Hình ảnh & Pháp Đàm Thiền Sư Zaw-Ti-Ka giảng tại Parami Dhamma Centre, Sydney 24.06.2018
Mục đích cuối cùng của Thiền
Kính thưa quý vị, hôm nay Sư sẽ giảng cho quý vị cách thực hành Pháp, giúp thoát khỏi khổ đau.
Muốn chấm dứt khổ đau và vô minh lầm lỗi, chúng ta không thể chỉ là cầu nguyện. Tuy nhiên, chúng ta có thể đọc kinh, có thể cầu nguyện, nhưng hiểu biết rồi thực hành mới là điều quan trọng.
Trong Phật giáo, Pháp mà Đức Phật để lại cho chúng ta gồm có chân đế và tục đế. Thực sự, hai mặt này liên hệ chặt chẽ với nhau, nên Sư dạy cách sống thế nào để hàng ngày có thể đem chân đế vào tục đế một cách viên mãn.
Nếu chúng ta đi thi, chúng ta có cầu nguyện cho chúng ta thi đậu hay không?
Mình học để thi thì đầu tiên phải học bài với thầy, để hiểu được những gì cần học. Sau đó mới bắt đầu thi cũng giống như mình học Pháp, phải hiểu rõ thực sự rồi mới bắt đầu thực tập. Bây giờ, Sư sẽ dạy cho quý vị Pháp của Đức Phật, dù quý vị có rất ít thời gian. Đầu tiên chúng ta phải hiểu, xong rồi chúng ta mới thực tập.
Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ buông ra không phải là cố gắng chịu đựng được sự đớn đau, hoặc hãnh diện với những gì mình thực sự có. Mà quan trọng là không mong cầu được như ý và buông xả tất cả mọi sự vướng bận gút mắc.
- Sự mong muốn bắt đầu bằng thích một vật hay một chuyện gì đó, rồi chúng ta muốn sở hữu và không muốn chia sẻ với ai. Tánh ích kỷ này, cuối cùng chỉ đem tới khổ đau. Trong thiền Minh Sát, chúng ta không cần phải cố giữ cho tâm được yên tịnh, mà thiền vipassana là nhìn sự việc một cách trung thực những gì đang xảy ra với chúng ta.
- Muốn như ý sẽ khiến cho chúng ta va chạm với gia đình, với con cái, với tài sản và sắc đẹp. Nếu muốn diệt từng phần như vậy rất lâu. Trong thiền minh sát, phải nhìn ngay nơi thực tại đó và như vậy rút ngắn thời gian lại rất nhiều.
Nguồn gốc đau khổ là cái ta ảo tưởng muốn được vui. Từ cái ta ảo tưởng đó mang tới tà kiến, cho rằng thế giới là của riêng mình. Khi nhận ra nguồn gốc chính của đau khổ là cái ta ảo tưởng thì có thể tiến tới chánh kiến. Biết được thân tâm hiện tại như thế nào thì mình mới có được chánh kiến và biết sống trong chánh niệm. Pháp mà Đức Phật dạy thiền thì cần có định để đi đến chánh niệm. Trong những đề mục Đức Phật dạy có 40 đề mục về thiền định. Nhưng cách tốt nhất cho hàng cư sĩ tại gia là thiền hơi thở, vì lúc nào chúng ta cũng thở và ở đâu cũng thực hành được.
- Thứ nhất là chúng ta có thể thiền bất cứ nơi đâu mà không cần phải bỏ công sức, vì mình còn sống thì còn thở, nên chỉ cần nhìn sự thở thì đã là thiền, không để cho mọi người chung quanh chú ý biết mình đang thiền, bởi mình sống rất bình thường, không có gì khác người, sống tỉnh thức, bất cứ nơi nào và ở đâu cũng có thể sống thiền hơi thở này.
Tại sao Sư cố gắng giảng cho quý vị hiểu được thiền hơi thở. Bởi Thiền hơi thở là sống ngay trong hiện tại, giúp chúng ta định tâm, không đi lang thang mù mịt. Thiền hơi thở chỉ nhìn sự thở vô và thở ra, không cần biết màu gì hay hình dạng ra sao, nên chúng ta sẽ thấy ra tất cả sự thật, không cần phải phân tích để biết rõ thiền là thế nào. Chúng ta có thể thực hiện thiền hơi thở trong tất cả mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi.
Thông thường, vào khóa thiền chúng ta sẽ ngồi chung với nhau. Bắt đầu tập ngồi thiền thì phải ngồi thật thoải mái. Nếu ngồi bán già, phải giữ lưng thẳng vừa phải, đừng quá ưỡn, cũng đừng để cong hoặc ẹo, đầu hơi cuối, lưng còng và đầu cúi sẽ dể buồn ngủ, hoặc những cách ngồi cố gắng như vậy, không điều hòa khí oxygene làm cho người mình mất thăng bằng và có thể ngã.
Kế đến chúng ta nhìn vào cảm thọ. Nếu nghe một tiếng động nào đó, chỉ biết là tiếng động, hoặc một vật nào đó thì chỉ nhìn và biết vật đó, không có ý đồ thích hay không thích kèm theo. Đó là cách có thể thấy rõ ràng cảm thọ của mình. Khi nhìn vào sự thở thì mình có thể nghe được tiếng động, nhưng lúc nào đề mục chính cũng là sự thở, vậy mới là chánh niệm, là Vipassana. Dẫu nghe hay biết cái gì đó thì cũng trở về tiếp tục quan sát sự thở. Giống như mình dựng lên hàng rào, không có khoảng cách, thì càng ngày mình càng không bị phóng tâm, không còn chạy theo chung quanh, mà đề mục chính là sự thở, tức chánh niệm đã chín muồi. Nghĩa là chúng ta đã tiến triển trong pháp hành thiền chánh niệm này vậy. Khi chúng ta chánh niệm liên tục và không còn thấy thân thể là của ta, chỉ còn biết sự thở hoặc chỉ thấy mà thôi, là bước đầu tiên chúng ta đã nhìn ra được sự thật về thiền Vipassana.
Khi ngồi thiền, nhận ra cảm thọ của thân xác, chúng ta tin tưởng vào thực hành, chúng ta đã tiến thêm một bước nữa là nhận ra vô thường của sự thở, bởi hơi thở tới rồi hơi thở sẽ ra đi và biến mất. Khi cảm thấy tất cả sự việc trên đời này sẽ không bao giờ tồn tại, tức thấy ra vô thường thì sẽ không còn dính mắc bất cứ chuyện gì. Đây là mục đích cuối cùng của thiền.
Khi chúng ta hiểu rõ tất cả những sự vật theo quá trình tự nhiên như vậy, chúng ta sẽ không còn lo sợ cho tương lai hay quá khứ, chúng ta sẽ thoát khỏi tà kiến về cái ta ảo tưởng, và chúng ta biết rõ chính mình, không còn sợ hãi điều gì nữa. Chúng ta nhận được hơi thở là vô thường trong mỗi phút giây, nhận được hơi thở tới rồi đi. Khi đã thấy ra vô thường thì không còn bị vô minh ái dục hay tham sân si, nó sẽ biến mất theo thời gian, chúng ta sẽ được an lạc.
Sư hỏi quý vị, nếu có người khen chúng ta nhiều thì chúng ta có cần phải hãnh diện hay có người chê bai chúng ta thì chúng ta có cần phải rất đau khổ bực tức không? Chúng ta già đi hàng giây hàng phút, phải nhận thức đó là sự thiêng liêng, phải chấp nhận là mình sẽ già sẽ chết, phải nhận rõ dù bị stress, vì đó là hóa trình tự nhiên của sự sống, phải hiểu ra được điều này. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, phải học cách chấp nhận mới thực sự hiểu rõ về Vipassana.
Để có được chánh kiến, chúng ta phải thực hành ứng dụng thiền mỗi ngày. Khi bước qua cuộc đời mới thì chúng ta sẽ ở một cõi an lành hơn.
Sadhu! Sadhu! Sadhu!