Tiến Trình NHÂN QUẢ qua biểu đồ Thập Nhị Nhân Duyên của ngài MOGOK.
Qua sự thấu triệt lời dạy của đức Phật về luân hồi, ngài Mogok đã vẽ ra biểu đồ Thập Nhị Nhân Duyên như đã thấy.
Ngài Zaw Ti Ka giải thích rằng tùy theo trình độ quán niệm của từng hành giả thiền Minh Sát mà có nhiều cách để nhìn biểu đồ nói trên: Hoặc là nhìn nó theo 2 giai đoạn, hoặc là nhìn theo tiến trình Nhân Quả, hoặc nhìn qua 3 loại tác động.
Theo thỉnh ý của hội chúng hôm nay, ngài sẽ giải thích biểu đồ qua cách thực hành thiền Minh sát ( Vipassana) theo kinh nghiệm thực chứng của ngài Mogok.
Ngài muốn hội chúng hãy nhìn kỹ vòng quay thứ 4, phần 2, bắt đầu với Thức tái sanh, rồi có Danh Sắc ( thân và tâm). Sau đó hãy chú ý đến phần Lục Nhập trên thân của mình, nơi mà 6 Căn tiếp xúc với ngoại cảnh. Khi hành giả nhìn thấy một vật gì, đó là do có con mắt nên mới thấy. Khi nghe một âm thanh, đó là do có lỗ tai nên biết nghe. Mọi người khác như anh John hay chị Mary đều nghe và thấy cũng cùng cách đó. Chỉ có con mắt thấy và lỗ tai nghe thôi, ngay cả loài thú như con chó cũng nghe thấy bằng cách đó. Do đó, qua sự hiểu biết khách quan (Chân đế) thì không có người hay Tôi /Ta nghe thấy mà chỉ có cái lỗ tai nghe và con mắt thấy mà thôi! Còn qua cái nhìn tục đế thì sẽ cho rằng tôi nghe hoặc tôi thấy rồi có sự so sánh và dính mắc phiền não.
Sở dĩ hành giả có sự thấy (do con mắt) và sự nghe (do lỗ tai) là do có sự tác động (Xúc) của ngoại cảnh lên căn mắt và tai ở thân mình và từ đó mới có sự cảm nhận (Thọ) . Hành giả phải nhìn kỹ 6 sự nhận biết trên 6 căn của mình để hiểu rõ mình từ đâu tới ? Có thật là mình nghe, mình thấy hay đó chỉ là sự nghe, sự thấy mà thôi?
Nếu một người hội đủ Duyên (không bị đui mù và có đủ ánh sáng để thấy) thì con mắt mới có thể nhìn thấy được. Đối với những giác quan khác (mũi, lưỡi, thân/da) sự nhận biết ngoại cảnh cũng giống như vậy. Chúng là cái NHÂN chính cho sự ngửi, sự nếm và sự xúc chạm. Chỉ có chúng làm hành động Thấy, Nghe, Ngửi, Nếm, Xúc chạm mà chẳng có ai làm cả.
Bước kế tiếp cho hành giả là hãy quan sát những cảm thọ của mình qua cái thấy, cái nghe, … đó. Do có sự tác động của thế giới bên ngoài (Xúc) làm Nhân cho cảm thọ khởi sinh (Quả) và qua đó xảy ra 1 trong 3 trạng thái tâm lý là Dễ chịu, hoặc Khó chịu, hoặc Trung tính.
Chuỗi phản ứng kế tiếp là từ Cảm thọ sinh khởi ấy (Nhân) mà trạng thái tâm lý sinh khởi (Quả), hoặc là Thích ( craving/ Tham ái), hoặc không Thích (stay away/ Tham ái) hoặc Trung tính ( là một dạng Tham ái ngầm). Rồi tùy theo sự thôi thúc của tham ái (Nhân) mà sự Thích hay Ghét càng tăng thêm cường độ làm tâm mình thêm dính mắc với đối tượng Thích hay Ghét đó (Quả chấpThủ). Rồi do có quá nhiều dính mắc (Nhân), quá thích hoặc quá ghét làm cho Tâm mình khổ (Quả). Thí dụ như được nghe 1 bản nhạc hay thì muốn nghe hoài, còn không được nghe tiếp thì bực bội. Từ đó mình sẽ không còn kiên nhẫn nữa mà muốn hành động để giải quyết cái muốn đó (Nghiệp Hành). Đây là con đường dẫn đến Sinh tử Luân hồi cho dù làm việc thiện hay bất thiện.
Có một học sinh thích xem đại nhạc hội. Vì mê xem quá nên dù ngày hôm sau có bài thi mà cũng vẫn không kềm chế được nên không ở nhà học mà lại đi xem. Nhìn thấy được những sự kiện xảy ra nơi từng cá nhân trong cuộc sống hằng ngày (Nhân), hành giả có thể đoán được tương lai của người đó sẽ như thế nào (Quả).
Lại có một người vì nghe nói nếu được tái sinh lên cõi Thiên sẽ được sung sướng, sống lâu, sắc đẹp, v.v.. nên người ấy luôn mong cầu và tìm dịp để làm thiện pháp như bố thí, cúng dường… Nhưng vì làm thiện pháp với lòng Tham thì cũng bị rơi vào Nghiệp Hữu và Luân hồi.
Ngay cả con cá (loài Thú không đủ 6 căn) cũng vậy. Khi nó thấy cái mồi trùng trông hấp dẫn trước mắt, rồi nó bị cuốn hút vào đó và chỉ biết bơi tới đớp mồi mà không biết được nguy hiểm đang xảy đến với nó. Đây cũng là chuổi phản ứng từ Xúc đến Thọ, Ái, Thủ, Hữu để dẫn đến Luân hồi.
Trong câu chuyện của người anh và em trong 1 gia đình, khi nghe việc chia gia tài lúc cha mẹ qua đời, người thì vui vì được chia nhiều, kẻ thì buồn vì bị chia ít. Thế rồi anh em sinh ra mâu thuẫn nhau, dẫn tới hành động thưa kiện nhau để được phần lợi cho mình.
Do đó hành giả Thiền Minh Sát cần phải luôn tinh tấn thực hành chánh niệm nơi 6 căn và những cảm thọ khởi lên nơi thân tâm mình. Phải có cái nhìn trung thực và khách quan để hiểu rõ bản chất thật của con người mình: Đó chỉ là cái thân tứ đại và cái tâm luôn bị lôi cuốn theo chuổi phán ứng của vòng xoáy Luân hồi. Nếu nắm vững sự hiểu biết này và không còn nghi ngờ gì cả thì xem như hành giả đã đi đúng đường tu và sẽ tiếp tục tiến xa hơn.
Nói tóm lại, để thể hiện lòng tin và sự hiểu biết này, mỗi khi ngồi thiền mà bị đau chân thì hành giả sẽ thấy rằng cái đau chỉ là cái đau, nó chỉ là phản ứng tự nhiên trên thân và sẽ không có sự dính mắc hay phản ứng với cái đau đó như đổi tư thế ngồi hoặc không muốn ngồi nữa.. Rồi hành giả sẽ thản nhiên nhìn cái đau tự nó thay đổi và biến mất, và qua đó thấy được sự vô thường trong chuổi phản ứng cũng như trong khái niệm thời gian.
Hành giả phải áp dụng sự hiểu biết về tiến trình Nhân Quả trong vòng xoáy của Lý Duyên Khởi này trong thiền tập cũng như trong mọi sinh hoạt hằng ngày để có sự kiên nhẫn, biết quan sát các cảm thọ và không để mình trôi lăn theo chuổi phản ứng của Luân hồi. Nếu hành giả thấy ra sự Sinh Và Diệt trong cái đau chân thì sẽ hiểu được sự Sinh / Diệt của Già, Bệnh, Khổ. Tâm của hành giả sẽ không bị ràng buộc bởi tham ái hay bất mãn nào cả. Hành giả sẽ được sống hạnh phúc và chết bình an.