Chân lý - Thực tại - Thượng đế
Chân lý là chân lý, một mình, đơn độc; không lề, không lối; không hề có nẻo vào. Chân lý thì chẳng lối để vào, song nó phải đến với bạn. Chân lý chỉ tới được bạn khi trí bạn thật giản dị, trong sáng, và tâm bạn có yêu thương; chứ nó không đến khi tâm bạn chất chứa đầy ký ức. Rồi khi tâm trọn yêu thương, bạn sẽ không nói gì đến kết tạo tình huynh đệ; bạn không nói về đức tin, bạn không nói về sự phân biệt, chia rẽ hoặc những thứ quyền lực tạo nên chia cách, bạn cũng không cần gì theo đuổi sự hòa giải, hòa hợp chi nữa cả. Và bạn là một Người-giản-dị không nhãn mác, chẳng hề có quốc gia. Nghĩa là, bạn phải giải thoát chính bạn ra khỏi tất cả những thứ đó để cho phép sự thật, chân lý đi vào hiện thể; do chân lý chỉ có thể đến khi thức tâm rỗng rang, khi trí óc ngừng tạo tác.
Rồi chân lý đến chẳng cần bạn mời mọc, đến chóng vánh nhẹ nhàng như gió thoảng ta chẳng hề hay biết. Chân lý tới âm thầm khi bạn không đang dõi theo, truy tầm. Nó ở đó, đột ngột như ánh dương, tinh khiết như đêm khuya thanh vắng; song tâm hẳn phải tròn đầy và trí chắc thật rỗng rang mới nhận lãnh được nó mà thôi.
Thực tại - Thượng đế
Thực tại là gì, Thượng đế là gì? Thượng đế không phải là một danh từ, danh từ không phải là thực thể. Muốn hiểu biết điều vô lượng, điều phi thời gian, tâm trí phải giải thoát khỏi thời gian, nghĩa là tâm trí phải giải thoát ra ngoài mọi tư tưởng, ra ngoài tất cả ý tưởng, ý niệm về Thượng đế. Các ngài biết gì về Thượng đế, về chân lý? Các ngài thực ra không hiểu biết gì cả về thực tại ấy. Tất cả những gì các ngài biết được đều là những từ ngữ, những kinh nghiệm của kẻ khác hoặc một vài thoáng kinh nghiệm mơ hồ của chính ngài. Tất nhiên đó không phải là Thượng đế, đó không phải là thực tại, đó chưa phải là điều vượt lên trên lãnh vực của thời gian. Muốn hiểu điều phi thời gian, tiến trình của thời gian phải được thấu hiểu, và thời gian chính là tư tưởng, tiến trình của sự trở thành, sự tích lũy của kiến thức. Đó là toàn thể hậu cảnh của tâm trí; chính tâm trí là hậu cảnh, vừa ý thức vừa vô thức, vừa tập thể vừa cá thể. Vì thế tâm trí phải giải thoát ra ngoài thế giới quen thuộc, nghĩa là tâm trí phải trầm lặng hoàn toàn chứ không phải bị ép buộc im lặng. Bất cứ tâm trí nào muốn đạt tới sự im lặng như là kết quả, như là kết quả của ý chí, của sự luyện tập, của kỷ luật, thì tâm trí ấy vẫn không phải là là tâm trí tĩnh lặng. Tâm trí nào bị cưỡng bức, kiềm chế, uốn nắn, bị đóng khung và bị buộc phải im lặng thì tâm trí ấy vẫn không phải là tâm trí tĩnh lặng. Các ngài có thể thành công một giai đoạn trong việc cưỡng bức tâm trí im lặng một cách hời hợt ở bề mặt, nhưng tâm trí ấy vẫn không phải là một tâm trí trầm lặng. Sự trầm lặng chỉ hiện đến khi nào ngài hiểu được trọn vẹn tiến trình của tư tưởng, bởi vì thấu hiểu được tiến trình ấy là chấm dứt nó, và sự chấm dứt tiến trình tư tưởng là bắt đầu sự im lặng.
Chỉ khi nào tâm trí được hoàn toàn im lặng, không phải chỉ im lặng ở thượng tầng mà phải ở tận cùng căn để, im lặng toàn triệt vừa ở tầng nông cạn, vừa ở tầng sâu thẳm của ý thức – chỉ lúc ấy sự mới lạ mới hiện thể. Sự mới lạ không phải là một điều có thể kinh nghiệm được bằng tâm trí, chỉ có sự im lặng mới kinh nghiệm được, không còn gì khác ngoài sự im lặng. Nếu tâm trí lại thể nghiệm bất cứ sự việc gì khác ngoài sự im lặng thì tâm trí chỉ phóng hiện ra ngoài những khao khát của chính nó, và tâm trí như thế không thể nào im lặng được; khi mà tâm trí không im lặng, khi mà tư tưởng trong bất cứ hình thức nào, dù ý thức hay vô thức, hãy còn vận hành thì không thể nào có sự im lặng được. Sự im lặng là tự do, thoát khỏi quá khứ, thoát khỏi kiến thức, thoát khỏi cả ký ức hữu thức và ký ức vô thức; khi tâm trí hoàn toàn im lặng, khi tâm trí không còn hoạt động, khi có sự im lặng mà không phải là sản phẩm của nỗ lực, chỉ khi ấy thực tại phi thời gian, vĩnh cửu mới xuất hiện. Tâm thái ấy không phải là sự hồi tưởng - không có thực thể nào hồi tưởng và thể nghiệm cả.
Vì vậy, Thượng đế hoặc chân lý, hoặc bất cứ danh hiệu nào khác, là một sự thể xuất hiện từ giây phút này đến giây phút khác, và sự thể ấy chỉ xuất hiện trong tự do và tự nhiên, chứ không phải khi tâm trí bị kiềm chế khuôn rập theo một mẫu mực nào đó. Thương đế không phải là sự việc của tâm trí, Thượng đế không hiện hữu qua sự phóng ngoại của tự ngã; thực tại chỉ đến khi nhân đức hiện hữu, tức là tự do. Nhân đức là việc đối mặt với sự kiện hiện là, và việc đối diện với hiện thể chính là chân phúc. Chỉ khi nào tâm trí trầm lặng, không động đậy vận hành gì nữa, tĩnh lặng, tich tịnh, không phóng hiện tư tưởng thuộc hữu thức hoặc vô thức - chỉ lúc ấy, vĩnh cửu mới hiện đến.
Krishnamurti