Chúng ta đang thực hành Thiền Minh Sát, trên nền tảng chánh niệm, có nghĩa là thiết lập chánh niệm vững chắc trên bốn nền tảng thân, thọ, tâm, pháp. Vậy khi thực hành, đặt căn bản trên chánh niệm, chúng ta quán sát sự vật tức là quán sát vật chất và tâm (ngũ uẩn). Chữ Pāḷi thường dùng để chỉ chánh niệm là Vipassanā hay Satipaṭṭhāna. Chữ Vipassanā có nghĩa hẹp hơn chữ Satipaṭṭhāna nhưng đôi khi chúng ta dùng hai chữ này cùng nghĩa. Ai cần phải hành Thiền Minh Sát? Thực hành Vipassanā hay thực hành Thiền Minh Sát là để thanh lọc bệnh của tâm có nghĩa là để thanh lọc tâm khỏi các phiền não. Bởi vì mọi người đều có phiền não, nên ai cũng cần hành Thiền Minh Sát. Nhưng một khi chúng ta đã chế ngự hay loại trừ phiền não trong tâm rồi, tâm chúng ta hoàn toàn trong sạch, lúc đó chúng ta có cần hành Thiền Minh Sát nữa không? Nói rõ hơn, khi đã trở thành một vị A La Hán, chúng ta có cần chánh niệm, có cần hành Thiền Minh Sát nữa không? A La Hán được mô tả là một bậc thánh đã làm những gì cần phải làm (những gì cần phải làm ở đây là loại trừ phiền não trong tâm). Vị A La Hán đã làm xong nhiệm vụ này rồi. Nhưng Đức Phật nói rằng: “Một vị A La Hán cũng phải hành thiền chánh niệm”. Ngay khi bạn trở thành A La Hán bạn cũng còn cần phải hành Thiền Minh Sát. Trong một bài pháp giảng cho các đệ tử, Đức Phật dạy Chư Tăng phải khuyến khích các vị mới vào tu hành Thiền Minh Sát; Đức Phật dạy: “Đối với những vị Sư mới tu, cần phải được khuyến khích, thiết lập và vun bồi bốn nền tảng chánh niệm”. Như vậy, những vị Sư mới tu phải được khuyến khích hành thiền Tứ Niệm Xứ. Chúng ta phải nói với những vị Sư mới tu như vầy: “Hãy thực hành việc quán sát thân. Trú trong thân, quán sát thân với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của thân. Trú trong thọ, quán sát thọ với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của thọ. Trú trong tâm, quán sát tâm với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của tâm. Trú trong pháp, quán sát pháp với nhiệt tâm, tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), chánh niệm, định tâm mãnh liệt, để thấy rõ thực tướng của pháp” Ở đây Đức Phật nói với tăng chúng: "Phải khuyến khích các vị Sư mới tu thực hành Tứ Niệm Xứ. Khuyên họ phải nhiệt tâm, nỗ lực với sự tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt). Phải khuyến khích các vị Sư mới tu nỗ lực, kiên trì, hết sức tinh tấn để thấy rõ bản chất của sự vật. Khuyến khích họ thực hành cho kỳ được những sát na chánh niệm. Trong một số trường hợp, hãy khuyến khích họ thực hành Thiền Định để đạt cận định, và các tầng định cao hơn, sau đó chuyển sang hành Thiền Minh Sát". Mục đích Đức Phật muốn nói ở đây là phải thấy rõ thực tướng của thân, thấy thân vô thường, sinh rồi diệt, chất chứa sự suy tàn, hoại diệt, đau khổ, bất toại nguyện, không có cốt lõi, không thể điều khiển, không thể kiểm soát được, chẳng có giá trị, chẳng đáng để ta tham luyến dính mắc vào. Thực hành chánh niệm là để hiểu rõ các đề mục thân, thọ, tâm, pháp, hay một cách đơn giản, là để hiểu rõ các đề mục đúng theo thực tướng của chúng. Khi hành Thiền Minh Sát, trước tiên, thiền sinh đạt sát na định. Thiền sinh tinh tấn theo dõi khắn khít đề mục trong từng khoảnh khắc, không để tâm hướng đi nơi khác. Dần dần thiền sinh đạt được nhiều sát na định hơn, sát na này liên tiếp sát na kia, và thiền sinh đạt được tạm thời định. Trong từng sát na một, tâm thiền sinh khắng khít trên đề mục không thối chuyển. Khi đạt được sát na định, thiền sinh bắt đầu thấy rõ đề mục vật chất và tâm. Tiếp theo đó, thiền sinh thấy rõ điều kiện và sự tương quan nhân quả của vật chất và tâm. Dần dần thiền sinh thấy rõ sự sinh diệt của vật chất và tâm v.v… Khi thiền sinh thấy được sự sinh diệt của đối tượng, thiền sinh sẽ thấy đối tượng vô thường, bất toại nguyện, và không có bản chất, không thể kiểm soát hay điều khiển được. Thấy rõ đối tượng là vô thường, bất toại nguyện và không có bản chất đó là thấy đối tượng đúng theo thực tướng của chúng. Những Phật Tử mới, những Nhà Sư mới, phải được khuyến khích hành thiền Tứ Niệm Xứ để thấy rõ sự vật đúng theo thực tướng của chúng. Nghĩa là thấy rõ sự vật là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã hay không có bản chất, không có cốt lõi, không thể kiểm soát hay điều khiển được. Đức Phật dạy ngay cả các vị Sư đã đạt được tầng mức tiến bộ cao cũng phải cố gắng để đạt đến tầng mức cuối cùng. Thầy Tỳ Khưu bất kỳ ở tầng mức giác ngộ nào cũng luôn luôn tinh cần, tỉnh giác (ý thức sáng suốt) và chánh niệm, để hết tâm vào việc quán sát thân, hiểu đề mục thân trọn vẹn, để hết tâm vào việc quán sát thọ, hiểu đề mục thọ trọn vẹn, để hết tâm vào việc quán sát tâm, hiểu đề mục tâm trọn vẹn, để hết tâm vào việc quán sát pháp, hiểu đề mục pháp trọn vẹn. Những vị đạt được ba tầng mức giác ngộ đầu tiên thì còn gọi là bậc hữu học (sekkha), bởi vì các vị này còn phải tu tập. Do đó các vị này cần phải tiếp tục hành thiền. Chỉ khi nào trở thành A La Hán mới không cần phải học nữa. Những vị chưa đạt đến A La Hán phải tiếp tục hành thiền để đạt đến sự hiểu biết trọn vẹn. Các Ngài tiếp tục nỗ lực để thấy rõ bản chất của sự vật. Và mục đích nỗ lực của các Ngài là để đạt được hiểu biết trọn vẹn. Chúng ta cần hiểu rõ thế nào là hiểu biết trọn vẹn? Hiểu biết trọn vẹn tiếng Pāḷi là Paññā. Hiểu biết trọn vẹn có ba mức độ: 1. Hiểu biết những đặc tính riêng hay đặc thù của vật chất và tâm. Vật chất có đặc tính riêng là cứng mềm, kết hợp, nóng lạnh, chuyển động (đất, nước, lửa, gió), tâm có đặc tính riêng là hay biết.
2. Hiểu biết những đặc tính chung hay hiểu biết đặc tính tổng quát của vật chất và tâm. Những đặc tính chung của vật chất và tâm là đặc tính nhân duyên hay điều kiện và đặc tính sinh diệt của sự vật.
3. Loại trừ ý niệm sai lầm sau khi đã hoàn toàn hiểu biết các đặc tính chung.
Mỗi khi chúng ta gặp chữ hiểu biết trọn vẹn hay trí tuệ (paññā) thì chúng ta phải hiểu rằng có ba mức độ hiểu biết.
1. Hiểu biết những đặc tính riêng hay đặc tính đặc thù khi quán sát một sự vật: Khi tinh tấn hành thiền, chúng ta sẽ thấy đặt tính đặc thù của vật chất và tâm một cách rõ ràng. Thật vậy, khi hành thiền chúng ta cố gắng chánh niệm trên đối tượng, và khi sự tập trung tâm ý có đà, chúng ta sẽ thấy đối tượng một cách rõ ràng. Khi thấy đối tượng một cách rõ ràng, chúng ta sẽ thấy, sẽ biết đối tượng này là gì? Đối tượng có đặc tính như thế nào? Có dấu hiệu như thế nào? Chẳng hạn, khi bạn quán sát tâm mình, bạn thấy tâm mình hướng đến vật này hay vật kia. Thật sự thì tâm chẳng đi đâu cả, nhưng chúng ta thấy dường như tâm đi đến đối tượng, dường như tâm có khuynh hướng hướng về đối tượng đó. Hướng về đối tượng, chạy đến đối tượng, nắm lấy đối tượng, đó là đặc tính của tâm. Khi quán sát tâm, chúng ta sẽ thấy tâm của chúng ta luôn luôn hướng đến đối tượng, đi đến đối tượng, chụp lấy đối tượng. Biết được điều này có nghĩa là ta đã hiểu biết được đặc tính riêng của tâm. Đây là một đặc tính đặc biệt của tâm mà những đối tượng khác không có. Hiểu biết như vậy là chúng ta đạt được mức độ hiểu biết trọn vẹn, hiểu biết đúng đắn đối tượng, ở đây là hiểu biết tâm. Nếu bạn theo dõi sự đau, bạn sẽ thấy rằng đau là một kinh nghiệm về "cảm giác tiếp xúc" không tốt đẹp. Như vậy, đặc tính của sự đau là: kinh nghiệm về đối tượng cụ thể "không dễ chịu" hay "khó chịu". Nếu bạn theo dõi yếu tố gió thì bạn thấy yếu tố gió có đặc tính bành trướng, hỗ trợ hay nâng đỡ. Bành trướng, hỗ trợ hay nâng đỡ cho ta thấy đặc tính đặc thù hay đặc tính riêng của yếu tố gió, hay đặc tính riêng của vật chất.
2. Hiểu biết đặc tính nhân quả hay điều kiện của sự vật và hiểu biết sự sinh diệt của sự vật: a. Sau khi thấy được đặc tính đặc thù của sự vật, tức là thấy đặc tính tứ đại của vật chất và đặc tính hay biết của tâm, đặc tính riêng của từng đại một, đặc tính riêng của thọ, tưởng, hành thức ta sẽ thấy sự vật khởi sinh bởi những điều kiện. Không có gì khởi sinh mà không tùy thuộc vào những điều kiện khác. Khi bạn nhìn một vật nào đó, bạn sẽ hiểu điều này. Bởi vì có vật gì đó để thấy thì mới có sự thấy. Không có vật thấy thì không có sự thấy. Bởi vì bạn có ý định duỗi tay nên bạn mới duỗi tay ra. Có ý định duỗi tay, nên tay ta mới duỗi, nếu không có ý định duỗi tay thì sẽ không có sự duỗi. Như vậy, duỗi tay phải có điều kiện, trước tiên là muốn duỗi tay. Sự duỗi tay không phải tự nhiên mà đến, cũng chẳng phải do thần thánh nào điều khiển, nhưng duỗi tay chịu điều kiện là tâm, tâm muốn duỗi. Nếu bạn thấy rằng bất cứ vật gì khởi sinh đều có một sự vật khác làm điều kiện thì bạn thấy được điều kiện của sự vật. b. Sau khi thấy điều kiện (hay Duyên) của sự vật, bạn sẽ thấy sự vật khởi sinh rồi hoại diệt. Dù cho đối tượng nào thiền sinh chú tâm đến đều thấy rằng chúng khởi sinh rồi biến mất ngay tức khắc. Thật ra, không có sự vật nào hiện hữu trong hai sát na liên tiếp nhau. Trong sát na sự vật khởi sinh, thì cũng chính trong sát na này, sự vật biến mất và chấm dứt. Thế vào chỗ đó có một sự vật khác khởi sinh, cứ như thế, đối tượng cũ biến mất và đối tượng mới thế chỗ. Khi quán sát đối tượng trong khoảnh khắc hiện tại, bạn cũng thấy đối tượng xuất hiện rồi biến mất. Khi quán sát tư tưởng của bạn, bạn sẽ thấy rằng một số tư tưởng xuất hiện rồi biến mất ngay tức khắc. Chẳng hạn như tiếng tích tắc của đồng hồ. Vừa tích tắc một cái là mất liền. Nếu quán sát một cách chăm chú, tinh tế, bạn sẽ thấy rõ sự vật vừa mới khởi sinh liền biến mất ngay. Khi bạn thấy sự vật khởi sinh liền biến mất ngay thì bạn thấy được vô thường. Bởi vì cái gì bị biến mất, bị hoại diệt thì cái đó gọi là vô thường. Nếu sự vật luôn luôn trường cửu thì chúng ta phải vĩnh viễn tồn tại, nhưng chẳng có cái gì tồn tại vĩnh viễn cả. Tất cả sự vật trên thế gian đều vô thường, và vô thường là đặc tính chung của tất cả mọi đối tượng mà bạn quán sát dầu cho đó là tư tưởng hoặc cảm giác của bạn, dầu cho đó là chuyển động phồng xẹp của bụng hay hơi thở ra vào; tất cả các hiện tượng này đều có đặc tính vô thường như nhau. Khi bạn thấy đặc tính vô thường của sự vật, bạn cũng thấy được bản chất đau khổ của chúng, đau khổ có nghĩa là luôn luôn bị áp chế, đàn áp bởi sự sinh diệt. Như vậy, mọi sự vật luôn luôn đến rồi đi, đến rồi đi. Bạn sẽ thấy điều này khi bạn quán sát đối tượng. Bất kỳ đối tượng gì bạn chú tâm đến, bạn đều thấy chúng bị áp chế, bị đàn áp bởi sự sinh diệt. Một khi thấy được bản chất vô thường và khổ của sự vật thì bạn sẽ thấy chúng vô ngã. Vô ngã có nghĩa là không thể điều khiển, kiểm soát được. Sự vật đến và đi một cách tự nhiên không kiểm soát được. Chúng là những hiện tượng diễn biến mãi mãi. Vì không có bản chất, không có cốt lõi nên chúng không phải là một thực thể trường cửu, không có linh hồn, không có tự ngã. Như vậy, chỉ cần chú tâm một cách khắn khít vào đề mục, bạn sẽ thấy ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của sự vật. Đây là ba đặc tính phổ thông của các pháp hữu vi hay các hiện tượng có điều kiện. Tất cả vật chất và tâm hay các hiện tượng có điều kiện đều có ba đặc tính:
• Vô thường.
• Luôn luôn bị áp chế, bị đàn áp bởi sự sinh diệt.
• Không có bản chất. Hiểu biết ba đặc tính này là bạn đã đạt được tầng mức hiểu biết trọn vẹn thứ hai (thấy được nhân quả của sự vật, thấy được vô thường, khổ, vô ngã).
3. Loại trừ ý niệm sai lầm: Sau khi đã đạt được tầng mức thứ hai, thiền sinh sẽ đạt được hiểu biết tron vẹn thứ ba là loại trừ ý niệm sai lầm về sự vật. Trước đây, khi chưa thấy được ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của sự vật, thiền sinh nghĩ rằng sự vật là thường còn. Đây là ý niệm sai lầm hay tà kiến. Khi thiền sinh thấy được tam tướng, đạt được tầng mức hiểu biết trọn vẹn thứ hai, thiền sinh có thể loại trừ được ý niệm sai lầm này. Thiền sinh không còn thấy sự vật thường còn, tốt đẹp, toại nguyện và có bản chất. Như vậy, nhờ thấy được ba đặc tính của các pháp hữu vi hay các pháp có điều kiện, thiền sinh có thể loại trừ được ý niệm sai lầm về sự vật, không còn thấy sự vật là thường còn, đáng yêu và có bản chất nữa. Đối với những bậc thánh hữu học, những vị đạt được tầng thánh thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Đức Phật đã thường xuyên nhắc bảo là phải tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ để đạt đến mục tiêu cuối cùng là A La Hán. Lúc đó mới gọi là có sự hiểu biết trọn vẹn. Đối với các bậc A La Hán thì thế nào? Các Ngài còn phải hành thiền Tứ Niệm Xứ nữa không? Đối với những vị đã trở thành A La Hán, đã hoàn toàn thóat khỏi mọi bợn nhơ, sống đời sống thánh thiện cho đến giờ phút cuối cùng. Những vị ấy đã hoàn thành những gì cần phải hoàn thành, đã trút bỏ gánh nặng xuống, đã đạt được mục tiêu tối thượng, đã hủy diệt mọi yếu tố đưa đến sự tái sinh, đã hoàn toàn giải thóat, và có trí tuệ tuyệt hảo; thế nhưng các Ngài cũng phải tinh cần, tỉnh giác (ý thức sáng suốt), chánh niệm, định tâm vào việc trú trong thân quán sát thân, trú trong thọ quán sát thọ, trú trong tâm quán sát tâm, trú trong pháp quán sát pháp. Ở đây Đức Phật không nói đến lý do tại sao vị A La Hán phải tiếp tục hành Thiền Minh Sát, Ngài chỉ nói rằng: “Vị A La Hán phải tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ, quán sát thân, thọ, tâm, pháp”. Vị A La Hán đã loại trừ hoàn toàn mọi phiền não trong tâm, Ngài không còn tham ái, dính mắc, sân hận, phiền não. Ngài thực hành quán sát thân, thọ, tâm, pháp với tâm hoàn toàn trong sạch, không bợn nhơ. Có nghĩa là Ngài không còn dính mắc vào thân, thọ tâm, pháp. Trong bài kinh này Đức Phật đã nói: Ngay một vị A La Hán trong sạch thóat khỏi các bợn nhơ vẫn còn phải thực hành Thiền Minh Sát. Như vậy, chánh niệm dành cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ những người còn phiền não. Các Ngài A La Hán, hành thiền chánh niệm để làm gì? Trong một bài kinh khác trưởng lão Sāriputta đã dạy: “Các vị A La Hán thực hành Tứ Niệm Xứ để hưởng được sự an tịnh, hưởng quả vị A La Hán 'ngay trong kiếp sống này' và để luôn luôn có ý thức sáng suốt và chánh niệm. Mặc dầu các Ngài A La Hán không còn phiền não trong tâm, nhưng các Ngài vẫn còn đau thân, bệnh hoạn v.v… nhờ hành Thiền Minh Sát các Ngài có thể sống với cơn đau, chịu đựng được cơn đau, có thể khiến cho sự đau không trầm trọng. Hành Thiền Minh Sát cũng là cách để làm giảm cơn đau của thân. Khi Đức Phật bị bệnh nặng, Ngài cũng thực hành Thiền Minh Sát. Nhờ hành Thiền Minh Sát nên Ngài hết bệnh. Nhờ hành Thiền Minh Sát, khi đạt được tầng mức cao hơn, bạn có thể hy vọng trừ khử được một số bệnh hoạn trong thân. Trong kinh cũng nói rằng một vị A La Hán luôn luôn thực hành chánh niệm để có thể vào hưởng quả Niết Bàn (Phalasamāpatti) một cách nhanh chóng trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như khi các Ngài thuyết pháp quá mệt, các Ngài vào hưởng quả Niết Bàn, các Ngài sẽ tỉnh táo trở lại. Những vị A La Hán bận nhiều việc phải làm ở chùa chiền, không thường trực hành thiền chánh niệm thì không thể vào hưởng quả Niết Bàn một cách nhanh chóng, dễ dàng được. Như vậy, một vị A La Hán cũng còn phải hành thiền minh sát để hưởng được hương vị giải thóat ngay trong kiếp sống này. Chánh niệm của các Ngài cũng phải luôn luôn đi kèm với tỉnh giác (hiểu biết sáng suốt), và phải luôn luôn thực hành thường xuyên thì các Ngài mới vào quả Niết Bàn một cách dễ dàng, nhanh chóng. Như vậy, Thiền Minh Sát cần thiết cho tất cả mọi người. Mọi người đều phải thực hành một cách tinh tấn và nghiêm túc. Đức Phật một lần nữa vào cuối bài pháp nhắc nhở chúng ta: Người mới bước chân vào Phật Giáo hay những vị Tỳ Khưu mới tu cần phải được khuyến khích thực hành Thiền Minh Sát, có nghĩa là phải động viên, khuyến khích chọ những người mới tu thực hành Tứ Niệm Xứ. Các bạn phải luôn luôn nhớ rằng: Không những lúc còn phiền não các bạn phải hành thiền mà khi đã hết phiền não các bạn cũng phải hành thiền. Dù chưa giác ngộ hay đã giác ngộ đều phải hành thiền minh sát trong mọi lúc. Trong bài pháp này điều tôi muốn nhấn mạnh là: “hiểu biết trọn vẹn”. Hiểu biết trọn vẹn là thấy được đặc tính riêng, đặc tính chung, loại trừ ý niệm sai lầm. Ý niệm sai lầm rằng các pháp hữu vi hay vật chất và tâm là thường còn, vĩnh cửu, toại nguyện và dưới quyền điều khiển kiểm soát của mình. 1. Hiểu biết trọn vẹn đầu tiên là Nātapariññā, có nghĩa là hiểu biết trọn vẹn những gì cần phải biết đó là: hiểu biết đặc tính khác biệt của vật chất và tâm.
2. Hiểu biết trọn vẹn thứ hai là Tīraṇapariññā, có nghĩa là: hiểu biết trọn vẹn về sự truy tầm, nhưng truy tầm ở đây là truy tầm tìm kiếm đặt tính chung của vật chất và tâm, thấy rõ thực tướng của chúng: thấy rõ đặc tính nhân duyên, đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của vật chất và tâm.
3. Hiểu biết trọn vẹn thứ ba là Pahānapariññā, có nghĩa là: hiểu biết trọn vẹn về sự loại trừ: Loại trừ tà kiến hay ý niệm sai lầm rằng các pháp hữu vi hay vật chất và tâm là thường còn, vĩnh cửu, toại nguyện và dưới quyền điều khiển hay kiểm soát của mình. Như vậy, hiểu biết trọn vẹn không có nghĩa là sự hiểu biết thông thường những gì cần phải biết mà là hiểu biết chân tướng: vô thường, khổ, vô ngã của sự vật (vật chất và tâm, hay ngũ uẩn thủ).
Trích: HIỂU BIẾT TRỌN VẸN
Hòa thượng Silānanda giảng
Sư Khánh Hỷ soạn dịch | Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính