Hòa thượng Kim Triệu kể lại những sự liên hệ giữa ngài và thiền sư Munindra trong thập niên 1960 tại Ấn Độ
Ngài Munindra là một trong những thiền sư Á châu ưu tú nhất trong kỷ nguyên truyền bá Phật pháp sang Âu Mỹ đồng thời cũng là một du sĩ Ấn độ đầu tiên đem Giáo pháp Nguyên thủy trở về hoằng dương ngay tại đất nước mà đạo Phật đã khởi sanh và hầu như đã bị mai một trong gần mười thế kỷ nay. Riêng đối với Sư, Ngài không những là vị ân sư dạy thiền Tứ Niệm Xứ đầu tiên mà còn là hiện thân của một người mẹ hiền đã hết lòng bảo bọc và dạy dỗ Sư hơn chín năm trời ở Bồ đề Đạo tràng.
Năm 1967, lúc đang học tại Nalanda, được nghe một cao tăng khả kính, Ngài Ghosananda, nói rằng có vị thánh nhân vừa từ Miến điện về lại Ấn độ dạy thiền, Sư phát tâm trong sạch đến viếng ngay. Anāgārika Munindra bấy giờ ngụ tại Gandhi Ashram của phong trào đấu tranh bất bạo động (Ahimsa) do Đại Thánh Gandhi lãnh đạo.
Sư đến nơi sau bữa trưa, lúc Ngài Munindra đang thời lễ lạy Phật ở Tháp Đại Bồ đề. Ngài trở về dưới trời nóng gắt, nắng chang chang, nhưng khi thấy Sư, Ngài vẫn hết sức tươi cười, chuyện trò niềm nỡ. Trong danh sách Ngài ghi tên các môn sinh ngoại quốc từ năm về Ấn 1966, Sư là người đứng thứ bảy. Những năm đầu tiên Ngài trở về cố hương dạy đạo cũng là những năm du học đầu tiên đầy bỡ ngỡ của Sư trên đất nước xa lạ này. Bản tính giản dị, bình dân, Ngài gần gũi với tất cả học trò của Ngài. Mỗi khi đi đâu, Ngài đều bảo Sư cùng theo để học hỏi đủ điều, kể cả khi ra chợ mua rau quả, thực phẩm. Ngài chỉ bảo Sư rất nhiều về phong tục và văn hóa Ấn độ. Mỗi buổi chiều, Sư đều theo Ngài đến lễ lạy Phật ở Tháp Đại Bồ đề nên thường xuyên được nghe Ngài giảng giải Giáo pháp.
Từ thuở nhỏ đến năm ba mươi bảy tuổi, Sư chưa từng gặp vị thánh nhân nào. Khi được ở gần Ngài mới thấy quả là một con người khác thường từ nói năng, đi đứng đến việc làm hằng ngày. Lúc nào Ngài cũng vui tươi, dịu dàng, không khi nào tỏ vẻ khó chịu hay giận ghét ai. Người nào đến với Ngài cũng đều được hưởng một bầu không khí mát mẻ, thân thiện, đầy đạo vị.
Sau khi Sư hết học bổng của đại học Nalanda, Ngài cùng vài vị khác khuyến khích Sư nên ở lại Ấn tiếp tục học thêm. Thế là từ đó hàng bữa Ngài phải chia phần cơm và thức ăn đạm bạc của Ngài cho Sư dùng. Những khi biết Sư buồn phiền, mặc cảm về thân phận hay về đường tu hành, Ngài đều ân cần an ủi, khích lệ.
Được thân cận với người thầy đầy ân phước như vậy, ít nhiều Sư cũng chịu ảnh hưởng về con người, về cách sống, nhất là về hạnh kham nhẫn và tâm luôn chấp nhận những gì xảy đến cho mình.
Cứ như vậy mà Ngài đã chăm sóc Sư như một người mẹ thứ hai suốt chín năm. Đến năm 1977, Ngài được mời sang Hoa kỳ dạy thiền khắp nơi, sau đó về lại Ấn. Từ ấy, Ngài qua lại giữa trung tâm Dhamma Giri và Calcutta cho đến khi hết tuổi thọ. Sau khi qua Hoa kỳ, Sư còn được gặp lại Ngài tại IMS (1981) và tại San Diego (1994).
Ngài thích viết thư cho học trò nên hiện nay Sư còn giữ nhiều thư từ của Ngài viết tay cho Sư. Mỗi khi nghe Ngài đau yếu, Sư đều gửi tịnh tài qua để Ngài chữa bệnh. Mỗi lần Ngài định in kinh, Sư đều rút hết tiền tứ sự gửi hùn phước ấn tống vì biết Ngài rất yêu thích sách vở, kinh điển.
Ngài ban cho Sư lớp vỡ lòng về chánh niệm và đặc biệt là pháp hành Tứ Niệm Xứ. Ngài luôn nhấn mạnh rằng phải có nhân duyên lớn mới gặp Phật pháp và phải thực tập chánh niệm thật sâu sắc, trọn vẹn mới gọi là hành đúng Giáo pháp của Đức Phật. Nhờ được thường xuyên nhắc nhở như vậy nên Sư mới có niềm tin tuyệt đối vào Tam Bảo, mới vượt được bao thử thách từ bản thân đến ngoại cảnh trong quãng đời xuất gia tu học trên đất Ấn.
Ngài Munindra là một vị thiền sư đã hoàn mãn xuất sắc về pháp học cũng như pháp hành. Ngài thông suốt Tam Tạng Pāli (Tipiṭaka) sau năm năm liên tục dồi mài kinh điển Nguyên thủy (Theravāda) với sự chỉ dạy tích cực không ngừng nghỉ của bậc học giả lỗi lạc U Muang Muang tại Yangon.
Về pháp hành, Sư học được từ Ngài cách hướng dẫn thiền sinh giữ tâm không hời hợt, ghi nhận chính xác các cảm thọ, các điểm đụng. Ngài xác nhận rằng sau khi đã thuần thục hành trì pháp Tứ Niệm Xứ ở trung tâm Mahāsi rồi, hành giả có thể học thêm bất cứ pháp vipassanā nào khác và đều được lợi lạc.
Ngài nói rằng thường các thiền sư chỉ muốn môn sinh hành theo cách thức của mình thôi. Nhưng Hòa thượng Mahāsi thì khác. Hòa thượng cho phép học trò sau khi hoàn tất giáo trình ở trung tâm Yangon có thể bổ túc thêm với các pháp thiền khác.
Bản thân Ngài Munindra đã thọ giáo đủ tất cả pháp hành vipassanā, nhưng khi dạy thiền sinh, Ngài chủ yếu hướng dẫn họ theo truyền thống của Hòa thượng Mahāsi. Hồi trước, chính Hòa thượng cũng đã thử nhiều pháp môn; cuối cùng qua kinh nghiệm đặc biệt của một bạn đạo cư sĩ chia sẻ, Hòa thượng đã chọn đề mục phồng xẹp để dạy cho thiền sinh của Ngài vì phồng xẹp là điểm xúc rất chính xác và vi diệu.
Tuy nhiên, Anāgārika Munindra công nhận rằng pháp Tứ Niệm Xứ nào nếu hành đúng cũng đều đưa đến giác ngộ và giải thoát. Ngài thường nói Giáo pháp cũng như thuốc, chỉ cốt chữa khỏi bệnh. Còn việc theo thầy nào, pháp môn nào là tùy căn duyên của mỗi người. Ngài chỉ muốn mọi người có niềm tin và hưởng lợi lạc từ Giáo pháp chứ không cần ai phải theo mình cả.
Các thiền sư thường dạy theo kinh nghiệm chứng đắc riêng nên dần dần phương pháp của họ có vẻ đi vào chuyên biệt. Thật ra, khi đã đạt sơ quả rồi thì hành giả sẽ không còn hoài nghi nào về Pháp bảo nữa cả. Tuy nhiên, do đã thuần thục theo một kỹ thuật rồi thì cứ con đường đó mà tiếp tục đi nhưng không còn tranh cãi nhiều về pháp môn nữa.
Ngài Munindra hay nói với Sư là Ngài mong muốn hướng dẫn mọi thiền sinh đạt đến tuệ thứ mười
một – tuệ xả hành. Tuệ thứ mười một vẫn còn là phàm tuệ, và cũng có nhiều người đã đạt được. Ai hành thiền thường xuyên và tích cực có thể kinh nghiệm được tuệ an lạc này không mấy khó. Nhưng đối với ai lâu lâu mới hành thiền tích cực thì tâm khó an định, lên xuống bất thường. Vì thế hành giả phải ráng thân chứng được tuệ xả hành này thì tâm sẽ không còn bị lui sụt.
Thí dụ như ở các quốc gia phát triển, nhà nước cố gắng lo cho mọi thiếu niên đều học xong lớp mười hai trung học, có trường, có lớp, có thầy, có chương trình thống nhất cả nước. Sau đó, muốn lên đại học hoặc chọn phân khoa nào là tùy ở mỗi học sinh.
Vậy cũng giống như lớp mười hai trung học, theo Ngài Munindra, tuệ thứ mười một là mức tối thiểu mà hành giả cần hoàn tất. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, một trường thiền chỉ hướng dẫn thiền sinh đạt đến tuệ sinh diệt, sau đó họ có thể tự học lên. Đúng ra họ cũng còn cần thầy hướng dẫn, nhưng từ tuệ sinh diệt trở đi, các thiền sư không chỉ rõ các tuệ cao hơn. Tóm lại, Ngài Munindra bao giờ cũng thành khẩn khích lệ mọi người, như chính Ngài, đặt sự tu tập là mục tiêu hàng đầu của kiếp sống này.
Công trình Việt dịch cuốn “Living This Life Fully” được sự cộng tác nhiệt tình của nhiều Phật tử khắp nơi, đối với Sư, là cả một phước duyên lớn. Quyển “Sống Viên Mãn Kiếp Này” là một duyên lành quý báu để giới thiệu cho Phật tử Việt nam biết đến Ngài Munindra, một trong những vị thiền sư Á châu lỗi lạc nhất, qua những mẩu chuyện và lời dạy của Ngài.
Chân thành cám ơn tác giả, Dr. Mirka Knaster, và nhà xuất bản Shambhala đã hoan hỷ cho phép chúng tôi dịch sang tiếng Việt quyển sách quý giá này để phổ biến rộng rãi đến cộng đồng Việt nam khắp nơi trên thế giới.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trích: Sống viên mãn kiếp này
LỜI TỰA: Tỳ-kheo Kim Triệu Khippapañño