Trà Đạo ngày 08.08.2017 (Đức Tin - Mục đích chính của người tu)
- Theo nguyên lý thì tụng gì không thành vấn đề, miễn khi tụng tập trung được tâm ý thì đều có năng lực. Sự tập trung này phần lớn có được nhờ đức tin vào tha lực. Luyện bùa, trì Chú, thôi miên, niệm Phật, niệm Chúa, thiền định, thần thông v.v… cũng đều cần có sức mạnh tập trung mới thành tựu. Tưởng đó là nhờ tha lực nhưng sức mạnh đó chính là do “nội lực tự sinh” mà có. Thực ra, tự lực và tha lực cũng chỉ là một khi đi đến tận cùng.
- Niệm Phật, niệm Chú hay tu bất cứ phương pháp nào cũng chỉ là phương tiện giúp tâm bớt vọng động mà thôi, vọng động thì sinh tội lỗi, tội lỗi thì bất an, đau khổ, nên khi hết vọng động thì tâm trở lại bình thường, không còn bất an đau khổ nữa. Phương tiện giống như những toa thuốc chữa bệnh, tùy bệnh mà uống thuốc. Khi đã hết bệnh thì phải ngưng uống thuốc. Cũng vậy, khi tâm đã tịnh, trở lại bình thường tội chướng đã trừ thì còn dùng phương tiện niệm Phật, trì Chú làm gì nữa. Tội tiêu, tâm tịnh đã là phước báu lớn lao nhất rồi, còn niệm Phật, trì Chú để cầu phước làm gì, như vậy chẳng phải kẹt vào phương tiện sao?
Mục đích chính của người tu
Hỏi: Thưa Thầy khi một tâm khởi lên con quán xét xem tâm đó do vô minh ái dục, bản năng hay trí tuệ. Khi nhìn sâu con thấy nền tảng của nó ít nhiều đều có tham sân si. Nhờ quán sát như vậy con thấy tâm mình không thiện như con nghĩ, con có nên tiếp tục quan sát như vậy để nhìn thấy rõ tâm mình không ạ?
- Tất nhiên là rất nên. Mục đích chính của người tu là thấy ra Sự Thật. Mọi hoạt động diễn biến nơi thân, thọ, tâm, pháp đều giúp con thấy ra Sự Thật. Chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát thực tại thân-tâm-cảnh một cách tự nhiên thì có thể thấy rõ chính mình. Đầu tiên là thấy ra tham sân si, thấy ra những sai xấu, dần dần thấy ra nguyên nhân của những phiền não khổ đau. Thời kỳ đầu tuy chỉ thấy toàn những sai xấu, nên cảm thấy bất an, tự ti mặc cảm và lo âu sợ hãi nhưng nhờ vậy cái thấy ngày càng sáng ra. Khi tánh biết toả sáng thì tham sân si bắt đầu đoạn giảm, ngày càng thấy rõ sự sinh diệt, nhân quả của các pháp đến đi, rồi thấy được vị ngọt và sự nguy hại của nó nên không còn bám víu, dính mắc vào cái thích cái ghét, cái được cái mất, cái vui cái khổ nữa.
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 08.08.2017