RỘNG LÒNG TRƯỚC ĐÃ
Bên Thái Lan, sự tiếp cận đầu tiên của trẻ em với đạo Phật - sau khi đã học các cử chỉ cung kính - là qua việc bố thí. Ta thấy phụ huynh dắt con mình ra khi có một nhà sư khất thực ngang nhà, họ bồng đứa trẻ lên, và giúp em bé đặt cơm vào bát nhà sư. Dần dần, các em tự động làm việc này, càng lúc càng bớt máy móc, và sau một thời gian các em bắt đầu ưa thích việc bố thí.
Lúc đầu, niềm vui này có vẻ đi ngược bản năng. Cho đi thì sẽ hạnh phúc, ý niệm này không tự động đến trong tâm trí trẻ thơ. Nhưng với sự thực tập, ta thấy điều ấy đúng. Xét cho cùng: khi cho, ta đặt mình vào vị trí giàu có. Quà tặng là bằng chứng ta có nhiều hơn đủ.
Đồng thời, nó cho ta ý thức giá trị bản thân. Ta có thể giúp kẻ khác. Hành động cho cũng tạo một cảm giác thông thoáng trong tâm, Đúng rồi, có một cảm giác hạnh phúc, có một cảm giác lành mạnh đến từ việc sống có nguyên tắc, từ việc không phải che đậy bất cứ một sự dối trá nào, từ việc tránh các hành động bất thiện, từ việc có ý thức rằng các hành động bất thiện là bất xứng với mình và chăm chỉ làm việc thiện.
Rộng rãi cũng được xem như một trong những hình thái Giàu Có Cao Thượng, vì giàu có là gì nếu không phải là thấy mình có nhiều hơn, đủ hơn? Nhiều người nghèo về vật chất, nhưng xét về thái độ họ lại rất giàu. Và nhiều người của cải rất nhiều nhưng lại hết sức nghèo nàn. Những kẻ không bao giờ có đủ: Họ là những người lúc nào cũng cần có an ninh hơn, lúc nào cũng cần có thêm để cất giấu.
Họ là những người luôn phải xây dựng các tường thành quanh nhà, phải sống trong các khu dân cư có cổng gác vì sợ người ta lấy đi những gì mình tom góp được. Đó là một thứ đời sống nghèo nàn, hạn hẹp.
Nhưng khi tập mở lòng, ta mới nhận ra rằng ta có thể sống an ổn với ít hơn, và có một niềm hỷ lạc đến trong việc hiến dâng. Chính ngay đó, ta thấy mình giàu có. Ta có nhiều hơn là đủ. Đồng thời, ta phá đi các bức rào cản. Các tương quan tiền bạc tạo ra những rào cản. Tiền trao cháo múc, tức là có một bức rào ngay tại đó. Bằng như nếu ta không trả tiền, vật kia sẽ chẳng vượt rào đến với ta.
Nhưng với sự hiến tặng không đòi hỏi, bức rào cản được hạ xuống. Ta trở nên một phần quyến thuộc của người kia. Thanissaro Bhikkhu,