TÂM
- Tâm có nhiều tầng bậc khác nhau, có loại tâm không thể biết tâm khác vì tâm này sinh tâm kia diệt, có loại tâm xuất hiện cùng lúc, cùng đối tượng nhưng không biết nhau, có loại tâm biết được tất cả tâm khác. Thầy chỉ giới thiệu vậy thôi, còn con phải tự mình thể nghiệm và khám phá.
- Tâm Trong Sáng (Pabhassara Citta) là Tâm Phật. Tâm trong sáng là tâm không còn bị che lấp bởi các tướng do tưởng chế định. Tưởng là quá trình tạo tướng khái niệm chế định, vì vậy lìa tất cả tướng thì tâm liền trong sáng tự nhiên như tính bản nguyên của nó.
khi "tâm không" thấy "tâm không", khi "tâm hữu" thấy "tâm hữu" chứ không trụ vào trạng thái nào. Khi trụ vào "tâm không" tức thấy "có" tâm không rồi. Tính chất của tâm là thấy biết chứ không phải là "có" hay "không".
- Tánh không của tâm là rỗng lặng (santabhāva). Tánh không của pháp là tự nhiên (sabhāva). Do đó khi tâm rỗng lặng thì thấy pháp tự nhiên.
- Tâm bình an là tâm không không dao động bất an.
- Tâm khinh an là tâm nhẹ nhàng thanh thản.
- Tâm vốn là đạo, nhưng khi bị che chắn bởi vô minh ái dục của cái "ta" ảo tưởng nên mất bình thường, khi mất bình thường người ta lại muốn trở thành phi thường nên càng mất bình thường thêm, thực ra chỉ cần trở lại bình thường thì ngay đó là đạo.
- Tánh chất của tâm là biết pháp, gồm tánh biết và tướng biết. Tướng biết biểu hiện qua 6 thức khi tiếp xúc với 6 trần vì vậy chỉ hoạt động trên bề mặt hữu thức. Tánh biết có thể biết được hoặt động của 6 thức đồng thời biết được hoạt động vô thức ẩn tàng trong tiềm thức.
- Tâm hộ kiếp (bhavanga) là dòng chảy liên tục ở mặt chìm (tiềm thức, vô thức), khác với tiến trình tâm sinh vật lý khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần ở mặt nổi (ý thức, hữu thức). Và về hiện tượng thì tâm hộ kiếp sau khác với tâm hộ kiếp trước ở chỗ có lưu thêm một tiến trình tâm mới vừa qua, nhưng về bản chất thì vẫn không thay đổi.
- Tâm sở là những yếu tố cấu tạo thành một tâm. Như tâm tham thì có những tâm sở tương ứng vơi tham, tâm sân có những tâm sở tương ứng với sân chẳng hạn.
- Tâm càng rỗng lặng trong sáng càng dễ thấy rõ những ý đồ thầm kín của người khác, giống như tấm gương hoặc mặt hồ càng trong và phẳng càng soi rõ cảnh vật đối diện.
Trích: Hỏi Đáp Trung Tâm Hộ Tông
Bởi vì tìm kiếm cũng là tâm
Chợt lúc không tâm, tâm tỉnh ngộ
Chừng khi có tánh, tánh uyên thâm!
Chỉ cần sống trải nghiệm thực tại một cách trọn vẹn, trong sáng và tự nhiên thì liền thấy được sự tương tác giữa thân, thọ, tâm, pháp, nhưng nếu chỉ tìm tâm thôi thì lúc đó tâm không khởi làm sao tìm được. Tâm bao gồm tánh biết, tướng biết (với 121 tâm và 52 tâm sở) trong đó có cả phần hữu thức, vô thức, hữu nhân, vô nhân, tâm quả, tâm duy tác, tâm dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tâm siêu thế v.v… 121 tâm thức của tướng biết không bao giờ xuất hiện 2 tâm cùng một lúc nên tâm này không thể thấy tâm kia, nhưng tánh biết lại biết được tất cả tướng biết.
Tánh biết biết thực tánh của tướng biết, còn tướng biết chỉ biết đối tượng của nó mà thường là đối tượng chế định qua tiến trình khái niệm hoá. Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác mới chính là những tâm sở hay yếu tố tâm có khả năng nhận biết diễn biến trong sự vận hành của thân-thọ-tâm-pháp, nên thấy được hoạt động của tâm một cách tự nhiên mà không cần tìm kiếm. Bản tánh của tâm được đức Phật mô tả là chói sáng (pabhassara) nên khi tâm rỗng lặng thì tánh chói sáng tự chiếu (tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu). Nhưng khi cố tìm tâm thì tâm lại hoá không bởi vì tự tánh của tâm là tánh không (suññatā) không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả (annatto, nisatto, nijīvo, suñño).
Trích: Trà Đạo
Bây giờ chúng ta nói thêm về những pháp đang diễn ra trong hiện tại. Những cái đang thực sự diễn ra trong hiện tại là cái gì? Hãy chỉ ra một cái gì đó đi! Ví dụ chúng ta đang khởi lên một tâm, tức khắc có người bảo đó là vọng. Còn nếu tâm không khởi, liền bảo đó là chơn. Nếu tâm không khởi là tịnh chỉ, là định, là chơn thì tại sao Đức Phật lại bảo có tà định? Định cũng có chánh định, có tà định. Vậy thì khi tâm không khởi, cũng có tâm không khởi là chánh mà cũng có tâm không khởi là tà. Khi tâm khởi, ví dụ như khởi tư duy thì vẫn có chánh tư duy và tà tư duy, khởi niệm thì có chánh niệm và tà niệm. Cho nên khởi cũng có chơn, vọng, chánh, tà. Vậy thì sao mình cứ muốn không khởi và cố gắng để mà không khởi? Không khởi dễ bị rơi vào thụ động tiêu cực chứ có phải hay đâu.
Chúng ta cần nhớ một điều: khởi là khởi, khởi thì liền giác, chứ đừng “chụp mũ” cho nó là chơn hay vọng. Nếu cái gì khởi mà quý vị cũng cho là vọng thì không đúng, nhưng khi đang vọng mà mình thấy rõ thực tướng của vọng, vậy là chơn. Thấy rõ vọng tức là chơn chứ ngay lúc đó không có cái chơn nào khác.
“Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hoá không thân tức Pháp thân”.
Hoặc là:
“Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh
Xu hướng chơn như tổng thị tà”
Nếu biết cái gì là chơn như thì cần gì phải tìm kiếm? Còn tìm kiếm tức chưa thấy nên chẳng qua chỉ là tìm cái chơn như trong vọng ảo của mình mà thôi. Chính khi thấy rõ vọng như thật là vọng thì ngay đó đã là chơn như rồi. Có đúng vậy không? Không chơn giác thì làm sao biết được vọng? Và biết rõ vọng một cách trung thực thì sao lại chẳng chơn?
Cho nên, vấn đề không phải là chơn hay vọng mà là có thấy, có tuệ tri được tướng trạng, thực tánh của pháp ấy hay không? Có thấy được pháp chân đế hay không? Còn lánh vọng cầu chơn chính là đang khởi vọng, đó là một sai lầm rất lớn chứ không phải con đường tuệ giác.
Trích "Thực tại hiện tiền"
www.trungtamhotong.org