Hỏi: Giữa các vị thiền sư sống liễu liễu thường tri trong thực tánh, bản tâm và các vị niệm Phật được nhất niệm thanh tịnh, liệu hai trạng thái đó có giống nhau không khi một bên phát xuất từ tự lực và bên kia từ tha lực?
-Thường tri thuộc về tuệ giác, trong đó giác là chính; nhất niệm thuộc về định niệm (cận hành) trong đó niệm là chính, vì vậy, dĩ nhiên, tính chất không giống nhau. Tuy nhiên, không giống nhau chứ không chống trái nhau. Trong thiền vipassanā, hai yếu tố tỉnh giác (liễu liễu thường tri) và chánh niệm (nhất niệm thanh tịnh) không thể tách rởi nhau trong tiến trình tuệ giác.
Niệm Phật theo Nguyên Thủy không hề dựa vào tha lực. Niệm Phật theo Tịnh Độ tuy có dựa vào tha lực nhưng mục đích cũng vẫn dẫn về tự lực (tự tánh Di-đà duy tâm tịnh độ), nên đây chỉ là phương tiện, còn mục đích vẫn giống nhau.
Nếu hành giả do tâm quá vọng động không thể hành thiền vipassanā thì đức Phật khuyên nên bổ túc bằng pháp môn niệm Phật, khi tâm tương đối ổn định hành vipassanā sẽ được dễ dàng hơn.
***
Tiến trình tâm của các bậc định sắc giới, định vô sắc giới hay tâm siêu thế
1) Tiến trình tâm thiền thứ nhất sắc giới diễn ra như sau:
- Ý môn hướng tâm
- Chuẩn bị (parikamma): đã sẵn sàng cho tâm thiền sắc thứ nhất.
- Cận hành (upacāra): đã gần với tâm thiền sắc thứ nhất.
- Thuận thứ (anuloma): thuận dòng đi vào tâm thiền sắc thứ nhất.
- Chuyển tánh (gotrabhū): chuyển từ tâm dục giới qua tâm sắc giới.
- Thiền thứ nhất (pathama rūpa jhāna): tâm an chỉ (appanā) với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
2) Tiến trình tâm thiền thứ nhất vô sắc giới diễn ra như sau:
- Ý môn hướng tâm
- Chuẩn bị: đã sẵn sàng cho tâm thiền vô sắc thứ nhất.
- Cận hành: đã gần như tâm thiền vô sắc thứ nhất.
- Thuận thứ: thuận dòng đi vào tâm thiền vô sắc thứ nhất.
- Chuyển tánh: chuyển từ tâm sắc giới qua tâm vô sắc giới.
- Không vô biên xứ: Tâm an chỉ trong thiền vô sắc giới thứ nhất với nhất tâm và xả.
3) Tiến trình tâm siêu thế của bậc Thánh Tu-đà-hoàn diễn ra như sau:
- Chuẩn bị: đã sẵn sàng cho tâm nhập dòng siêu thế.
- Cận hành: đã gần như tâm nhập dòng siêu thế.
- Thuận thứ: thuận dòng đi vào tâm siêu thế Dự Lưu.
- Chuyển tánh: chuyển từ tâm hiệp thế qua tâm siêu thế.
- Tu-đà-hoàn Đạo: tâm chấm dứt thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, lấy Niết-bàn làm đối tượng.
- Tu-đà-hoàn Quả.
Tóm lại, nơi một pháp tùy theo loại tiến trình tâm nhận thức thuộc tưởng tri, thức tri, thắng tri, tuệ tri hay liễu tri [xem mục Nhận Thức II.2] mà thấy thực tánh hay khái niệm thị phi, thiện ác… Còn tự thân pháp ấy vẫn như nó đang là (what is being) chứ không phải như hiện tướng (that is being) được thấy là.
Trong bài kệ truyền pháp của Tổ Thiền Tông thứ 9, Buddhamitra (Phục-đà-mật-đa), cho Tổ thứ 10, Parsvika (Hiếp Tôn Giả), nói rõ:
“Chân lý bổn vô danh
Nhân danh hiển chân lý
Thọ đắc chân thực pháp
Phi chân diệc phi ngụy.”
(Chân lý vốn không tên
Nhờ tên tỏ chân lý
Nhận được pháp chân thật
Không thật cũng không giả).
Bổn pháp, vô pháp, bổn lai pháp, chân lý, chân thực pháp… là những từ khác nhau nhưng cùng chỉ cho tự thân sự thật như nó là tức thực tánh pháp (paramattha). Thực tánh pháp luôn hiện diện trước mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhưng ngay sau đó tâm trí đã biến nó thành hay qui nó vào phạm trù vật khái niệm (attha paññatti) rồi lại đặt cho nó tên gọi qua danh khái niệm (nāma paññatti). Chỉ có trí tuệ chánh niệm tỉnh giác, thâm bát-nhã, hay chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn diệu tâm mới thấy được thực tánh pháp, bằng không chúng ta chỉ thấy pháp qua phạm trù khái niệm chủ quan mà thôi. [Xem mục Đối Tượng II.3]. Trong danh khái niệm, tên gọi, ngôn ngữ, văn tự chỉ là phương tiện để diễn đạt chân lý chứ không phải tự thân chân lý ấy. Cho nên, khi thấy được thực tánh chân thật của pháp là đã vượt qua thế giới khái niệm thật giả, thị phi, sạch dơ, xấu tốt… của danh xưng, ngữ nghĩa.
Cũng với ý đó, Tổ Parsvika đã triển khai thêm trong bài kệ phó chúc cho Tổ thứ 11 Punyayasas (Phú-na-dạ-xa):
“Chân thể tự nhiên chân
Nhân chân thuyết hữu lý
Lãnh đắc chân chân pháp
Vô hành diệc vô chỉ.”
(Thể chân, chân tự nhiên
Do từ chân thuyết lý
Lãnh hội pháp chân ấy
Chẳng đi cũng chẳng dừng).
Theo thiền Nguyên Thủy thì pháp tánh (paramattha dhammatā) vốn chân nơi tánh tự nhiên của nó (sabhāva) như nó là (yathābhūtam). Đức Phật và các bậc giác ngộ từ chỗ thấy pháp chân tánh ấy (yathābhūtā ñāṇadassana) mà nói ra để chỉ bày sự thật chứ không phải các ngài tự ý đặt ra triết thuyết theo quan điểm riêng tư của mình.
Toàn bộ Giáo Pháp do chính đức Phật dạy (Buddhasāsana) là ngón tay chỉ mặt trăng chân lý tự nhiên ấy (nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ). Và trong Majjhima Nikāya chính đức Thế Tôn xác định rằng: “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời thì pháp vẫn vậy”. Các pháp vốn chân trong chân tánh tự nhiên và tự nội nhưng tùy cái nhìn của mỗi người mà có đúng có sai, có cấu có tịnh. Thực ra, như đức Phật dạy khi tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh, cho nên khi đã thấy pháp tự nhiên chân ấy rồi thì không còn đi hay dừng nữa.
Một hôm có người đạo sĩ đến hỏi đức Phật làm thế nào thoát khỏi bộc lưu (luân hồi sinh tử ví như dòng nước chảy cuồn cuộn). Đức Phật trả lời: “Như lai không bước tới không dừng lại mà thoát khỏi bộc lưu”. Đạo sĩ không hiểu, hỏi vì sao. Đức Phật nói: “Vì bước tới thì bị cuốn trôi, dừng lại thì bị chìm đắm”. (Saṃyutta Nikāya).
Chúng ta luôn bất mãn với hiện tại và cố tiến về phía trước để nắm bắt một lý tưởng, một sở cầu, sở nguyện, sở đắc nào đó, và dĩ nhiên nó chỉ là phóng ảnh ở tương lai của lòng dục vọng. Chính lòng dục vọng này cuốn trôi chúng ta vào dòng lũ của tử sinh luân hồi. Hoặc ngược lại, chúng ta say đắm trong hiện tại, chỉ lo hưởng thụ những đối tượng ưa thích rồi chấp giữ, dính mắc và đắm chìm, sa đọa. Người giác ngộ, đã thấy chân chân pháp hay pháp chân đế (paramattha sacca) thì luôn sống thuận pháp (dhammānudhamma paṭipanno viharati) nên không cần phải bước tới mà cũng không dừng lại bất cứ nơi nào trên dòng sự sống vốn trôi chảy không ngừng.
Trích: Thiền Phật Giáo - Nguyên Thủy và Phát Triển
Tác giả: Viên Minh