Đối với người thực hành Giáo Pháp, thời gian sống trên đời là được dành để quán tưởng về sự vận hành của các Pháp. Ngay cả cái chết của người thân thương cũng là một phần của quá trình quán tưởng nầy. Chúng ta thấy rằng sự kiện được sinh ra làm người bao hàm ý nghĩa là đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ xa lìa nhau, sẽ chứng kiến cái chết của những người thân quen, và cuối cùng tất cả chúng ta đều sẽ chết. Vì thế, sự kiện con người bị cuốn hút, gắn chặt, và trải qua quá trình sống và chết nầy cũng là một trong các Pháp của thế gian.
Đó là quá trình vận động tự nhiên của vạn vật; không có gì sai trái và bất hợp lý cả.
Nhưng con người thường từ chối chấp nhận sự chết và từ chối quán tưởng về sự chết. Suốt đời, chúng ta bị gắn chặt và bận bịu với cuộc sống đến nỗi chúng ta quên hẳn đi giai đoạn kết thúc của nó. Vì thế, khi cuộc sống chấm dứt, chúng ta hoàn toàn không chuẩn bị gì cả. Khi suy nghĩ về những sự kiện quan trọng nhất của đời người, chúng ta thấy chỉ có sự sanh và sự chết. Đối với con người, sự sanh -- hay cụ thể hơn là sự ra đời của các trẻ sơ sinh -- thường là gần gũi và dễ chấp nhận, nhưng sự chết thường làm cho người ta hoang mang và bối rối. Điều gì đã xảy ra khi người nào đó chết? Ý nghĩa của cái chết là gì?
Mỗi lần nghĩ về cái chết, chúng ta thấy là mình không thể nào biết được những gì đã thật sự xảy ra trong cái chết. Những gì đã xảy ra cho người mà mới đó chúng ta thấy vẫn còn sống? Họ đã đi đâu? Ai có thể biết được họ đi đâu hay chết là hết? Thiên đàng, địa ngục, hay cõi hư vô?
Điều chúng ta biết được chắc chắn về sự chết là chúng ta hoàn toàn không biết gì về nó. Chúng ta chỉ biết được là chúng ta vẫn còn sống, chúng ta chưa chết, và chúng ta không biết cái gì sẽ xảy ra khi một người nào đó lìa đời. Những hiểu biết của chúng ta về cái chết hình như quá ít ỏi, nhưng chính sự hiểu biết giới hạn và ít ỏi nầy là một nhân tố rất quan trọng, vì đa phần người đời vẫn không nhận ra là họ không biết gì hết về sự chết. Ngược lại, họ có thể tin bất cứ điều gì, chấp nhận bất cứ giải thích, suy đoán hay tư tưởng tà vạy nào.
TIẾN TRÌNH CHẾT XẢY RA TRƯỚC CÁI CHẾT CỦA SẮC THÂN VẬT LÝ
Hành thiền là một tiến trình chết xảy ra trước cái chết của sắc thân vật lý. Nó không là gì khác ngoài việc để cho những gì được sanh ra trong thân và tâm tự nó chết đi, và cứ tiếp tục như thế cho đến lúc không còn gì để chết nữa. Lúc đó, chúng ta có thể nói một cách thi vị là sự chết đã chết. Khi nói đến "sự chết," tôi muốn nói đến cái nhìn hay nhận thức về sự chết như vừa mô tả. Nếu xem sự chết như cái gì thuộc về cá nhân, chúng ta sẽ hoảng sợ vì nghĩ là chúng ta sắp chết. Quan niệm của chúng ta về sự sống được dựa trên quan điểm thân nầy là của tôi và tôi chính là tấm thân nầy -- vì thế chúng ta xem cái chết là một điều đáng sợ. Chúng ta sống với lo âu và sợ hãi về cái chết của thân xác, về sự xa lìa những gì chúng ta yêu mến, hay về những điều bí ẩn xảy ra khi chúng ta chết. Chúng ta nghi vấn, "Con người có nên làm việc thiện, giữ gìn giới hạnh, và sống khoan dung độ lượng không? Hay chúng ta hãy quên phứt đi những vấn đề đạo đức nầy vì con người sống sao cũng được? Phải chăng không có nguyên tắc đạo đức nào hết chi phối vũ trụ nầy, và vì thế bạn có thể tùy tiện sát sinh, trộm cắp, lừa dối, và lường gạt ? Phải chăng chết là hết hay những việc mà chúng ta làm trong kiếp nầy sẽ tác động đến kiếp sau của chúng ta? Đây là những câu hỏi mà bạn có thể suy đoán và bàn cãi suốt đời.
Tuy nhiên, Đức Phật không dạy chúng ta suy đoán và bàn cãi về sự sống và sự chết. Ngài chỉ cho chúng ta thấy sự vận hành của các pháp trong kiếp người của chúng ta. Và đây chính là ý nghĩa cốt lõi của việc hành thiền. Hành thiền là một quá trình quán sát, điều tra, xem xét, và nhìn sâu vào bản chất của các pháp. Trong khi hành thiền, chúng ta sẽ quan sát tấm thân vật lý của chúng ta, những tình cảm, và những gì làm chúng ta hoan hỷ và bình an. Chúng ta sẽ tự mình thấy được bản chất thật sự của tham ái và dính mắc và sẽ quán sát những nhân duyên sinh rồi diệt.
Quá trình chết xảy ra trước cái chết của tấm thân vật lý có nghĩa là chúng ta để cho những gì sinh khởi tự nó hoại diệt. Đây là lời dạy của Đức Phật về việc rèn luyện tâm thức con người; chúng ta nên để tấm thân vật lý nầy chết khi đã đến lúc nó phải chết. Nếu nó sống thêm một phút nữa, hay năm mươi năm nữa, hay tám mươi năm nữa, hay gì gì đi nữa -- hãy để sắc thân nầy quyết định. Chúng ta không cần phải hối hả chết, cũng không cần tìm cách kéo dài cuộc sống lâu hơn cần thiết. Hãy để cho tấm thân nầy sống đúng với tuổi thọ của nó, vì nó không phải là tự ngã; nó không thuộc về chúng ta. Tấm thân nầy còn thở và sống bao lâu cũng được. Dù sao đi nữa, nó không phải là của ta. Nhưng trong thời gian mà sắc thân nầy còn sống, đó là cơ hội để những cái chết khác xảy ra: đó là cái chết của vô minh và lòng vị kỷ; cái chết của tham ái, sân hận, và si mê; đó là cơ hội để cho tất cả những tâm bất thiện nầy chết đi; để cho tất cả những phiền não nầy ra đi và tận diệt. Vì thế, trong khi hành thiền, chúng ta quán sát cái chết như nó đang thật sự xảy ra, chúng ta quán sát sự chấm dứt, kết thúc, và ngừng nghỉ của tất cả những gì mà chúng ta xem là tự ngã của mình, mà thật ra, chúng chỉ là những điều kiện hay nhân duyên bị khống chế bởi tiến trình sinh diệt của thế gian nầy.
Con người có khuynh hướng diễn giải tất cả những hình thức tham ái, sân hận, và si mê như là cái gì của riêng họ. Chúng ta nghĩ, "Tôi tham, tôi sân, tôi si. Và vì tôi là như thế, nên anh cũng như thế." Từđó, niềm tin "tôi-là và anh-là" nầy tạo ra ảo tưởng chúng ta là một nhân cách nào đó. Nhưng nhân cách là gì? Tự ngã là gì? Nó thật sự là cái gì? Chúng ta có thể quán sát nỗi sợ hãi khi phải buông bỏ tự ngã bằng cách lắng nghe tiếng nói vi tế nào đó đang thì thầm bên trong chúng ta, "Nếu không chăm lo cho tự ngã của tôi, thì tôi còn là cái gì? Tôi sẽ tan rã và biến mất trong hư không mất đi thôi. Nếu tôi không mắc những chứng bịnh tâm lý lạ lùng, không nhờ các bác sĩ tâm thần điều trị, không để ra hằng giờ để thổ lộ những lo âu và sợ hãi của mình, hay không có quan hệ tình cảm với ai đó -- thì tôi còn là cái gì nào?" Chúng ta thấy là chúng ta rất sợ hãi khi phải buông bỏ nhân cách của mình.
Quan hệ trong gia đình là một thí dụ tốt về vấn đề nầy. Nếu có con cái, bạn có thể nói, "Làm sao mà cha mẹ không dính mắc với con cái được?" Thật ra, bạn không cần phải quăng đứa con thân yêu của mình vào miệng núi lửa để tự thuyết phục là mình không dính mắc với con cái! Để cho lòng vị kỷ chết đi không có nghĩa là bạn không thương yêu con bạn. Để cho lòng vị kỷ chết đi có nghĩa là bạn không còn dính mắc vào nhận thức về bạn như một người mà hạnh phúc tùy thuộc vào niềm tin cho con cái là của bạn, thuộc về bạn, là chúng thương yêu bạn, là chúng không thể sống thiếu bạn, và bạn không thể sống thiếu chúng. Chúng ta có thể tạo ra một mớ bòng bong dầy đặt đầy hoang tưởng và mê lầm về con cái. Chúng ta cho đó là "yêu thương con cái" nhưng thật ra đó là tình yêu bị kẹt trong mạng lưới của dính mắc và si mê. Tình yêu chân thật khó mà nẩy nở trong mớ bòng bong đó.
Vì thế, tình yêu chân thật không phải là dính mắc. Tình yêu chân thật là khả năng thấy một cách rõ ràng, hoan hỷ và vị tha, hiến dâng mà không đòi hỏi, và phục vụ mà không kèm theo những đòi hỏi ích kỷ. Đó là khả năng sống không còn quan điểm tôi và ta, không còn những khổ đau phiền não mà chúng ta tạo ra xoay quanh những quan hệ cha mẹ, con cái, chồng, vợ, và bạn bè -- hay cái thế giới mà chúng ta đang sống.
Có lẽ chết là sự bừng tỉnh và thức dậy từ giấc mơ của cuộc đời. Có khi nào bạn nghĩ về cái chết như thế không? Sống với quan điểm tự ngã thì chẳng khác sống mà như chết, sống với nỗi đau khổ và sợ hãi triền miên cấu xé và gậm nhấm tâm trí chúng ta. Chán đời là chết; tuyệt vọng là chết; sợ hãi, tham ái, và si mê là chết. Vì thế chúng ta có thể sống mà vẫn như chết -- hay chúng ta có thể để cho những cái chết nầy chết đi trước khi sắc thân vật lý nầy chết, bằng cách bừng tỉnh và thức dậy từ giấc mơ của cuộc đời và từ những ảo tưởng về tự ngã của chúng ta.
ĐIỀU CHẮC CHẮN THẬT SỰ VÀ DUY NHẤT
Chúng phải chấp nhận những giới hạn của việc sinh ra trong sắc thân con người. Chúng ta phải chấp nhận cái cảm giác bị chia cách và cô lập với thế giới chung quanh, và cái cảm giác luôn bị thúc đẩy và lôi kéo về những đối tượng của ngũ dục. Đây chỉ là một phần của cái nghiệp tái sinh. Đây chính là thực tế của việc sinh ra trong sắc thân con người. Nhưng chúng ta không phán đoán những điều nầy là tốt hay xấu, hay cho thân nầy là của tôi, hay cho nó phải như thế nầy hay thế khác. Trái lại, chúng ta chỉ ghi nhận. Để làm được điều nầy, chúng ta phải chánh niệm -- nghĩa là phải có khả năng quán sát và mở rộng tâm thức -- để thấy thực tại như nó đang xảy ra. Vì thế, cái thế gian mà chúng ta cảm nhận qua sắc thân làm người nầy chính là cơ sở để chúng ta thực hành giáo pháp. Thế gian nầy luôn luôn có cái gì đó để dạy chúng ta. Nó luôn là nơi nương tựa và là thầy dạy của chúng ta.
Như bạn sẽ thấy, cách quán tưởng nầy sẽ đổi hướng nhìn của bạn về cuộc đời. Sự chết thường bị xem là một bi kịch, một cái gì kinh khủng và hãi hùng; Thậm chí có người cho rằng suy nghĩ về cái chết là bệnh hoạn. Nhưng theo tôi, quán tưởng về cái chết là rất quan trọng vì cái chết chắc chắn sẽ đến với tôi. Điều chắc chắn duy nhất sẽ xảy ra trên đời nầy chính là sự chết. Tất cả thân xác nầy rồi sẽ hoại diệt. Cái chết của sắc thân nầy là một trong những biến cố quan trọng của đời người. Trong khi hành thiền, chúng ta học cách làm sao để chết; chúng ta học cách để cho mọi việc xảy diễn ra theo đúng bản chất của nó, học cách mở rộng tâm thức, tiếp nhận, và sống hài hòa với sự vận hành của các pháp. Và "sự vận hành của các pháp" bao gồm tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trong đời sống của mình -- kể cả bệnh tật, già nua, và sự chết.
Ngay cả nếu bạn là người khoẻ mạnh từ lúc sinh ra đến lúc chết, bạn cũng không tránh được tuổi già và chết. Vì thế chúng ta quán sát già, bệnh, và chết, không phải vì chúng ta bệnh hoạn, mà vì đây chính là tiến trình của cuộc sống mà chúng ta phải đi qua. Suốt đời mà bạn cứ thích thú lo sưu tầm các loại bươm bướm đẹp hay những tượng nhỏ bằng gốm sứ quý nhập từ Ba Tư và không biết gì đến những tiến trình rất cơ bản của kiếp nhân sinh thì quả là một điều buồn cười và dại dột. Khi tôi sắp lìa đời, những con bươm bướm đẹp hay những tượng nhỏ bằng gốm sứ quý giá kia không thể nào an ủi tôi được.
CÁI GÌ LÀ THẬT SỰ QUAN TRỌNG?
Trong tu viện, chúng tôi đã có dịp tiếp cận với một số người sắp lìa đời. Đối với họ lúc đó, không phải tiền bạc của cải, hay những thành công và thất bại trong đời, mà chỉ có việc thực hành giáo Pháp mới là quan trọng. Lúc lâm chung, tiền bạc và danh vọng không có ý nghĩa gì cả, và hoàn toàn không quan trọng. Nhưng quan trọng là giáo Pháp: đó là khả năng quán sát, suy tưởng, và hành thiền về sự vận hành của các pháp.
Mọi vật đều có cách thay đổi và biến chuyển theo cách thức riêng của nó: thí dụ như bản chất thay đổi của cơ thể con người, tiến trình lão quá của cơ thể, những chuyển biến của ngày, đêm, và bốn mùa trong năm. Có cái thay đổi và chuyển biến rất nhanh, và có cái chậm hơn; nhưng cái mà chúng ta cần nắm bắt và ghi nhận trong lúc hành thiền là năng lượng của những chuyển biến nầy. Chúng ta rèn luyện nhận thức về những thay đổi trong cuộc sống, thay vì dành thời gian để làm việc nầy việc nọ, rồi mê lầm cho những thành đạt cá nhân của chúng ta là quan trọng và cần thiết. Nếu bạn cứ tiếp tục sống như thế, thì đến lúc già nua và sắp chết, bạn sẽ vẫn không biết những gì đã thật sự xảy ra trong đời mình. Và bạn chỉ sống cho qua thời giờ để chờ cái chết đến mà thôi.
Tâm chánh niệm bám sát vào sự vận hành của các pháp, vào những dòng chảy và đổi thay của năng lượng. Vì thế, tôi sẽ không chỉ biết chờ đợi cái chết xảy ra, hay chỉ biết cố gắng hết sức để sống cho qua cuộc đời nầy. Với tâm chánh niệm và tỉnh giác, tôi có thể thấy được vạn pháp như chính nó.Chúng ta đang buông bỏ những mê lầm và có thể thấy được sự tận diệt của khổ đau.
Nếu không biết bản chất của cuộc sống là gì, chúng ta sẽ hoang mang và bối rối. Chúng ta sẽ nói, "Tại sao phải là tôi? Tại sao tôi phải già? Tại sao tôi phải bị bịnh thấp khớp? Tại sao tôi phải ở trong nhà dưỡng lão nầy? Không công bình chút nào hết. Nếu quả thật có Thượng Đế, Ngài sẽ làm cho tôi khỏe mạnh suốt đời và khi chết, tôi vẫn tràn đầy sức khỏe. Tôi sẽ chỉ cần bất chợt đi ngủ rồi không bao giờtỉnh dậy -- không đau đớn, không khổ sở, không ghê sợ những gì xảy ra. Tôi sẽ có một cái chết toàn hảo, và tôi sẽ không bao giờ cảm thấy xấu hổ hay là gánh nặng cho ai cả. Tôi sẽ luôn luôn sạch sẽ, lịch sự, được mọi người chấp nhận, và hài lòng nhất."
Nhưng chúng ta đều biết những gì sắp xảy đến với chúng ta, và phần lớn những điều nầy là không đẹp đẽ, sạch sẽ, hay lịch sự gì cho lắm, phải không các bạn? Nhưng đó chính là Pháp, phải không các bạn? Đó chính là sự vận hành tự nhiên của vạn vật. Chúng ta sẽ bắt đầu chiêm ngưỡng tất cả các Pháp -- không phải chỉ chiêm ngưỡng bộ mặt đẹp đẽ của nó -- vì chúng ta nhìn Pháp với tâm tỉnh thức và trí tuệ, chứ không phải qua cái nhìn tự ngã. Tự ngã sẽ luôn nói là, "Ôi, tôi không muốn là gánh nặng cho ai hết; tôi không muốn mất kiểm soát khi tiểu tiện. Tôi xấu hổ lắm." Đó là quan điển của tự ngã. Nó làm chúng ta khổ sở phải không các bạn, bởi vì cuộc sống không chiều theo ý bạn. Và ngay cả khi cuộc sống chiều theo ý bạn, bạn vẫn không an tâm về nó. Bạn sẽ nghĩ, "Những gì sẽ xảy ra, nếu...?" Bạn biết là hiện nay mọi việc vẫn bình thường, nhưng bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra. Và chính tư tưởng đó sẽ làm chúng ta đau khổ.
Cuộc đời nầy đầy dẫy những hiểm nguy và cái ngã luôn luôn bị đe dọa. Lòng ích kỷ là một hiểm họa. Vì thế, cái chết của tự ngã sẽ làm chúng ta nhẹ nhõm và giải thoát chúng ta -- đó chính là Niết Bàn. Cái chết của tự ngã sẽ giải thoát chúng ta khỏi hiểm nguy, khỏi cuộc đấu tranh và giành giật, khỏi những đau khổ mà chúng ta tạo ra do mê lầm và ảo tưởng về cái ngã. Xã hội và thế giới mà chúng ta đang sống đang bám chặt vào ảo tưởng về cái ngã, nhưng khi thực hành giáo Pháp, chúng ta thách thức ảo tưởng đó. Chúng ta không tự cho mình là thông minh rồi tìm cách chối bỏ cái ngã, nhưng chúng ta quan sát và xem xét: "Đây có phải thật là cái ngã? Đây thật sự có phải là chân lý? Chân lý là cái gì?" Và chúng ta sẽ không còn đi tìm một người nào đó, mời họ đến và chỉ cho chúng ta thấy cái gì là chân lý, bởi vì chúng ta biết là tự mình phải chứng ngộ chân lý đó. Chân lý là ở tại đây và ngay bây giờ, để mỗi người chúng ta tự mình thấy và biết nó qua sự thực hành chánh niệm và trí tuệ.
MỘT DỊP ĐỂ MỞ RỘNG TÂM THỨC
Trong mấy năm qua, đã có người đến và viên tịch ở tu viện chúng tôi -- đây là những người bị bệnh nan y và chỉ nằm chờ chết -- chư tăng và ni ở đây chăm sóc họ trước khi họ lìa đời. Vì tôi chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm nầy nên chứng kiến người chết quả là một kinh nghiệm tâm linh kỳ diệu, và tôi đã học được rất nhiều điều. Nếu nói ra điều nầy, có thể bạn sẽ kinh ngạc, nhưng sự thật là tôi rất hoan hỷ khi được săn sóc những người sắp chết. Thông thường chúng ta rất tiêu cực về cái chết và la hoảng lên rằng, "Có ai đó sắp chết. Tôi không muốn thấy vị ấy chết. Tôi không muốn đi thăm. Tôi muốn lánh mặt và đi một nơi nào khác."
Một lần có một phụ nữ người Thái, bà ta khoảng bốn mươi ba tuổi và bị bệnh ung thư vào thời kỳ chót, đến ở tu viện chúng tôi và sắp chết. Bà biết hành thiền, rất cởi mở và chuẩn bị chấp nhận những gì sẽ xảy đến. Trước khi lìa đời, bà xin xuất gia làm tu nữ, và được các ni ở đây săn sóc. Chư tăng thỉnh thoảng cũng đến thăm và hành thiền với bà.
Các bạn người Thái của bà từ Luân Đôn thường đến và hỏi thăm sức khỏe của bà. Tôi trả lời là, "Bà ta thật là tuyệt vời." Và những người bạn nầy mừng rỡ hỏi lại, "Ồ, thế là bà sắp khỏi bệnh à?" Họ ngạc nhiên khi nghe tôi trả lời, 'Không, bà ấy vẫn bị bệnh." Họ không thể thấy cái đẹp và sự thanh tịnh của bà trước giờ nhắm mắt. Họ chỉ thấy sự kiện bà sắp chết là một điều kinh khủng. Nhưng khi thật sự tiếp xúc với bà, bạn không cảm thấy tiêu cực chút nào cả. Bạn không mong bà sẽ chết sớm; ngược lại, bạn mong bà sẽ sống, vì thế có một chút tình cảm đau buồn nào đó, nhưng đó vẫn không phải là niềm tuyệt vọng. Và rồi, khi bà thật sự ra đi, cả tu viện cảm thấy rất thanh thoát và nhẹ nhàng về việc nầy.
Mặc dù người đời thường có những nhận định tiêu cực về cái chết, nhưng thật ra cái chết tự nó sẽ không buồn thãm và khủng khiếp khi con người có khả năng cởi mở để tiếp nhận nó. Được gần người sắp chết có thể là một kinh nghiệm tích cực và thăng hoa khi bạn đánh thức được sự cởi mở đó trong tâm của bản thân người sắp chết và của chính bạn.
*
* Câu hỏi: Đối với Phật giáo nguyên thủy, kinh nghiệm chết có quan trọng hay không?
Trả lời: Vâng, quán tưởng về sự chết được xem là một cách quán sát về sự vận hành của các pháp, về quy luật của thế giới tự nhiên. Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ lễ tang của người Thái lan vì đó là một dịp để những người tham dự quán tưởng về pháp. Người ta không suy đoán là linh hồn người chết đang ở đâu. Người ta chỉ quán tưởng trên kinh nghiệm của một người nào đó đang chết. Người ta sẽ nhìn tử thi, và quán tưởng về một thân xác đã mệnh chung. Người ta không gán cho nó một ý nghĩ nào hết như chết là đáng sợ và ghê tởm chẳng hạn. Chỉ cần quán sát phản ứng của bạn với tử thi. Nếu bạn chưa bao giờ thấy tử thi, và nếu tử thi đó đang thối rữa, bạn sẽ nói: "Xác chết thật xấu xa ghê tởm. Tôi không chịu nỗi mùi hôi thối. Thật là khủng khiếp." Nhưng khi vượt qua giai đoạn đó, và khi không còn tiêu cực nữa, bạn sẽ thấy sự hiện diện của tử thi thậm chí có thể đem lại sự bình yên cho bạn. Đó là một quá trình thối rữa tự nhiên, và rất kỳ diệu. Bạn sẽ thấy là thiên nhiên, ngay cả trong trạng thái hoại rữa của nó, cũng là một phần của sự toàn hảo. Không có cái gì là xấu xa hay hôi thối, ngoài những ý nghĩa bạn gán cho nó.
Có một lần tôi vào một bịnh viện ở Băng Cốc vì ở đây người ta cho phép chư tăng đến quán niệm các tử thi. Lần đó, họ để một tử thi sình chương mới vớt từ một trong những kênh đào chảy quanh thành phố. Xác đã chết một tuần lể, hôi nồng nặc và đã thối rữa, tử khí bốc lên, và vòi bọ bò lút nhút trong hai tròng mắt. Mới thoạt nhìn, mùi hôi và hình thù của tử thi rất là dễ sợ. Phản ứng bình thường của con người là hoàn toàn ghê tởm và chỉ muốn chạy thoát ra khỏi căn phòng ngay. Nhưng bạn phải tiếp cận với tử thi; bạn phải dùng ý chí để ở lại. Và rồi bạn phải đứng đó để chấp nhận xác chết như chính nó, ngay cả mùi hôi thối và hình hài của nó.
Nhưng rồi bạn sẽ thay đổi. Khi mà tình cảm chống ghét và tiêu cực không còn nữa, khi mà bạn đã vượt qua phản ứng trốn chạy đầu tiên đó, bạn sẽ bắt đầu quán sát tử thi như Pháp và chiêm ngưỡng nó. Bạn sẽ chiêm ngưỡng sự toàn hảo của quá trình hoại rữa, và đó chính là sự toàn hảo của thế giới tự nhiên. Đó là một tiến trình tự nhiên, không xấu xa hay ghê tởm. Nó là biểu hiện của cuộc sống và là sự vận chuyển và thay đổi của các pháp. Khi bạn có thể thấy tiến trình hoại diệt một cách bình tĩnh và sáng suốt, bạn sẽ thấy thế giới tự nhiên nầy chính là Pháp.
Ở Thái Lan, người ta gọi thiên nhiên hay thế giới tự nhiên là "Dhammachat" hay Pháp. Dhammachatcó nghĩa là tiến trình phát triển tự nhiên của vạn vật, hay quy luật của thiên nhiên. Nhưng ở phương Tây, chúng ta có khuynh hướng xem thế giới tự nhiên là cái gì đó nằm ngoài tôn giáo. Cấu trúc giáo lý siêu hình của đạo Ky Tô không liên hệ chút nào đến quy luật tự nhiên cả. Vì thế, trong Ky Tô Giáo, con người có được cứu rỗi hay không là tùy thuộc vào việc họ có tin tưởng vào những giáo lý siêu hình, chứ không tùy vào việc họ có hiểu biết của những quy luật tự nhiên hay không. Theo cách mà tôi đã được huân tập ở phương Tây, thiên nhiên là cái gì nằm ở bên ngoài chúng ta; là cái mà chúng ta có thể thấy được. Có núi non, cây cỏ và những quy luật tự nhiên, nhưng chúng không liên quan gì đến bạn cả, vì thế bạn thường cảm thấy rất xa lạ với chúng.
Nhưng thân xác của bạn vận hành theo quy luật tự nhiên; nó là một phần của cấu trúc hành tinh nầy. Và toàn bộ quá trình vận động tự nhiên là bộ phận của một tổng thể toàn hảo. Trong Đạo Phật, thấy Pháp là thấy được sự vận hành tự nhiên của vạn vật, lúc đó bạn đang mở rộng tâm để tiếp cận với thế giới tự nhiên. Đó chính là những gì Đức Phật khám phá ra khi Ngài đại ngộ: Ngài nhận chân được sự vận hành tự nhiên của vạn vật. Và ngay lúc ấy, tất cả những nhận định sai lầm về cái ngã và nền văn hóa dựa trên vô minh, sợ hãi, và tham ái đã tự nhiên biến mất trong tâm của Ngài.
Trích: The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Tác giả: Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch