TÂM TỰ DỤNG - CHÁNH KIẾN - NHÂN QUẢ - BẤT NHỊ - HẠNH PHÚC
Hỏi: Thưa thầy xin thầy cho con hỏi về dụng tâm và tâm tự dụng. Con có những kế hoạch hoặc mục tiêu cần làm thì có cần tập trung suy nghĩ để hoàn thành không? Đôi khi con thấy để tự nhiên lại có nhiều cái hay và thuận lợi cho mình lúc làm, không cần cố gắng. Kính Thầy dạy thêm ạ!
- Thấy là chính, không thấy rõ vấn đế mới phải suy nghĩ tính toán, còn nếu đã thấy ra thì không cần suy nghĩ tính toán gì cả. Giống như trong bàn cờ ai thấy được cục diện, thì tự nhiên đi nước cờ chính xác, còn người phải ngồi suy nghĩ tính toán từng quân cờ thì càng nghĩ càng rối. Người có trình độ có cái nhìn toàn diện nên thấy hết mà không cần tính toán, ngược lại người tính toán thì chỉ thấy được cục bộ mà thôi. Khi tâm thanh thản thoải mái thấy ra vấn đề dễ hơn, còn tính toán thì đau đầu vẫn không tính ra.
Như trong một dự án nếu chủ dự án nắm rõ mọi yếu tố thì sẽ tiến hành dễ dàng vì trong tầm nhìn của người đó, còn dù có tham vọng nhiều mà không có tầm nhìn toàn diện thì khó thực hiện được.
• Tâm tự dụng thì có vẻ vô tâm nhưng khi hữu sự liền tự ứng một cách chính xác. (Vô tâm không phải lơ đãng- không chú tâm - mà là tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên, không có ý đồ của bản ngã).
• Dụng tâm thì có hữu ý, có quyết định chủ quan, nên còn tuỳ thuộc vào dụng tâm như thế nào mới biết đúng hay sai, thiện hay ác. Do đó dụng tâm có 2 trường hợp:
2. Dụng tâm với ý chí của bản ngã, tức dụng tâm theo lý trí và tình cảm chủ quan gọi là tư kiến tư dục hơn là tri kiến chân thực. Ý chí nhiều mà trí tuệ ít thì như câu nói nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng phá hoại. Do đó dụng tâm một cách chủ quan thiếu hiểu biết thì vô tình thành ra tự hại.
BẢN NGÃ
Hỏi: Thưa Thầy, con quan sát lại chính mình thì thấy tâm sân là do bản ngã, nhưng ý muốn đối trị tâm sân cũng là một bản ngã khác, phải không thưa Thầy?
- Phải. Khi tiếp xúc đối tượng (người hoặc cảnh) không vừa ý liền nổi sân, đó là bản ngã. Tâm thiếu chánh niệm tỉnh giác tức ở trong tình trạng vô minh nên rất dễ phản ứng theo bản ngã vô thức. Đó là phản ứng của cái ngã ngũ ngầm hay còn gọi là câu sinh ngã chấp.
Sau đó ý thức biết được tâm sân của cái ngã phản ứng một cách vô thức như thế nên muốn đối trị tâm sân ấy, nhưng thực ra bây giờ ý muốn đối trị ấy vẫn xuất phát từ bản ngã. Cái ngã ý thức phản ứng thông qua kiến thức kinh điển rằng sân là có tội, sẽ gặt quả xấu, nên muốn diệt sân, do đó cách đối trị của nó là chế ngự, dồn nén, đàn áp, khắc kỷ v.v…
Đó chỉ là màn diễn của hai cái bản ngã. Chỉ khi nào thực sự chánh niệm tỉnh giác - lúc tri kiến thanh tịnh - thì tánh biết thấy tất cả hoạt động của bản ngã hữu thức và vô thức nên chúng không còn khởi sân và khởi ý diệt sân nữa, chứ không phải bản ngã này muốn diệt bản ngã kia.
CHÁNH KIẾN
Hỏi: Con xin đảnh lễ Thầy. Thưa Thầy cho con hỏi làm thế nào để biết mình đang có hiểu biết đúng chánh kiến để tiếp tục vun bồi. Con cảm ơn Thầy!
- Không phải học từ kinh sách mà vun bồi chánh kiến. Chánh kiến chỉ có khi thấy pháp đúng như nó là chứ không tưởng là, cho là, phải là, sẽ là. Khi tâm thanh tịnh - rỗng lặng trong sáng - thì cái thấy phản ánh trung thực tất cả pháp. Giống như ngày xưa không có gương nên người ta soi mặt bằng thau nước, mặt nước phải yên mới soi mặt được. Tâm cũng vậy, khi tâm rỗng lặng mới thấy đúng thực tánh, mới có chánh kiến, còn khi tâm lăng xăng, đầy khái niệm, tư tưởng, quan niệm, thành kiến thì không thể thấy trung thực được nữa. Nên Phật dạy “Khi tâm thanh tịnh thấy các pháp đều thanh tịnh” hoặc thiền sư nói “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” là vậy. Do đó thường thận trọng chú tâm quan sát hay thường trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân thọ tâm pháp thì mới phát huy chánh kiến được chứ không phải tưởng là, cho là mình đã hiểu đúng kinh sách là chánh kiến đâu.
BẤT NHỊ
Hỏi: Thưa sư ông, tánh không và pháp bất nhị có sự tương quan không ạ? Con nên hiểu thế nào cho đúng ạ?
- Về phương diện vật lý, tánh của vật chất hay sắc pháp là không vì nó vô thường, sinh diệt và do duyên hợp mà có, cho nên tuy có nhưng không thể tồn tại mãi, có mà không không mà có.
Về phương diện đối tượng của nhận thức, khi đối tượng không bị dán nhãn theo quy ước của con người thì nó vốn không, cái không của thực tánh như nó đang là: đương xứ tức không.
Về phương diện tâm lý, khi tưởng hình thành khái niệm thì trong tâm liền có danh có tướng, đó là ý tượng và ý tưởng chủ quan. Chính những khái niệm, tư tưởng, quan niệm này ngăn che tâm với pháp. Khi tâm không còn bị khái niệm, quan niệm chi phối thì trở về với tánh rỗng lặng trong sáng của nó, gọi là tâm không hay tánh không của tâm.
Vì vạn pháp đều có mà không, không mà có nên chấp không hay chấp có đều là nhị nguyên, phiến diện, không có tầm nhìn toàn diện, nên kinh Bát-nhã mới nói “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Do đó có và không là bất nhị hay chân không diệu hữu, không phải là hai. “Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không” là vậy.
Theo Dịch lý, trong Thái Cực có lưỡng nghi, và lưỡng nghi thì cũng trong dương có âm, trong âm có dương. Vì “cô âm bất sinh, độc dương bất trưởng”. Trong Phật giáo định và tuệ tuy là hai nhưng không tách rời nhau được. Có thể nói theo Dịch lý thì “cô định bất giác, cô tuệ bất an”. Nếu tách riêng định và tuệ để tu theo quan niệm thời nay: tu thiền định trước rồi mới tu thiền tuệ sau là một nhầm lẫn rất lớn. Vì thực ra thiền Vipassanā không phải thiền tuệ riêng như nhiều người lầm tưởng, mà trong đó có đầy đủ 3 yếu tố giới định tuệ không thể tách rời nhau.
(Xem thêm bài giảng trong:
http://coinguonhanhphuc.blogspot.com.au/2017/07/bo-nho-con-nguoi-vu-tru-tam_30.html#more)
NHÂN QUẢ
Hỏi: Thưa Thầy, mọi việc trên đời xảy ra đều do nhân quả, có trường hợp nào ngoại lệ không ạ? Con cám ơn Thầy!
- Nhân quả nói chung có hai: Nhân quả tự nhiên và nhân quả có chủ ý.
• Nhân quả tự nhiên: là nhân quả do duyên hoà hợp tự nhiên mà thành, trong đó có thể có yếu tố ngẫu nhiên. Chính yếu tố ngẫu nhiên là ngoại lệ tạo ra đột biến trong định luật vô thường, tuy nhiên dù đột biến thế nào thì cũng vẫn tuân theo nguyên lý vận hành của Đạo mà Lão Tử gọi là “Đạo pháp tự nhiên”.
• Nhân quả có chủ ý: là nhân quả do có dụng tâm tạo tác mà thành, gọi là nghiệp báo, gieo nhân nào gặt quả nấy. Trong nghiệp báo có ý chí tự do, tức mỗi người có quyền quyết định hành vi của mình theo hướng mình chọn, nhưng chọn cách nào thì cũng đều phải tuân theo nguyên lý nhân quả.
Về mặt Tướng: Trong nhân quả tự nhiên do duyên hợp duyên tan nên có sinh có diệt vô thường, nhưng do “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” của cái ngã ý chí nên không có khổ. Còn nhân quả nghiệp báo ngoài tướng sinh diệt vô thường còn có khổ, do có sinh, hữu, tác, thành của bản ngã.
Về mặt Tánh: Khi đã giác ngộ, không còn sinh hữu tác thành nên chỉ thân-sinh-vật-lý thì còn vô thường, còn khổ nhưng tâm thì đã thoát khỏi hữu-tướng-tác-cầu nên không còn nhân quả nghiệp báo, không còn khổ đau sinh diệt nữa. Đây chính là ngoại lệ của nhân quả. Nên Đức Phật dạy “Này các Tỳ Kheo, có cái không sinh không hữu không tác không thành, vì sao, vì nếu không có cái không sinh không hữu không tác không thành thì không thể trình bày được sự thoát ly khỏi sinh hữu tác thành” (Udāna).
HẠNH PHÚC
Hỏi: Thưa Sư ông cho con hỏi, con đọc trong sách có câu "Hạnh phúc không phải là đích tới mà chính là con đường" Kính xin sư ông dạy thêm ạ!
- Đúng vậy, nếu hạnh phúc ở cuối con đường thì bao lâu chưa đến đó hạnh phúc vẫn còn trong mơ tưởng, vậy từ đây đến đó chẳng lẽ chỉ toàn đau khổ thôi sao? Rồi khi đạt đến mục đích chắc gì đó là hạnh phúc như mình nghĩ, hay cũng chỉ là:
“Lô sơn yên toả Chiết giang triều
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên toả Chiết giang triều” (Tô Đông Pha)
Hoá ra hạnh phúc chỉ đẹp khi còn trong mơ tưởng, còn khi chạm phải thực tế thì hạnh phúc chỉ là ảo giác hay sao?
Cho nên nếu bây giờ không hạnh phúc thì chẳng biết bao giờ có hạnh phúc được cả. Cũng vậy ai cũng mong đạt được sự hoàn hảo nhưng “Hoàn hảo không phải là đích tới mà hoàn hảo chỉ có ngay tại đây và bây giờ” nếu bây giờ không thấy pháp đang hoàn hảo thì đâu đâu cũng thấy sự bất toàn. Chính vì mong ước một hạnh phúc hoàn hảo ở tương lai nên đã bỏ mất biết bao hạnh phúc hoàn hảo nơi thực tại hiện tiền. Nếu trong từng bước chân, từng hơi thở mà nhận ra hạnh phúc thì đâu đâu cũng là hạnh phúc, không cần mất công tìm kiếm xa xăm ở tận cuối chân trời!
Hỏi: Thưa Thầy, trong khi làm các việc thường ngày như quét sân, rửa chén, lau dọn... con hay suy niệm về những lời dạy của Phật, lời giảng của Thầy, như vậy con chưa chú tâm trọn vẹn với thực tại đang là. Khi suy niệm thì con vẫn biết rõ mình đang suy niệm. Vậy con có bị thất niệm trong khi đang làm việc không!
- Nếu con đang làm gì đó chợt nhớ đến lời Phật dạy từ cái thấy tương quan với hiện tại thì không sao. Thí dụ, khi quét sân thấy lá rơi chợt nhớ Phật dạy vô thường chẳng hạn. Như vậy việc nhớ lời Phật tương ưng với thực tại đang là, nên vẫn chánh kiến, chánh tư duy. Nếu khi suy niệm biết đang suy niệm thì đó là niệm tâm, khi làm biết đang làm là niệm thân, tùy vào lúc đó miễn sao trọn vẹn thấy biết là được.
Nếu đang làm việc mà tâm buông lung thất niệm, suy nghĩ lung tung nhưng chợt nhớ đến lời Phật dạy mà biết trở về chánh niệm tỉnh giác trên thực tại thân thọ tâm pháp thì đó là chánh tinh tấn. Hoặc khi do bất cẩn làm sai điều gì chợt nhớ lời thầy trở về thận trọng chú tâm quan sát thì vẫn đúng. Chỉ khi nào suy nghĩ nhiều đến giáo pháp mà quên thực tại mới thất niệm, thất giác mà thôi.
Tác giả: Thầy Viên Minh
NT Trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 29/10/2017