Kính Mừng Ngày Phật Thành Đạo (Happy BUDDHA ENLIGHTENED)
• Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Một người ấy là ai?
Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào ?
Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.
• Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu.
Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu.
(Phẩm Một Người - Kinh Tăng Chi Bộ)
Nam Mô Bồ Đề Thọ Hạ Đại Thắng Ma Quân Nhứt Đổ Minh Tinh
Đạo Thành Chánh Giác Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đăc Điểm Của Đạo Phật
Hỏi: Ðạo Phật có gì khác biệt với các tôn giáo khác không?
Đáp: Đạo Phật có sáu điểm khác biệt với các tôn giáo khác.
1/ Một tôn giáo không quyền lực.
2/ Một tôn giáo không chủ trương hình thức, nghi lễ.
3/ Một tôn giáo không tính toán, suy lường.
4/ Một tôn giáo không tập tục giáo điều.
5/ Một tôn giáo không thần bí.
6/ Một tôn giáo không có khái niệm về quyền tối thượng và
ân điển của một đấng Thượng-đế.
Một người hỏi Phật: “Ngài có phải là Thượng Ðế không?”.
Ðức Phật trả lời: “Không”.
“Là một Thiên Thần?” - “Không”.
“Là một Phi nhân?” - “Không”.
“Vậy Ngài là người thế nào?”.
Ðức Phật đáp: “Như Lai là người đã Giác ngộ, là Đạo Sư''.
Câu trả lời của đức Phật đã trở thành danh hiệu của Ngài,
chúng ta hay xưng tán Ngài câu: ''Thiên Nhân chi Đạo Sư'',
bậc THẦY của cả trời, người là vậy.
Hỏi: Vậy Đức Phật giác ngộ cái gì?
Đáp: Sau bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội bồ đề, Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm Nguyên lý Duyên khởi (Pratīya-samutpāda) thấu rõ bản chất duyên hợp và mối quan hệ hỗ tương của mọi sự vật hiện tượng nhân sinh và vũ trụ. Nguyên lý duyên khởi nói rằng, tất cả hiện hữu trong thế giới bao la mênh mông này,
không một hiện hữu nào có thể tồn tại một cách độc lập mà không nương tựa vào nhau. Sự nương tựa và tùy thuộc nhau để hình thành và tồn tại…vv, đó là nguyên lý vận hành của vũ trụ và nhân sinh.
Ai hay trong một tách trà
Có hồ sen ngát mượt mà dâng hương...
(Như Nhiên)
Đạo Tỉnh Thức
Đạo Phật không phải cầu xin
Là Đạo ''trở lại chính mình'' mà thôi.
Đạo không lý thuyết đầu môi
Nói ra, cốt để đi đôi thực hành.
Giữ thân, miệng, ý trọn lành.
Khi tâm thanh tịnh, tịnh thanh cõi đời.
Đạo Phật không chạy theo thời
''Tùy duyên bất biến'', rạng ngời lẽ chân.
Như hoa sen giữa hồng trần
Tỏa hương ngào ngạt dù gần bùn nhơ.
Đạo Phật là một bài thơ
Ngàn xưa đã tuyệt bây giờ càng hay
Giữa bao suy, thịnh, đổi thay
Càng làm Diệu pháp hiển bày thậm thâm.
Đạo Phật là Đạo của tâm
Tuệ Đăng khai phá ngăn năm mê mờ.
Đạo Phật '' thiết thực, bây giờ ''
Quay đầu, trực diện bến bờ là đây
Với Thương, với Hiểu trọn đầy
Lời kinh chuyển hóa từng ngày an vui.
Đạo Phật, đạo của mọi người
Gặp nhau trong một nét cười Từ Bi,
An bình trong mỗi bước đi
Sống theo lời Phật đời ni Niết Bàn.
Thích Tánh Tuệ