THIỀN QUÁN VỀ CÁI CHẾT VÀ VÔ THƯỜNG
Đối với nhiều người, thật khó mà phát triển một tâm thích thú đối với pháp và lòng ước muốn thực hành pháp. Một trong những lý do chính là vì ta tưởng như mình sẽ ở mãi trên trái đất này. Vi có kiến chấp này về sự trường cửu của mình, chúng tachỉ ưa thủ đắc những thứ làm tăng thêm tiện nghi và an ổn cho mình trên đời. Cảm giác trường cửu này càng mạnh thì càng ít có sự quan tâm đến chuyện hội nhập đời sống của chúng ta vào với pháp. Chính vì lý do này mà nói rằng mỗi khi muốn thực hành pháp, thì bước đầu tiên là phải ý thức đến vô thường.
Như vậy quán vô thường là đều cốt yếu để thực hành pháp. Điển hình mãnh liệt nhất của vô thường là cái chết, bởi thế thật ích lợi nếu ta quan sát nó. Lúc đầu ta có thể khó mà đối mặt với ý nghĩ rằng cuối cùng, ta phải chết. Nhưng nếu ta không để ýđến cái chết thì rất dễ rơi vào ảnh hưởng của cái tư tưởng lừa dối tâm ta, khiến cho ta có cảm giác rằng mình trường cửu, sống hoài không chết.
Mặc dù có nhiều ví dụ điển hình về vô thường thô (hay rõ rệt) mà ta có thể quan sát, song thiền quán về một cái chết là một nhân tố rất hữu hiệu khiến ta chuyên tâm thực hành diệu pháp. Bước đầu tiên của đức Thế Tôn để đạt đến giác ngộ là tư duyvề vô thường. Chính nhờ năng lực của sự liễu trí (understanding) về vô thường mà đức Phật đã phát tâm mạnh mẽ tu hànhdiệu pháp (pure dharma), và nhờ thực hành diệu pháp, cuối cùng ngài đã đạt giác ngộ. Lần đầu tiên giảng dạy, chuyển bánh xe pháp, đức Phật đã giảng dạy lý vô thường. Ngài dạy rằng vô thường là đề mục tư duy tốt nhất cho kẻ mới học đạo (the best meditation for beginners).
Phần lớn những trở ngại của chúng ta phát sinh đều do sự suy nghĩ rằng mọi sự - kể cả chính ta - là trường cửu. Nếu nhận chân được mọi sự kể cả chính mình đều thuộc bản chất vô thường, thì ta sẽ bớt được nhiều vấn đề. Như vậy, nhờ quán vô thường chẳng những ta giải quyết được những vấn đề tạm bợ, mà nó còn giúp cho sự tu tập của ta trở thành rất trong sáng. Thiền quán về sự chết và vô thường là phương pháp tốt nhất để đánh tan sự lười biếng. Nó cũng giúp cho chúng ta mau chóng đạt giác ngộ.
Có thể có người nghĩ rằng vô thường là một phép quán sơ đẳng chỉ thích hợp cho những người sơ cơ (beginners), nhưng kỳ thực không phải thế. Ngay cả những vị đã tu chứng cao vẫn phải quán vô thường. Những hành giả Mật tông thường giữ những xương người như xương đùi, và những vật dụng làm bằng xương ngưòi, như chén tách bằng sọ người, để tự nhắc nhở về vô thường. Nếu một hành giả Mật tông mà không nhớ đến vô thường, thì sự hành trì Mật tông của họ chỉ có lợi ích cho đời này mà thôi. Hành trì pháp mà chỉ vì lợi ích cho đời này thì không phải là sự tu tập thuần túy. Như vậy, tư duy thiền quán về vô thường là việc quan trọng đối với tất cả mọi trình độ tu tập pháp.
Nếu ta biết cách quán vô thưòng (how to meditate on impermanence) thì có nhiều lợi ích đặc biệt. Việc này dễ làm phát triển một cảm giác nội tâm về vô thường hơn là đối với những đề mục thiền quán khác, bởi vì có rất nhiều điển hình về tính vô thường để cho ta có thể tư duy về chúng. Bởi thế, quán vô thường là một pháp thiền có nhiều năng lực hơn các kỷ thuật khác.
THIỀN QUÁN VỀ CÁI CHẾT VÀ VÔ THƯỜNG
Thiền quán về cái chết có ba căn nguyên (roots), chín lý do (reasons) và ba quyết định (determinations). Nếu chúng ta biết được những thứ này, thì việc thiền quán về cái chết và sự vô thường của ta sẽ rất đắc lực. Ba căn nguyên là:
1. Chết là chắc chắn.
2. Thời gian của cái chết là bất định.
3. Vào lúc chết, chỉ có pháp mới có thể giúp ta.
Chín lý do được Je Tsong Khapa giải thích là phương pháp để thu nhập kinh nghiệm về pháp thiền quán vô thường. Mặc dù mọi người đều biết chết là điều chắc chắn, song chỉ một số ít người có được kinh nghiệm của phép thiền quán về cái chết và sự vô thường. Nhờ thiền định về ba căn nguyên và chín lý do, chúng ta có thể nhận được kinh nghiệm ấy.
1.- Chết là điều chắc chắn:
- Lý do đầu tiên trong ba lý do tại sao chết là điều chắc chắn là bởi vì tiến trình của sự chết không thể nào bị ngăn chận lại được bởi bất cứ một phương pháp nào. Khi chưa đạt Niết bàn hay giác ngộ thì dù có nỗ lực đến đâu ta cũng không thể nào vượt qua được sự chết. Ta không thể hối lộ thần chết, chiến đấu với cái chết, hay trốn thoát nó. Ngay cả đến một vị lương y tài giỏi như Phật cũng không thể ngăn được sự chết của chúng ta. Bởi vì chúng ta đã sanh trong vòng sống chết thì chắc chắn là ta phải chết. Từ đó ta có thể kết luận rằng một điều chắc chắn là tôi, chính tôi, phải chết.
Nếu qua pháp thiền quán này, ta phát triển được một cảm giác mới mẻ, tích cực thì ta nên cố mà tập trung vào cảm giác ấy. Thiền có nghĩa là tập trung tâm vào một đối tượng lành thiện không quên lãng nó. Chẳng hạn, nếu ta phát sinh được một ước muốn mạnh mẽ tìm ra vài ý nghĩa cho cuộc đời mình bằng cách thực hành pháp, thì thế là sự tu quán vô thường của ta ngày càng ít có những vấn đề nội tâm, thế cũng có nghĩa thiền quán nơi ta đã thành công.
- Lý do thứ hai của việc tại sao cái chết là chắc chắn, là bởi vì tuổi thọ của chúng ta giảm dần theo từng giây phút trôi qua, không thể kéo dài. Từng giây phút, thời gian ta còn sống trên đời này càng ngắn lại. Dù chúng ta đang làm gì - đang làm việc, đang nghỉ ngơi, đang ngủ - sự sống của chúng ta cũng đang giảm dần. Ngay cả trong lúc đọc chương này, cuộc sống của chúng ta cũng đang trôi qua. Đời sống như một cây nến đang cháy. Khi mới nhìn ta không thấy cây nến ngắn bớt nhưng thật sự nó đang ngắn dần. Đức Phật đã so sánh đời sống của chúng ta như làm chớp, tia chớp lóe lên rồi nhanh chóng nmất đi. Cũng thế cuộc đời chúng ta trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc đã chấm dứt.
Khi nghĩ đến như thế, ta nên đi đến kết luận:
"Chắc chắn chúng ta sẽ chết bởi vì thọ mạng chúng ta mỗi phút một ngắn dần. Không có một khoảng thời gian nào trong đó sự sống của tôi không giảm bớt. Việc này cũng như tôi đang lăn một hòn đá xuống từ trên đỉnh núi cao. Hòn đá sẽ không bao giờ dừng lại trên cuộc hành trình mà cứ tiếp tục lăn cho tới khi chạm vào chân núi".
Vị thầy vĩ đại của Phật giáo là Shantideva nói rằng đời sống chúng ta đang trôi qua trong từng giây phút và không cách nào để làm tăng tuổi thọ. Mọi thứ khác thì bị tiêu mòn đều có thể thay, nhưng không cách nào thay thế đời sống một khi nó đã hao mòn. Ngay cả khi chúng ta đủ may mắn để sống đến tám mươi năm, thì với mỗi khoảnh khắc trong tám mươi năm, thọ mạngcũng đã từ từ giảm không thể kéo dài hơn. Cuộc đời này đang tiến dần đến chấm dứt.
Trong kinh đã nói, ngay lúc vừa sanh ra là ta đang tiến dần đến cái chết. Chúng ta đang liên tục càng lúc càng đến gần, cho đến khi gặp tử thần. Quan sát những lý do này, chúng ta nên nhận thức rằng:
"Điều chắc chắn là tôi sẽ chết".
Khi xét đến sự giảm dần liên tục của đời sống và sự chắc chắn của cái chết, ta phải cố gắng nhận lãnh những điều có ý nghĩatừ sự sống, trước khi cái chết đến.
- Lý do thứ ba là, cái chết chắc chắn sẽ đến dù cho ta chưa có thì giờ tu tập. Dù có dành một ít thời gian để tu hay không ta vẫn chết như thường. Chúng ta nên tìm xem chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ để thực hành diệu pháp. Những hành động thế tục đã chiếm phần lớn thời giờ của chúng ta. Từ sáng cho đến chiều chúng ta luôn luôn bận rộn, chuẩn bị những bữa ăn, tìm những trò chơi giải trí... Chúng ta có thực hành pháp khi chúng ta có thời gian rảnh không? Thường thì rất ít khi. Sau đó đời ta chấm dứt và ta phải đối mặt với cái chết cho dù ta chưa thực hành pháp nhiều lắm. Dù chúng ta chưa thu nhận được điều gì có ý nghĩa từ cuộc đời này, cái chết vẫn xảy đến. Để rút kinh nghiệm từ lý do thứ ba này, ta phải quán sát nó theo kinh nghiệmcủa riêng ta. Chúng ta hãy nghĩ xem ta sẽ cảm thấy thế nào nếu cứ sống như vậy cho đến khi cái chết gần kề.
Bằng cách này chúng ta có thể cố sử dụng phương pháp này để rút những kinh nghiệm thiền quán. Tất cả những lý do này đều là phương tiện để có được kinh nghiệm về quán vô thường. Từ ba lý do này, chúng ta nên cố rút ra kinh nghiệm rằng cái chết là điều chắn chắn.
Đối với mỗi một trong ba căn nguyên trên đây có một quyết định tương ứng mà ta nên làm. Sau khi thiền quán rằng cái chết là chắc chắn, chúng ta nên quyết định:
"Tôi sẽ thực hành Phật pháp".
Quyết định này là kết quả của thiền quán, nếu chúng ta thật sự quyết định như vậy, thì điều ấy chứng tỏ ta đã rút ra được kinh nghiệm từ pháp thiền này.
2.- Thời điểm của sự chết bất định.
- Lý do đầu tiên trong ba lý do cho căn nguyên này là thọ mạng của mỗi chúng sinh trên trái đất này không có định trước. Nghĩa là không có cách nào để biết chúng ta sống bao lâu. Không có sự khác nhau giữa già và trẻ, người trẻ có thể chết trước người già. Một vài chúng sinh chết trong bào thai, một vài người chết sau khi sanh ra và nhiều người sống đến già. Nói về chết chóc thì không có trật tự nhất định về già trẻ.
Cũng thế, không có sự khác nhau giữa người khỏe mạnh và người đau ốm. Có nhiều người đau ốm lại sống lâu trong khi những người khỏe mạnh lại chết vì tai nạn hoặc chết bất ngờ trước cả người bị bệnh. Nhiều người bị tù túng trong bệnh viện mà lại sống lâu hơn người đang tiếp tục cuộc sống bình thường. Vì thế chúng ta nên nghĩ thời gian chết là bất trắc bởi vì nó không phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của chúng ta. Cũng vậy, không chắc chắn là già chết trước trẻ.
- Lý do thứ hai tại sao thời gian chết bất định là vì có nhiều điều kiện đưa đến cái chết mà rất ít điều kiện nâng đỡ sự sống. Đời sống tùy thuộc vào những điều kiện chắc chắn như nước, thức ăn, không khí để thở ra và mức nhiệt độ đặc biệt cho sự sống. Nếu chúng ta thiếu những điều kiện này hay gặp những điều kiện bất lợi như quá lạnh, thì cái chết sẽ theo sau. Như vậy, thời gian chết không chắc chắn vì có nhiều điều kiện bất lợi trong cuộc sống, mà chúng ta không thể chắc chắn rằng mình không bao giờ gặp những điều kiện như thế.
- Lý do thứ ba tại sao cái chết bất định, là vì thân thể của chúng ta rất mong manh. Không cần phải có vũ khí ghê gớm mới giết được nó. Vì thân thể của chúng ta rất mong manh nên có nhiều cách để gặp cái chết. Rắn cắn, một lượng thuốc độc rất nhỏ, thức ăn nước uống bị nhiểm độc có thể dễ dàng đem đến cái chết. Vì thế chúng ta nên suy nghĩ:
"Chính vì thân xác tôi quá mong manh, nên lúc nào nguyên nhân gây chết chóc cũng có thể xảy ra. Thời gian chết của tôi hoàn toàn bất định".
Tóm lại, chúng ta không biết được điều gì sẽ đến trước - ngày mai hay đời sau. Có thể đời sau của chúng ta sẽ đến trước cả bữa ăn kế tiếp của chúng ta. Chúng ta nên suy nghĩ sâu xa về nguyên nhân đưa đến cái chết. Chúng ta có thể thấy rằng nhiều người đi ra ngoài với niềm hạnh phúc tràn trề vào buổi sáng nhưng không bao giờ trở về lại nhà.
Chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Mặc dù ta có thể nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta không biết ngày mai ngày mốt đang dành cho ta những gì. Tương lai của chúng ta hoàn toàn bất định, và chúng ta không bao giờ có thể loại trừ khả năng chết chóc.
Trong ba căn nguyên nói trên, thì sự suy nghĩ thời gian chết bất định là căn nguyên có hiệu lực nhất. Nếu chúng ta cứ nghĩ: "Hôm nay mình sẽ không chết", ý tưởng ấy sẽ đánh lừa chúng ta. Chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chết.
Ví dụ, nếu chúng ta biết rằng kẻ thù sẽ đến giết chúng ta nội trong tháng này, nhưng không chắc ngày nào hắn đến thì chúng ta sẽ rất thận trọng. Tuy nhiên, nếu ngày nào chúng ta cũng nghĩ, hôm nay không phải là ngày mà nó đến, thì chúng ta sẽ bị một cú bất ngờ khi hắn đến và sẽ bị đánh gục. Nhưng nếu ngày nào chúng ta cũng nghĩ rằng hôm nay hắn sẽ đến, thì chúng tasẽ sẵn sàng để đối phó với kẻ thù. Cũng vậy, nếu chúng ta biết rằng cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào trong suốt cuộc đời mình, thì khi nó đến thật sự, chúng ta cũng đã chuẩn bị chu đáo rồi.
Qua sự quán sát ba lý do tại sao thời gian cái chết của chúng ta là bất định, chúng ta nên lập nguyện mạnh mẽ là sẽ rút tỉa được một vài ý nghĩa hay kinh nghiệm tâm linh trong lúc chúng ta còn có cơ hội. Chúng ta sẽ phải chết với hai bàn tay trắng nếu chúng ta sống mà không đạt được kinh nghiệm nào về pháp. Chúng ta nên kết luận:
"Vì sự thật là tôi có thể chết bất kỳ lúc nào, tôi sẽ thực hành pháp ngay bây giờ".
3.- Vào lúc chết chỉ có pháp mới có thể giúp chúng ta
- Lý do đầu tiên tại sao chỉ có pháp mới có thể giúp chúng ta vào lúc chết, vì lúc đó tài sản của chúng ta trở nên vô dụng. Không có gì mà ta sở hữu có thể giúp ta, dù suốt đời ta có yêu quý và đánh giá cao những sở hữu ấy đến mức nào. Nếu chúng ta nghĩ về tất cả những sở hữu khác như tiền, nhà cửa, xe hơi... chúng ta có thể nhận thấy rằng không có cái gì trong đó cản ngăn được cái chết một khi nó đến. Vào lúc chết, cầu cứu sự giúp đỡ của tài sản thì thật vô ích. Chúng ta phải để lại mọi thứ ở đàng sau, khi ta từ giả cõi đời.
- Lý do thứ hai chỉ có pháp mới có thể giúp ta khi chết, là vì bằng hữu, thân quyến không thể nào giúp ta lúc ấy. Cho dù bạn bè thân quyến của chúng ta, vợ hay chồng có thân thiết cách mấy, những người này cũng chẳng giúp gì được cho ta khi ta chết. Vào lúc chết, chúng ta phải một mình ra đi khỏi cuộc đời này.
- Lý do thứ ba là ngay cả cái thân ta sinh ra từ thai mẹ cũng không giúp gì cho ta được vào lúc chết. Suốt cuộc đời, chúng tađã bảo vệ, yêu quý cái thân xác của chúng ta. Nhưng thân này không thể nào ngăn được cái chết, và khi chết ta sẽ phải bỏ lại thân xác đằng sau.
Như vậy vào lúc chết, sở hữu, bạn bè và chính cái thân xác ta đều không giúp gì được. Vậy điều gì có thể giúp ta vào lúc chết? Chỉ có pháp mới có thể giúp được. Nhờ năng lực của thiền quán và thực hành pháp mà chúng ta đạt được vài thực chứng tâm linh, điều này sẽ giúp chúng ta. Nếu chúng ta đạt được vài kinh nghiệm về pháp và rút được vài ý nghĩa từ cuộc đờimình, thì điều này sẽ giúp chúng ta vào lúc chết và trong những đời sống tương lai của chúng ta.
Khi suy nghĩ sâu xa về ba lý do tại sao chỉ có pháp mới có thể giúp chúng ta vào lúc chết, chúng ta nên lập một lời nguyện. Chúng ta nên quyết định thực hành pháp một cách thuần túy và nghĩ rằng:
"Trong suốt quãng đời ngắn ngủi này, tôi chỉ thực hành pháp mà thôi".
Như đã được giải thích, thiền quán về cái chết, về vô thường có ba căn nguyên, chín lý do và ba quyết định. Lập ba lời nguyện này một cách trọn vẹn chính là kết quả của thiền quán và là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta đã rút được kinh nghiệm. Chúng ta nên thiền quán về vô thường cho đến khi đã lập ba lời nguyện đó một cách trọn vẹn. Chúng ta nên tư duy về giáo lý vô thườnghàng ngày và luôn luôn tự nhắc nhở mình cái chết là điều không thể tránh. Dù y học hiện đại có năng lực đến đâu, bác sĩ có tài ba cách mấy, cũng không có phương cách nào để chữa trị được cái già và sự chết.
Sau đây là tóm tắt ba căn nguyên, chín lý do, ba lời nguyện:
1. Căn nguyên một:- Chết là điều chắc chắn.
- Ba lý do:
o Tiến trình chết không thể tránh khỏi.
o Thọ mạng giảm dần với từng sát na trôi qua và không thể kéo dài.
o Cái chết chắc chắn sẽ đến cho dù chúng ta không có thời gian để thực hành pháp.
- Lời nguyện 1:- Phải thực hành pháp.
2. Căn nguyên hai:- Thời gian chết bất định.
- Ba lý do:
o Thọ mạng bất định.
o Có nhiều điều kiện đưa đến cái chết và ít điều kiện nâng đỡ sự sống.
o Thân thể mong manh.
- Lời nguyện 2:- Thực hành pháp ngay bây giờ.
3. Căn nguyên ba:- Vào lúc chết chỉ có pháp mới có thể giúp ta.
- Ba lý do:
o Tài sản và sở hữu không thể giúp chúng ta.
o Thân bằng, quyến thuộc không thể giúp gì cho chúng ta.
o Thân thể ta cũng không thể giúp gì được.
- Lời nguyện 3:- Chỉ thực hành pháp mà thôi.
***
Cuối cùng thân xác chúng ta sẽ tàn tạ và chết, nhưng tâm ta không bao giờ chết. Sau khi chết, thân xác ta có thể bị thiêu cháy, nhưng tâm ta thì không. Thân và tâm hoàn toàn khác nhau. Vào lúc chết, hay có khi ngay cả trước lúc chết, tâm đã rời khỏi xác.
Những thiền giả tu chứng cao có thể làm cho thần thức của họ lìa khỏi xác và đi vào thân xác khác. Con trai của Marpa, một vị Bồ tát - tức là một hữu tình đang tìm sự toàn giác để làm lợi lạc cho mọi người - là người có khả năng làm pháp chuyển di tâm thức ấy. Sau khi thân thể của ông bị tổn thương trầm trọng trong một tai nạn cưỡi ngựa, con trai của Marpa quyết định đi tìm một thân xác mới để chuyển di tâm thức của mình vào đó. Muốn đạt mục đích này, ông cần một xác chết toàn vẹn. Ông không thể tìm ra ngay một xác người, nhung tìm được cái xác của một con chim bồ câu. Con trai Marpa chuyển thức mình vào xác chim bồ câu và con bồ câu sống lại. Với thân chim, con trai Marpa không thể làm diều gì nhiều để giúp người, vì thế ông tiếp tục đi tìm một thân người để thỏa mãn được ước mong làm lợi lạc hữu tình.
Nhờ năng lực thấu thị (clairvoyance) của cha ông, cuối cùng con trai Marpa đã tìm được ở Ấn Độ thân xác chết của một thiền giả Du già đã thực chứng. Thần thức của con trai Marpa lìa khỏi xác chim bồ câu và nhập vào xác của thiền giả. Với thân người này, con trai Marpa đã sống nhiều năm ở Ấn Độ, giảng dạy Phật pháp. Nhiều người từ Tây Tạng cũng đến thọ giáo với ông.
Theo Phật giáo Tây Tạng, có nhiều kỹ thuận để làm cho tâm thức nhập vào một thân xác khác. Sự thực hành này thịnh hànhtrong một thời gian. Nếu tâm có thể rời khỏi thân trước khi chết theo cách ấy, thì dĩ nhiên vào lúc chết tâm cũng rời khỏi thân xác chứ không chết. Còn có một cái gì khác nữa sau đời này. Nhờ nghiên cứu năm kỹ thuật này mà chúng ta có thể biết được có một đời sống nữa tiếp nối đời sau này.
Nói chung, người theo đạo Phật xem những đời sau còn quan trọng hơn đời này. Nghĩa là dù có gặp nhiều khổ đau và nghịch cảnh trong đời này, chúng ta cũng không nên nản chí. Thay vì thế, ta nên nhận thức rằng bây giờ chúng ta đang có cơ hội để thực hành pháp, để cải thiện tâm ta bằng cách diệt trừ ác nghiệp và thực hành giới hạnh. Như vậy, ta có thể tạo những điều kiện để có những tái sinh thù thắng (higher rebirths), để tu tập pháp trong những đời sau và để cuối cùng đạt đến giác ngộ hoàn toàn.