Vô thường, khổ, vô ngã
Hỏi: Thưa Thầy, con đọc trong quyển sách hướng dẫn Thiền của Ngài U Sīlananda, Ngài nói rằng mục đích của thiền Vipassanā là thấy thực tánh “vô thường, khổ, vô ngã”. Con hiểu cụm từ này rất mù mờ, ví dụ như khổ thì không phải lúc nào cũng có để mà thấy. Kính xin Thầy dạy cho con hiểu rõ hơn về vô thường, khổ, vô ngã?
- Cụm từ "vô thường, khổ, vô ngã" không nên hiểu theo định nghĩa từ điển mà phải thực thấy mới được. Cũng không cần thiết phải thấy hết cả ba mà chỉ cần thấy một trong 3 đặc tính đó thôi là được. Tùy theo căn tính mà người thấy vô thường, người thấy khổ, người thấy vô ngã. Thấy một đặc tính tự nhiên thấy hai đặc tính kia.
Khổ có 3 loại: Khổ tự nhiên, khổ quả và khổ ảo*. Khi chiêm nghiệm kỹ sẽ thấy ra khổ tự nhiên rất cần thiết trong đời sống, nếu mất đi khả năng cảm nhận được khổ này thì còn tệ hơn đời sống thực vật và sẽ chỉ sống như gỗ đá mà thôi. Còn khổ quả thì đã tạo nhân sai xấu ắt gặp quả khổ sầu, vì vậy khổ quả mang tính giáo dục rất cao, giúp nhận ra sai lầm để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Cuối cùng là khổ ảo do thái độ tâm lý tạo ra. Đó là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ, chỉ phát sinh khi vô minh ái dục tức có phi hữu ái, hữu ái và dục ái mà thôi.
Vô thường tuy có nghĩa là biến đổi mà ai cũng biết, nhất là các nhà khoa học, nhưng chứng ngộ vô thường là chuyện khác. Không đơn giản là chỉ thấy mọi sự mọi vật biến đổi thôi, chủ yếu là thấy mọi biến đổi mà tâm không dao động, không bị chi phối mới gọi là thấy vô thường. Như khi đi qua một cánh đồng thấy gia đình nọ đang thiêu một xác chết nhưng thấy họ rất bình tỉnh, không hề dao động, đức Phật hỏi mới biết họ đang thiêu đứa con trai duy nhất vừa mới bị rắn cắn chết, trong đó có cả người vợ trẻ cũng đang rất tỉnh táo trước cái chết của người chồng. Họ đều nói vô thường là chuyện bình thường, với người đã khuất họ đã đối xử hết lòng khi còn sống với nhau nên không có gì phải phải đau buồn ân hận khi phải chia tay giã biệt. Đức Phật khen ngợi họ đã thực sự thấy vô thường, tức đã biết trả pháp lại cho pháp như nó là.
Vô ngã cũng vậy, khi đã thấy vô thường, đau khổ không như ý mình thì mới nhận ra chẳng có gì là “ta” và “của ta” cả. Thật ra mọi cơ cấu hoạt động của thân, tâm và cảnh đều là sự vận hành của pháp tự nhiên, dù có thêm vào khái niệm “ta” hoặc “của ta” hay không thì pháp vẫn vậy: Tim vẫn đập, máu vẫn chảy… nhưng khi có “cái ta sợ hãi” xen vào thì mới sinh ra nhồi máu cơ tim. Cho nên trong 3 đặc tính của pháp thì vô ngã là quan trọng nhất. Tu không phải để thoát khỏi vô thường, khổ, vô ngã mà là thấy ra 3 đặc tính đó để không sống chủ quan theo tư kiến tư dục, biết sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha.
* Xem thêm bài giảng trong:
Đời là bể khổ
Hỏi: Kính thưa Thầy, con thường nghe quý thầy quý cô nói đời là bể khổ, có vẻ rất bi quan. Nhưng từ khi nghe Thầy giảng sống tùy duyên thuận pháp thì con thấy cuộc đời đâu có đến nổi bi quan như vậy. Con thấy cuộc đời rất có ý nghĩa. Kính Thầy khai thị cho con?
- Không phải cuộc đời là bể khổ mà chính thái độ nhận thức và hành vi của mỗi người tự tạo cho đời mình thành bể khổ mà thôi. Đức Phật dạy "Khi tâm thanh tịnh thấy các pháp đều thanh tịnh" thì lúc đó đời là Niết-bàn chứ đâu phải là bể khổ. Nếu xem cuộc đời là trường học dạy cho chúng ta biết điều chỉnh nhận thức và hành vị mà mỗi người qua đó giác ngộ được chính mình thì cuộc đời tuy cam go nhưng lại là môi trường giác ngộ vô cùng phong phú và vi diệu. Vì cho đời là bể khổ nên mới sinh ra hai tà kiến nguy hại: Một là xem mục đích tu hành như một sự chấm dứt hoàn toàn, đó là đoạn kiến. Hai là xem mục đích tu hành như để đạt được sự thường lạc, đó là thường kiến. Thực ra chỉ cần thay đổi thái độ nhận thức và hành vi thì Sinh Tử hay Niết-bàn đều chính là cuộc này chứ không phải gì khác.
"Khi tâm thanh tịnh thấy các Pháp đều thanh tịnh"
Hỏi: Thưa Thầy như thế nào là thấy "Khi tâm thanh tịnh thấy các Pháp đều thanh tịnh"?
- Khi tâm thanh tịnh là thấy mọi chuyện diễn ra đều hoàn toàn đúng với nhân quả, với sự vận hành của Pháp. Như người uống rượu thì say, ăn nhiều thì no, cây xoài ra trái xoài v.v... Còn trong cơ thể con người thì tim tự đập, máu tự chảy, bao tử tự tiêu hoá, uống thuốc độc thì chết v.v... tất cả đều hoàn hảo. Có thể nói cách khác: Khi tâm không thanh tịnh thì thấy các pháp không thanh tịnh, nên mới có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhưng khi nào tâm thanh tịnh trong sáng thì liền thấy cái gì cũng tịch tịnh: “Chư Pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng”.
Khi tâm thanh tịnh thì thấy đúng là các Pháp đều thanh tịnh, tinh khiết, và thấy cái gì cũng đều hoàn hảo. Cho nên, sau khi Chứng Quả đức Phật im lặng, không muốn nói gì cả. Hiểu được ý này Thiền Tông nói “há miệng mắc quai”, vì đã nói ra khó mà diễn đạt được sự thật, nhưng để chỉ bày cho người khác tự thấy ra sự thật thì tạm thời phải dùng ngôn ngữ để nói, hay có người yêu cầu mới nói. Cho nên tại sao trong giới luật khi thuyết Pháp phải có người thỉnh mới được nói. Không có chân lý nào nói ra được mà phải tuỳ chỗ tuỳ lúc và tuỳ nhu cầu mới phải nói thôi. Như Aṅgulimāla là tên sát nhân giết hàng trăm nạn nhân nhưng Phật vẫn không nói gì cho đến lúc ông rượt theo Ngài để giết người cuối cùng, buộc Ngài dừng lại, lúc đó Ngài mới nói và chỉ lúc đó Aṅgulimāla mới có thể hiểu được Ngài nói gì.
Thực ra, dù có người giác ngộ hay không thì Pháp tánh vẫn thanh tịnh, nên đức Phật nói: “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì Pháp vẫn vậy”.
Giới luật
Hỏi: Thưa Sư ông, giới gồm mấy phần và như thế nào là vi tế của giới? Con cảm ơn sư ông!
- Giới có 2 loại:
• Giới tướng hữu hạn: Giới được đức Phật ban hành mỗi khi có Tăng sĩ hoặc cư sĩ phạm phải sai lầm, đó là giới chế định gồm một số điều học cho từng đối tượng, gọi là giới tướng hữu hạn.
• Giới tánh vô hạn: Giới có sẵn trong tự tánh mỗi người, khi nhận thức minh bạch hành động nói năng của mình thì giới là tự nhiên, tự giác nên gọi là giới tánh vô hạn.
Trong thời kỳ đầu của đức Phật, khi Ngài khai thị thì hầu như ai cũng đều giác ngộ mặc dù lúc ấy chưa có giới định tuệ chế định nào cả. Vì giới định tuệ chính là Bát Chánh Đạo mà trong đó chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng đều là giới có sẵn trong tự tánh mỗi người.
Qua trải nghiệm thực chúng ta sẽ thấy giới có thể phân thành 6 giai đoạn:
• Giai đoạn 1: Đối với người đã sai phạm trong hành động, nói năng hại mình hại người hoặc bị người đời chê trách, đức Phật mới chế định giới để ngăn cấm những hành động sai trái. Giai đoạn này giới là sự ngăn cấm.
• Giai đoạn 2: Đối với người chưa sai phạm thì giới chế định chỉ mang tính ngăn ngừa không để gây ra hành động nói năng hại mình hại người, hoặc để người đời chê trách. Giai đoạn này giới là sự ngăn ngừa.
• Giai đoạn 3: Đối với người không sai phạm thì giới chế định là điều học giúp nhận ra hành động nào nên hoặc không nên làm, đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, lợi mình lợi người hoặc hại mình hại người để sống cho đúng tốt. Giai đoạn nàygiới là điều học.
Ba giai đoạn trên thuộc giới tướng hữu hạn mang tính khái niệm tục đế.
• Giai đoạn 4: Đối với người biết tự giác, thường thận trọng, chú tâm, quan sát mọi hành vi cử chỉ của mình, vượt qua giới tướng hữu hạn để ứng giới tự tánh qua đức tánh cẩn thận, nghiêm túc, chu đáo. Giai đoạn này giới là sự thận trọng.
• Giai đoạn 5: Đối với người tỉnh giác cao, thường trọn vẹn tỉnh thức trên thực tại thân-tâm-cảnh, nhận ra những lỗi nhỏ nhặt trong hành vi, cử chỉ, nói năng, nên dễ dàng điều chỉnh nhận thức hành vi cho thuận pháp. Giai đoạn này giới là sự tinh tế.
• Giai đoạn 6: Đối với người đã giác ngộ, luôn sống với sự trong lành, định tĩnh, sáng suốt nên hành động nói năng không còn hại mình hại người nữa, luôn sống vô ngã vị tha thì giới đã hoàn toàn thanh tịnh. Giai đoạn này giới là sự trong lành.
Tác giả: Thầy Viên Minh
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 03/01/2017