...Thánh St. Francis de Sales có viết “Be who you are, and be that well”, tôi nghĩ ông cũng cùng chia sẻ một ý đó: be that well. Hãy sống thật với mình bằng cách sống thiện. Mà thật ra cái thiện không có một khuôn mẫu nhất định nào hết. Nó cần được khám phá bằng chánh niệm, tỉnh giác và một thái độ từ ái. Những gì thiện và tốt lành thì bao giờ cũng có một năng lượng rất to tát, nó có thể chuyển hóa và chữa lành những thương tích lớn trong ta.
Và đôi khi ta không cần làm việc gì lớn lao hết, chỉ cần sống thiện với chính mình thôi, là ta cũng đang chuyển hóa được khổ đau của cuộc đời này rồi... Ngày nay người ta thường hay nhắc nhiều đến vấn đề hãy biết sống thật với chính mình! Trên con đường tu học, có người bạn chia sẻ với tôi rằng, anh ta bao giờ cũng "cố gắng để sống thật với những cảm xúc của mình”, vì anh nghĩ nghệ thuật sống hạnh phúc là ta phải biết sống thật với những gì mình nghĩ, mình cảm xúc, be true to who you are! Nhưng thế nào là sống thật với chính mình bạn hở? Con người thật của ta là một con người như thế nào, ta có biết không?
Tôi thì nghĩ, trước khi chúng ta muốn sống thật ta hãy tập sống thiện trước. Ở giữa một đời sống tương đối này thì những gì là thật chưa chắc đã là thiện, nhưng cái thiện thì bao giờ cũng là cái thật. Ý tôi muốn nói, cái thật tự chính nó chưa chắc đã mang lại ích lợi cho ta. Một con dao là một con dao, một lời nói là một lời nói! Đó là sự thật. Nhưng ta làm gì với con dao đó, với lời nói ấy, mà nó có thể mang lợi ích đến cho mình và người khác hay không! Và đó mới là điều quan trọng.
Tôi nghĩ, trên con đường tu học, cái thật (chân, truth) phải còn cần được đi chung với cái tốt lành (thiện, wholesomeness) và cái đẹp nữa (mỹ, beauty), nó mới thật sự là cái thật. Như đức Phật dạy chúng ta lúc nào cũng hãy chọn nói sự thật, sử dụng chánh ngữ. Nhưng Ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng, thật ra nói sự thật (chân) vẫn chưa đủ! Ta cũng còn cần phải nói đúng lúc, những gì ta nói phải mang lại lợi ích cho người nghe (thiện), và ta phải biết dùng lời nói dễ thương và từ ái nữa (mỹ).
Và theo bạn nghĩ, chúng ta có cần nên sống thật với những ý nghĩ và cảm xúc của mình không? Điều ấy nghe qua thì dường như có vẽ rất hay và hợp lý, nhưng nếu nhìn cho sâu sắc hơn, ta sẽ thấy rằng thật ra việc ấy cũng chỉ đúng một phần nào thôi. Vấn đề là ta sẽ "sống thật" như thế nào đây? Vì những cảm xúc của ta luôn thay đổi, mà những gì thay đổi thì chúng không thể là mãi thật như ta nghĩ. Ta đâu thể nào sống thật với một cái gì mà tự chúng là không thật! Vì vậy, tôi nghĩ "sống thật với mình" là một ý niệm dễ bị hiểu lầm, mà đôi khi lại còn gây nhiều tai hại và đổ vỡ cho mình và người chung quanh, nếu đó là những cảm xúc bắt nguồn từ tự ái, sân hận, hơn thua... nằm sâu kín trong ta. Tình cảm bao giờ cũng có một năng lượng thúc đẩy rất mãnh liệt, nó có công năng kềm chế và sai xử ta rất lớn. Tôi nghĩ, đôi khi thay vì "sống thật" với những cảm xúc của mình, ta hãy chuyển hóa chúng bằng cách nhận diện và buông xả, với một tâm từ ái.
Trong quyển Ánh Đạo Vàng, cụ Võ Đình Cường có kể một câu chuyện sau đây.
"Có lần trên đường tầm đạo sau khi theo đuổi con đường tu khổ hạnh, một ngày nọ Phật kiệt sức, ngài được một cô thiếu nữ, Tu-xà-đa, đến dâng cho một bát cháo sữa. Sau khi dùng xong bát cháo sữa ấy, Phật lấy lại sức khoẻ, ngài hỏi cô Tu-xà-đa
- Hôm nay ta nhờ bát cháo sữa của người mà được mạnh khoẻ như xưa, công ơn ấy ta biết lấy gì đền đáp lại cho người?
Cô Tu-Xà-đa đáp:
- Thưa ngài! Lòng con là một đoá hoa lan nhỏ bé, chỉ vài giọt sương mai là đủ để tươi thắm rồi. Con không có một mong ước tham cầu nào hết. Con sống không đòi hỏi cũng không từ chối: thản nhiên nhận lấy mọi việc không may xảy đến cho con, không oán trách cũng không trốn tránh. Nhưng bao giờ con cũng tin chắc rằng những điều xảy đến ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay, vì như con đã thấy, những việc ác sẽ gây hoạ, và những việc thiện sẽ gây phúc. Một hạt giống tốt sẽ mang lại một chuỗi hạt lúa vàng. Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này mà thôi: bớt dục vọng và thêm tình thương. Ðức Phật mỉm cười bảo:
- Những gì người nói rất đích đáng. Sự hiểu biết của người không cần kinh sách. Người đi trúng đường không cần ai chỉ bảo, như con bồ câu bay trúng hướng một cách tự nhiên. Nhưng trong nhân loại, đếm được mấy người hiểu và sống như thế? Và biết bao người cần phải có kẻ chỉ dẫn! Chính vì thế mà ta đi tìm đạo. Thôi người hãy về đi. Ta chúc người làm tròn phận sự của người. Còn ta, ta sẽ làm tròn phận sự của kẻ đi tìm phương giải thoát cho nhân loại."
"Luật sống của con chỉ tóm tắt trong hai điều này: bớt dục vọng và thêm tình thương." Mà tôi nghĩ luật sống ấy là một lối sống thiện. Thật ra, chúng ta không mấy ai biết được con người thật của mình, nhưng tôi tin nó không phải là những tham lam, giận hờn, nhỏ nhen của dục vọng. Vì mỗi khi ta có nhiều tình thương và biết tha thứ cho mình, và người chung quanh, ta lại cảm thấy hạnh phúc hơn, ta lại càng cảm thấy mình chân thật hơn!
Chúng ta không thể nào sống thật với mình nếu không có cái thiện. Thánh St. Francis de Sales có viết “Be who you are, and be that well”, tôi nghĩ ông cũng cùng chia sẻ một ý đó: be that well. Hãy sống thật với mình bằng cách sống thiện. Mà thật ra cái thiện không có một khuôn mẫu nhất định nào hết. Nó cần được khám phá bằng chánh niệm, tỉnh giác và một thái độ từ ái. Những gì thiện và tốt lành thì bao giờ cũng có một năng lượng rất to tát, nó có thể chuyển hóa và chữa lành những thương tích lớn trong ta. Và đôi khi ta không cần làm việc gì lớn lao hết, chỉ cần sống thiện với chính mình thôi, là ta cũng đang chuyển hóa được khổ đau của cuộc đời này rồi. Bạn có nghĩ vậy không?
Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: nguyenduynhien.blog