Tu tập Từ Bi Hỷ Xả | Sư Toại Khanh (Giác Nguyên Simsapa)
Đoạn này rất quan trọng cho những ai còn là phàm phu cầu đạo giải thoát. Ngài Xá Lợi Phất nói rằng có người cho rằng mình có tu tập từ bi hỷ xả mà phiền não cứ đầy ứ ra đó. Bởi vì mỗi pháp môn từ bi hỷ xả nó đều có tác dụng có hiệu năng là nó đối phó đối trừ với phiền não tương ứng nào đó.
34. Kinh Thập thượng (Dasuttara Sutta) (11) - Sư Toại Khanh giảng |
Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Bây giờ tại sao mình tu mà phiền não còn y chang . Xin thưa !
Thứ nhất là mình có tu đúng hay không ? Mình muốn tu đúng thì tự xét liệu mình có hiểu đúng hay không , mình có hiểu đúng mình mới tu đúng . Hiểu đúng mà không tu đúng thì nó không dẫn đến hiệu năng y như là mình mong đợi .
Bây giờ chúng tôi sẽ giải thích:
1- Từ tâm là mong cho mọi người , muôn loài được tốt đẹp.
2- Bi tâm là mong cho mọi người và muôn loài đừng đau khổ thân tâm .
3- Hỷ tâm là vui với nhân lành quả lành của mọi người . Nhân lành là mình thấy người ta tu hành mình vui với họ . Còn quả lành là thấy người ta vui sướng về thân tâm , mình cũng vui với họ. Vui trong lòng giống như là mẹ vui với hạnh phúc của con , chứ không phải vui như xu phụ chạy theo .
4- Xả tâm là luôn biết an trú trong trí tuệ nhận thức về nghiệp riêng của muôn loài. Khoảnh khắc đó được gọi là xả tâm . Khi hành giả an trú trong xả tâm , thì luôn luôn nhớ câu này : mỗi cá nhân có nghiệp riêng , ta thương họ cách mấy thì cũng không thể làm được gì cho họ hơn là thiện nghiệp của họ , mà ta có ghét họ cách mấy ta cũng không làm gì được họ nếu mà họ không có ác nghiệp . Nếu họ có ác nghiệp rồi thì ta không cần phải ra tay , tự họ cũng sẽ tan tác với ác nghiệp của họ .
Đây là bốn vô lượng tâm ,gọi là pháp môn tu tâm là vì mức độ rốt ráo của bốn pháp môn này là phải hướng đến toàn bộ chúng sanh không phân biệt không gian và ranh giới , không phân biệt chốn nào nơi nào . Khi mình dùng bốn tâm này nghĩ về chúng sinh trong vô lượng vũ trụ không phân biệt giới tuyến thì cái đó mới được gọi là vô lượng tâm .Giới tuyến ở đây bao gồm về những sự phân chia về ngôn ngữ , về sắc tộc , màu da , màu tóc , quan điểm chính trị , quan điểm tín ngưỡng , quan điểm văn hoá , quan điểm xã hội ..v...v . Tất cả những dị biệt ấy trong cái nhìn của một hành giả tu tập từ bi hỷ xả dứt khoát phải được xoá sạch .Thì lúc bấy giờ từ bi hỷ xả này khi ấy mới được gọi là vô lượng tâm . Chúng ta thường hay mong mỏi vô lượng an lạc , vô lượng công đức , vô lượng phước báu ..v...v , nhưng thật ra muốn có được những điều tốt đẹp ở mức vô lượng thì chuyện đầu tiên anh phải có tâm vô lượng , mà anh muốn có tâm vô lượng thì anh phải bỏ cho bằng được những ranh giới còn bị bó buộc trong những rào cản những giới tuyến .
Đây là bốn pháp môn rất quan trọng bởi vì đem lại vô lượng công đức cho người hành trì và đồng thời pháp môn vô lượng tâm này có thể được xem là nền tảng tốt nhất cho Tứ Niệm Xứ .Tôi biết tôi nói cái này nhiều người trong room nhảy dựng lên vì có bốn mươi đề mục thiền Chỉ mà tại sao Sư dựa vào đâu mà dám nói bốn cái này là nền tảng tốt nhất , mấy cái kia cũng làm đề mục cho thiền Quán được nhưng riêng bốn cái này được xem là tốt nhất là vì sao ? Là vì những đề mục như đất , nước , lửa , gió , xanh , vàng , đỏ , trắng , hư không , ánh sáng , tử thi , bốn đại ..v... v những đề mục đó thì dĩ nhiên cái nào cũng giúp mình định tâm thì tốt và cái nào cũng có khả năng làm định hoặc làm nền cho tuệ học . Nhưng riêng bốn cái này bên cạnh chuyện giúp cho mình khả năng định tâm đắc thiền chứng định , thì bản thân chuyện tu hành bốn pháp môn này nó đem lại cho mình phước báu hằng hà sa số .
Đức Phật thường dạy rằng : “ này các Tỳ Kheo mỗi khi khất thực thọ nhận thực phẩm của cư sĩ vị tỷ kheo chỉ cần an trú trong từ tâm , bi tâm , hỷ tâm , xả tâm , trong thời gian một khảy móng tay tiếng Pali là Ekacchara , thì công đức của Phật tử không thể cân đong đo đếm được . Điều đó cho thấy công đức này lớn lắm . Và trong 47 vị đại cao đồ của Đức Phật mỗi vị có một đặc hạnh : đệ nhất trí tuệ , đệ nhất thần thông , đệ nhất thiên nhãn ...v.. v . Trong đó có một vị đệ nhất đáng cúng dường là Subhuti Ngài Tu Bồ Đề ,đệ nhất hòa ái và đệ nhất ứng cúng .
Hoà ái là sao ? Các vị thánh khác thì thấy chuyện cần nói thì nói và không ngại nói chuyện nhẹ nhàng hay nặng lời , các vị thánh cần thì có thể nói những điều làm cho người ta bị sốc . Thí dụ như là : “ Chỉ có người ngu mới hành động như vậy ; chỉ có người thiếu trí mới làm như vậy ., làm như vậy là hại mình hại người đời này đời sau “ Những vị thánh không ngại huỵt tẹt ra như vậy .Nhưng mà ngài thì không , ngài luôn luôn tránh cái cách nói mà làm cho người ta bị sốc , luôn luôn nói như mơn trớn , nói nhẹ nhàng , nó đắc hay không kệ nó , nhưng mà đầu tiên là “không bao giờ làm cho em bị sốc thuốc “ , ngài là vô địch cái đó , nói hoà ái là như vậy . Luôn luôn từ lúc nói chuyện cho đến lúc thuyết pháp cả đời gặp ngài là chỉ có mềm mỏng êm ái , ấm cúng , không có gì khác hết .
Đệ nhất ứng cúng là mỗi lần đi khất thực , mỗi lần mà ngài nhận cúng dường của ai thì ngài muốn trước đó và trong khi đó ngài đều an trú vào trong từ tâm , vì trong kinh nói cúng dường cho các vị mà an trú trong từ tâm là công đức vô lượng là bởi vì các vị an trú trong vô lượng từ tâm , vị đó hướng về vô lượng chúng sanh không phân biệt giới tuyến , màu da , ngôn ngữ , tư tưởng , quan điểm , giới tính , sắc tộc v...v ,trời , người muôn thú , sa đọa siêu sanh tất cả đều được nằm trong cái lưới từ bi vô lượng của vị này . Cho nên khi mà mình cúng dường một con người mà trong khi tâm đang trải ra vô lượng vũ trụ thì công đức không thể nghĩ bàn . Trong vô lượng vũ trụ , rờ đâu cũng là ích kỷ , kể cả những người tu hành cũng hiếm bao giờ có thời gian trong ngày mà nghĩ đến vô lượng chúng sanh ,vậy mà con người này mỗi lần mà ôm bát đi là an trú từ tâm . Và ngài luôn an trú vô lượng tâm khi khất thực để công đức của thí chủ nhiều phước hơn . Riêng ngài có lòng như vậy .
Ở đây ngài Xá Lợi Phất nói thế này : nhiều người cứ nghĩ rằng mình đã tu bốn cái này mà tại sao vẫn còn phiền não là vì sao ?
Vì từ tâm là đối lập sân tâm
Bi tâm là đối lập hại tâm . Hại tâm là lòng hại người
Hỷ tâm là đối lập với lòng ghen tị bất mãn ( Issa , Arati ) đối với kẻ khác
Xả tâm là đối lập tất cả thương ghét , ở đây chỉ nói đến ái vì có ai mới có sân. Sân có từ ái. Không ái không sân .
Tôi đã hiểu đạo đã nhớ pháp đã hành trì mà tại sao phiền não nó cứ đầy ra đó , mình phải nhìn kỹ mình hiểu đúng hay sai , mình nhớ đúng hay sai , mình hành trì đúng hay sai . Sai thì không còn gì để nói , còn đúng thì mình hành trì được bao nhiêu ? Tôi sợ nhất là ngồi thiền mà theo đồng hồ , sáng bao nhiêu , trưa bao nhiêu , chiều bao nhiêu , tối bao nhiêu thì không được , dầu đó là thiền Chỉ hay thiền Quán , người mà lệ thuộc quá nhiều vào đồng hồ thì rất khó có kết quả như ý . Cho nên ngài Xá Lợi Phất nói có rất nhiều vị cứ nói năng tôi thế này thế kia , thì vị đó phải xét rằng vị đó có vấn đề .
Trong kinh nói rõ . Ngài Xá Lợi Phất nói : “ đừng có nói như vậy , đừng có hiểu lầm Thế Tôn , đừng có vu khống xuyên tạc Thế Tôn , Thế Tôn không có nói như vậy , không bao giờ có chuyện người tu bốn vô lượng tâm mà lại có bốn thứ phiền não này đó là : sân tâm , hại tâm , ghen tị và tham ái . Ít nhất là trong thời điểm họ đang an trú họ không có bốn phiền não này".
Cho nên ai nói rằng tôi có tu mà tại sao bốn cái này còn nguyên thì tôi nhắc lại họ hiểu lại xem có hành đúng hay không ? Và hành được bao nhiêu ? Tu thế nào ? và tu được bao lâu ? Và tu Tứ Niệm Xứ trong kinh Đức Phật ngài dạy bảy năm , bảy tháng hoặc chỉ trong bảy ngày có thể đạt là vì sao ? Không phải tu kiểu ầu ơ như mình mà phải xuyên suốt miên mật thời gian tỉnh thức , ngủ thì thôi , chứ còn suốt thời gian tỉnh thức từ sáng cho tới tối ngủ lại , trong suốt 12; 15 tiếng đó chánh niệm liên tục và liên tục . Và tôi thường nói có ba lý do để ta chánh niệm liên tục :
1- Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào
2- Chúng ta có thể đắc đạo bất cứ lúc nào
3- Chúng ta không biết tạo thiện nghiệp ác ra sao
Chỉ cần anh thất niệm thì chuyện gì anh cũng có thể làm được , thân nghiệp , khẩu nghiệp và ý nghiệp . Nghiệp thiện thì mình không lo nhưng nghiệp ác không biết là bị nghiệp gì . Cho nên mình hiểu được như vậy thì mình phải để ý : cái học , cái hiểu , cái nhớ và hành trì có vấn đề .
SƯ GIÁC NGUYÊN
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
(Chép lại bài giảng của Sư ngày 21-11-2017)