng lời ấy.
Là Phật tử con Phật. Con thì phải giống cha chứ nhỉ? Mình "hơn" cha nhiều quá, biết thì ít mà nói thì nhiều, nói bậy bạ mà nói to. Giờ tu gì tu chắc phải cố gắng tu cái miệng bớt nói lại đã. "Thủ khẩu như bình" phàm con người sinh ra sinh với búa trong miệng, kẻ ngu khi nói bậy, tự chặt lấy gốc mình.
Thị phi lắm lúc khó thài lai!
Trước giờ có làm ai đó tổn thương buồn lòng thì bỏ qua cho tớ nhé! Cuộc đời là một trường học, mỗi sự việc xãy ra là một bài học. Mùa hè này quá nhiều bài để học, đôi lúc một bài mà phải học đi học lại nhiều lần mà chưa xong... Thôi thì tiếp tục học... học bài học của chính mình, học tha thứ, lòng khoan dung, sự bình an và tĩnh lặng, để chuẩn bị cho một cuộc đi xa.
© www.BlogDaoPhat.com | Blog Đạo Phật Ngày Nay - BuddhaSasana