Làm sao sử dụng được Tánh Biết
Hỏi: Kính thưa Sư Ông, làm sao để tánh biết hoạt động tự nhiên - tùy duyên thuận Pháp? Hay có thể sử dụng được tánh biết không?
- Tánh biết vốn tự nhiên và tự động soi chiếu, nên không thể dụng ý như trong ý thức thuộc tướng biết được. Lúc đầu người ta sống với tướng biết - gọi là tri kiến - qua trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc sống của 6 thức. Nhưng tri kiến luôn bị giới hạn trong nhận thức giữa căn và trần nên có khi đúng khi sai khi tốt khi xấu... mà hầu hết dựa trên những khái niệm tục đế, nhờ lúc giới tịnh, tâm tịnh mà có kiến tịnh.
Và nhờ kiến tịnh mà không còn nghi hoặc tức đoạn nghi tịnh. Rồi trải qua hành trình thận trọng chú tâm quan sát của kiến tịnh mà thấy được đâu là tục đế đâu là chân đế, tức đạo phi đạo tri kiến tịnh, từ đó bắt đầu biết sống trung thực với chân đế, đó là hành đạo tri kiến tịnh. Cho đến một lúc hoát nhiên tâm địa rỗng không như bầu trời quang tạnh, lúc đó bỗng tri kiến thanh tịnh, tướng biết thoát khỏi bản ngã lý trí, vọng thức mà Krishnamurti gọi là "bặt dứt cái Ta tư tưởng".
Ban đầu tri kiến vẫn còn năng tri và sở tri, tức còn người biết và đối tượng để biết. Nhưng khi tri kiến thanh tịnh, tức thấy biết như thật (trong thấy chỉ thấy, trong biết chỉ biết...), không còn khởi lên “cái Ta” muốn thấy biết, thì đó là “trạm xe” cuối, nơi đây cần một bước nhảy “bách xích can đầu tấn nhất bộ” nữa mới “Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu”. Lúc mà tâm rỗng lặng trong sáng, không muốn biết mà vẫn biết, không muốn thấy mà vẫn thấy v.v... đơn giản chỉ thấy biết mà không tham ưu, không bám víu, không nương tựa vào ý muốn thấy muốn biết... thì lục căn liền thanh tịnh, hoàn toàn buông xả, chính lúc đó tánh biết vô cùng rực rỡ mà đức Phật gọi là Tâm Chói Sáng (Pabhassara Citta) an nhiên tịch tịnh. Đức Phật dạy chư vị Tỷ-kheo (Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm 10: Đặt sai hướng) rằng tâm này vốn chói sáng nhưng kẻ vô văn phàm phu không thấy được tâm chói sáng đó, nên lục căn chỉ biết hướng ra bên ngoài tìm cầu lục trần mà phát sinh tham sân, chấp thủ… để rồi chính những cấu uế này làm cho ô nhiễm. Còn bậc thiện trí nhờ thấy được tâm chói sáng này nên không bị cấu uế bên ngoài làm cho ô nhiễm.
Như vậy, Khi tướng biết lặng yên - tri kiến thanh tịnh - không còn năng tri (ta) sở tri (của ta), “tự nhiên vô tâm" thì ngay đó Tánh Biết hay Pabhassara Citta chói sáng hồn nhiên, thong dong tự tại. Đó cũng chính là Pháp nhãn ly trần vô cấu.
"Thị pháp trụ pháp vị"
Hỏi: Dạ thưa thầy con hiểu lời thầy khai thị Tánh Biết hay Tánh Giác ở mỗi người đã có sẵn, con ví dụ như tánh biết là đài sen và bản ngã huân tập lâu đời do vô minh là những cánh hoa sen, vậy tu là chỉ thấy bản ngã rơi rụng hết như những cánh sen thì Tánh Giác tự hiển lộ là đài sen, con hiểu như vậy đúng không thưa Thầy?
- Phải, chính là bản ngã rơi rụng. Tuy nhiên rơi rụng của cánh sen khác với rơi rụng của bản ngã. Thật ra bản ngã không rơi rụng mà nó tự biến mất khi trí tuệ soi chiếu, vì nó chỉ là ảo tưởng, không có thật, như hoa đốm giữa hư không, chỉ khi mắt bệnh mới thấy, khi mắt sáng thì nó liền tự tiêu. Do đó chỉ cần thấy ra bản ngã là ảo chứ không cần dụng công loại bỏ nó vì cái gì ảo thì sẽ tự biến mất. Có 2 cách tu:
• Lấy pháp này bỏ pháp kia để chọn lựa cho mình một sở đắc lý tưởng rồi bám trụ vào đó.
• Thấy tất cả pháp như nó là - đúng với tánh tướng thể dụng của nó - mà không chấp thủ pháp nào.
Cách tu thứ nhất ví như người loại bỏ bùn dơ, chỉ lấy cành sen, bỏ hết đất phân chỉ lấy hoa trái, mà không biết rằng nhờ phân bón, bung dơ mới có hoa có trái. Cách tu thứ hai ví như người biết rõ tính chất của bùn dơ, biết rõ tính chất của hoa sen, biết rõ phân đất để ươm bón hoa trái, mỗi mỗi đều có vị trí hữu dụng của nó. Đó chính là người giác ngộ vạn pháp, mà không vướng mắc vào pháp nào chứ không dụng tâm phân biệt lấy bỏ. Nên người xưa có câu: "Thị pháp trụ pháp vị chư Phật thường hiện tiền" ý nói rằng thấy pháp nào đúng thời vị tính của nó tức là giác ngộ. Đức Phật dạy giác ngộ là thấy rõ sự sinh, sự diệt, vị ngọt, mối nguy hại của các pháp từ đó mới xuất ly, không bị ràng buộc hay bám trụ vào bất cứ pháp nào.
Những thứ mình cho là phải tiêu diệt như bản ngã vô minh ái dục thật ra nó cũng có công dụng rất kỳ diệu của nó. Nhờ động lực vô minh ái dục mà bản ngã luôn tìm tòi khám phá để rồi khi thấy ra Sự Thật thì bản ngã vô minh ái dục cũng tự biến mất. Giống như đứa bé tò mò nghịch ngợm mà ngày mỗi khôn lớn, như trứng, sâu, kén, nhộng dần biến mất để bướm vươn cánh bay cao... Vô minh ái dục cũng vậy, nó tự hủy diệt dần trong quá trình khám phá của mình để cho Minh Hạnh viên mãn. Thấy vô minh ái dục đúng như nó là chính là Minh, là “Thị Pháp trụ Pháp vị” vậy.
Sự khác biệt giữa chánh niệm tỉnh giác với ý thức
Hỏi: Kính xin Thầy chỉ dạy cách điều chỉnh tập khí ngủ ngầm mà trong tu tập chúng con thường bị nó gạt nhiều lần. Ví dụ như người bị nghiện rượu đã biết uống rượu không tốt nên quyết tâm bỏ rượu. Vì bị tập khí ngủ ngầm lừa gạt nên anh ta không thể bỏ uống rượu?
- Chủ đích của Đạo Phật là giác ngộ Sự Thật, nên thấy ra thực tại thân thọ tâm pháp là chính. Thái độ và trạng thái tâm quan hệ giữa mình với vạn pháp xung quanh như thế nào đều thấy ra, nên trong Bát Chánh Đạo Chánh Kiến dẫn đầu. Khi chưa thấy ra Sự Thật, cái cho là hay hoặc dở cũng chỉ là theo ý mình thôi. Nếu chỉ lo chế ngự hay đối trị thì không tới đâu vì chưa thấy ra Sự Thật thì vẫn bị bản ngã lừa gạt. Ví dụ như người nghiện rượu biết quan sát thấy rõ hết tất cả tai hại của rượu, tai hại cho bản thân mình và người xung quanh thì sẽ dễ dàng thoát khỏi hơn là cố gắng chế ngự hay dùng biện pháp đối trị. Những biện pháp này chỉ là tạm thời không dứt hẳn được, chỉ có trí tuệ mới cắt đứt phiền não nhất là phiền não ngủ ngầm.
Có những điều đã gieo biết bao lần vào tiềm thức, gọi là những tập khí vô thức, bây giờ chúng xuất hiện như những xung lực sai khiến hành động một cách vô thức. Như câu chuyện một người bỏ hút thuốc thời gian khá lâu. Một hôm, vợ anh ta thử để điếu thuốc và hộp diêm trên mâm cơm, khi ăn cơm xong anh ta cầm điếu thuốc lên. Bà vợ hỏi “anh hút thuốc hả?”, anh mới giựt mình biết đã bị thói quen vô thức sai khiến. Giựt mình như thế chính là trở về tỉnh thức với thực tại đang là.
Có trở về tỉnh thức mới thấy ra sự thật và có sự chuyển hóa. Còn dùng biện pháp đối trị, dùng ý chí để vượt qua chỉ là dồn nén nó thành tập khí trong vô thức mà thôi. Thay vì cố loại bỏ một thói quen đã thành tập khí ngủ ngầm trong vô thức bằng cách dồn nén nó ngày càng sâu hơn vào tiềm thức thì nên quan sát nó một cách toàn diện để nó tự hoá giải. Đó chính là sự ưu việt của tính trở về trọn vẹn tỉnh thức trong thiền Minh Sát (Vipassanā).
Hỏi: Xin Thầy chỉ dạy rõ thêm, anh chàng uống rượu này biết sự tai hại của rượu, khi anh đi qua quán rượu mà không vào, anh cảm thấy mình đã chiến thắng, mừng quá anh quay lại quán rượu để thưởng cho sự chiến thắng của mình một chén. Thế là lại bị phiền não ngủ ngầm che lấp. Liên hệ đến lời Phật dạy trong Kinh Bộ Nikāya rằng "thêm một chút để nhổ gốc rễ ra" con chưa hiểu thêm một chút là gì, xin Thầy chỉ dạy?
- Qua điều này cho thấy sự khác biệt giữa tinh tấn chánh niệm tỉnh giác với ý thức hành vi đạo đức mang tính khái niệm tục đế. Anh ta có thể ý thức được sự tai hại cho bản ngã theo quan niệm tục đế, nhưng chưa có chánh niệm tỉnh giác để thấy ra thực tánh chân đế ngay nơi thân thọ tâm pháp khi đang uống rượu. Như vậy, ý thức theo quan niệm đạo đức ở đời chỉ giới hạn qua kiến thức vay mượn chứ chưa thực sự có tri kiến chân thực. Như người ta thường nói "con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được", bởi vì lý trí chỉ hiểu theo bình diện kiến thức, quan niệm sống ở đời.
Anh này chưa thật sự thấy ra tận gốc bản chất sự thật ngay nơi sự trải nghiệm uống rượu, hay những cảm giác thật sự như thế nào mà chỉ phán đoán trên quan niệm, kiến thức qui chiếu theo mô hình đạo đức xã hội mà thôi. Nếu không thấy ra sự khác biệt này, thì tưởng đã hiểu biết cách vượt qua (thắng giải) trong tu tập nhưng trên thực tế vẫn loay hoay trong tục đế, không thể nào giác ngộ Chân Đế. Thêm một chút chính là bước nhảy từ nhận thức tục đế qua trực nhận chân đế thì mới nhổ tận gốc rễ.
Nếu anh này bỏ được rượu thì đứng về phương diện tục đế anh đã thành công, và cảm thấy hãnh diện rằng mình đã chiến thắng, đã tu hành tiến bộ, nhưng về phương diện chân đế thì vô tình bản ngã lại chỉ tăng lên chứ chưa hề chuyển hoá. Đó là hướng tu mong tiểu ngã bất toàn trở thành đại ngã hoàn hảo, chứ không phải thấy ra vô ngã. Đây là chỗ cốt lõi mà người tu Phật cần thấy ra, nếu không thêm một chút thấy ra đó thôi thì sẽ cứ mãi lăng xăng trong khuôn khổ đạo đức tục đế, khó mà giác ngộ được sinh tử đại sự, dù có tu lên tột đĩnh Tam giới thì vẫn trong ngôi nhà lửa – vô minh ái dục, phiền não khổ đau.
Luân hồi chính là bỏ được cái này rồi lại vướng vào cái khác vi tế hơn, khó thấy hơn. Đừng nhầm lẫn cái thấy thực tánh chân đế của tinh tấn chánh niệm tỉnh giác với cái thấy của ý thức theo quan niệm tục đế vay mượn bên ngoài. Hầu hết sai lầm của người tu là áp dụng kiến thức vay mượn như kiến thức Phật học hoặc kiến thức Thần học chứ không phải trí tuệ khám phá sự thật một cách trực tiếp, sáng tạo – luôn uyển chuyển và mới mẻ. Thí dụ, có những giáo lý chủ trương giết hết kẻ không theo đạo mình càng nhiều càng lập công để được cứu rỗi, thế là những người chấp “Tôn giáo của mình” cứ áp dụng như thế mà giết người vô tội vạ. Đó là tu theo giáo thuyết chứ không tu theo lương tâm để thấy ra sự thật. Do vậy biết bao người tu nỗ lực dụng công rất nhiều nhưng thật ra chỉ loay hoay trong vòng tục đế, không thêm chút nữa để thoát khỏi vòng kim cô của bản ngã lý trí này thì biết bao giờ mới giác ngộ giải thoát đây!