Dạy cho con trẻ tạo thiện nghiệp
Tăng cường khả năng miễn dịch của xã hội: Làm cha mẹ, chúng ta không chỉ muốn con cái của chúng ta thành công, mà còn có một cuộc sống hạnh phúc và đạo đức.
Sẽ vô nghĩa nếu con cái chúng ta vẫn còn chịu dày vò bởi đau khổ hoặc sống một cuộc sống đồi bại và chìm đắm trong trụy lạc - cho dẫu của cải của chúng nhiều đến mấy đi nữa. Nhưng sống một cuộc sống đạo đức và hạnh phúc thật chẳng dễ chút nào trong thời đại hiện nay.
Giới trẻ cần phải được “chủng ngừa” để miễn nhiễm với đủ loại tệ nạn xã hội, để không bị lôi kéo vào con đường sai trái. Chúng cũng cần phải học để suy nghĩ, tìm kiếm những tấm gương đạo đức để noi theo để có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Kiến thức giúp con trẻ thông minh. Nhưng nếu bạn muốn các con của bạn được hạnh phúc và có một cuộc sống tốt lành, bạn cần phải dạy cho chúng hiểu phước báu hay công đức là gì, bởi vì điều này có thể giúp con của bạn tránh xa tất cả các loại tệ nạn. Nó có thể giúp con của bạn giải quyết và đối phó với các vấn đề của cuộc sống cũng như dưỡng nuôi tinh thần của mình với niềm hạnh phúc và sự bình an nội tại.
Tạo phước báu hay công đức là một sự lau chùi. Trước hết, nó “làm sạch” việc làm của chúng ta nhờ vậy chúng ta có thể sống một cuộc sống đạo đức đem lại lợi lạc cho chính chúng ta và cho người khác. Kế đó, nó lau chùi tâm của con người giúp chúng ta thoát khỏi những phiền muộn và những ham muốn. Nhờ đó, chúng ta có thể tu tập để có một cái tâm sáng suốt, không để cho các xung động tình cảm điều khiển hoặc chi phối chúng ta.
Tạo thiện nghiệp cũng có nghĩa là có được những cảm giác hạnh phúc đến từ làm những việc tốt đẹp. Người cho có được hạnh phúc: Chúng ta bắt đầu có được phước báu khi chúng ta biết cách để cho ra. Cho, tặng, bố thí hay "dana", giúp xóa bỏ cái thói quen xem cái tôi của chúng ta là trung tâm của vũ trụ. Cái tâm luôn luôn có khuynh hướng nắm giữ là một cái tâm hẹp hòi và ích kỷ, nó làm cho con người có cái tâm đó khó thương và khó có được hạnh phúc.
Trẻ em lớn lên trong sự an vui bởi vì chúng nhận được những gì chúng cần từ những người chung quanh ngay từ khi chúng mới được sinh ra. Nếu chúng không học cách để cho, chúng sẽ tin rằng chúng luôn có quyền để có được mọi thứ từ người khác. Trẻ em nên học để hiểu rằng sống có nghĩa là cho và nhận. Chúng có thể học bài học này từ cây cối. Thí dụ: Cây hút dưỡng chất và nước từ đất, nhưng đáp lại nó cũng cung cấp độ ẩm cho đất và lá khô là một thứ phân bón cho đất.
Nhưng cho không có nghĩa là một sự trao đổi hoặc một nghĩa vụ. Quan trọng của việc cho là nó đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Dạy cho con trẻ biết cho có nghĩa là dạy cho chúng tìm hạnh phúc từ chính sự rộng lượng của chúng. Tất cả trẻ em nên học để biết rằng người cho là người được hạnh phúc, và đây là một sự thật.
Đây là lý do tại sao các bậc cha mẹ thuở xưa thường đưa con trẻ đến chùa để cúng dường cho các tu sĩ để tập cho chúng để sau này khi lớn lên, chúng sẽ mong muốn được tự mình làm lấy công việc tốt đẹp này.
Chúng ta được phước báu khi cúng dường đến chư Tăng, nhưng phước báu cũng có được từ việc giúp đỡ những người kém may mắn. Trẻ em có thể tạo phước bằng cách cho những món đồ chơi của mình cho các trẻ em nghèo hoặc ủng hộ tiền bạc cho những người tàn tật. Ngoài việc bố thí tiền bạc và của cải vật chất, trả lại cuộc sống cho loài vật cũng là một việc làm để tích tạo thiện nghiệp. Làm những việc tốt đẹp tuy đơn giản như giải thoát những con cá bị mắc cạn trong bùn và thả chúng lại sông, rạch hoặc tưới nước cho cây cối đang héo cũng là những cách để tạo thiện nghiệp.
Làm cho bộ mặt của thế giới tốt đẹp hơn bằng sự rộng lượng: Hãy dạy cho con trẻ rằng cái mà chúng cho hoặc giá trị của vật cho là bao nhiêu thì không quan trọng bằng sự quan tâm, ân cần. Bạn sẽ thực sự giúp ích cho con của bạn nếu bạn dạy chúng rằng ngay cả khi khả năng và tiền bạc của chúng bị hạn chế, chúng vẫn có thể tạo những thiện nghiệp lớn lao ngang bằng với người lớn nếu chúng có sự quan tâm, ân cần. Bạn nên dạy cho con của bạn rằng phẩm chất của con người của chúng ta không được đo bằng tuổi tác, sự thành công hay danh tiếng, mà bằng phẩm chất của trái tim của chúng ta.
Dành thời gian và sức lực để giúp đỡ những người khác cũng là một việc để tạo công đức: Trẻ em nên biết rằng chúng có thể tạo loại thiện nghiệp này trong đời sống hàng ngày của chúng. Ví dụ, nhặt các mảnh kính vỡ hoặc nhặt rác, giúp đỡ công việc trong nhà trường, mang vác đồ đạc cho người cao tuổi, giúp người mù băng qua đường, trồng cây ở các khu vực công cộng hoặc làm các công việc vặt trong nhà.
Không lợi dụng, bóc lột người khác: Để giúp đỡ người khác, khởi sự chúng ta phải đảm bảo rằng hành vi của chúng ta không gây hại cho họ. Hành vi có hại bao gồm giết người, trộm cắp, tà hạnh, xâm phạm những gì mà người khác trân quý, hoặc nghiện những chất say. Thiện nghiệp từ việc tự kiềm chế những hành động này được gọi là Sìla, Giới (đạo đức, đức hạnh) trong Phật giáo.
Bằng cách dạy cho con trẻ không lợi dụng, bóc lột người khác, bạn xây dựng cho chúng họ một hàng rào để tự bảo vệ, vì một lỗi lầm tuy đơn giản nhưng vẫn có thể dẫn đến một thảm kịch. Bạn không nên duy trì thái độ thụ động nếu con bạn phạm những lỗi lầm xem ra không đáng kể, chẳng hạn như lấy cắp viết của bạn bè, chép bài tập về nhà của bạn chúng, gian lận trong các kỳ thi hoặc giết hại kiến và sâu.
Việc tốt không chỉ ngăn chúng ta lợi dụng, bóc lột người khác, mà còn ngăn chúng ta không tự lợi dụng, bóc lột chính bản thân mình. Những người làm việc tốt mang lại hạnh phúc không chỉ riêng cho bản thân họ mà cho cả những người xung quanh.
Tiêu thụ một cách khôn ngoan hoặc đơn giản cũng là một phần của đạo đức Phật giáo. Chúng ta không nên thái quá trong việc ăn uống và sinh hoạt của chúng ta. Chúng ta nên ăn thức ăn bổ dưỡng và không để cho sự tham lam gây tổn hại cho cơ thể chúng ta. Điều này bao gồm việc sử dụng công nghệ một cách đúng đắn. Thí dụ, trẻ em nên tìm hiểu làm thế nào để sử dụng điện thoại di động chỉ khi nào thật cần thiết, xem truyền hình chỉ sau khi đã làm xong bài tập ở nhà, hoặc chơi các trò chơi (games) chừng mực, vừa phải. Trẻ em cũng nên học cách tiết kiệm, không phô trương sự giàu có, không tiêu xài phung phí cũng như không nghiện mua sắm hoặc nghiện các tệ nạn như cờ bạc và giải trí ban đêm.
Làm việc tốt với trái tim của bạn: Chúng ta có thể tạo công đức bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu, cho dẫu chúng ta có hoặc không có tiền. Chúng ta có thể tạo công đức mà chẳng phải làm bất cứ việc gì nếu chúng ta huấn luyện tâm của chúng ta đúng cách để nó tạo ra những cảm xúc tích cực như hoan hỷ với sự may mắn của người khác - không ghen tị.
Dạy cho con của bạn làm thế nào để sống hạnh phúc vì những người khác sẽ tặng lại cho chúng những hạt giống của từ tâm.
Trẻ em cũng cần được dạy không nỗ lực để làm việc tốt một mình, mà nên chia sẻ cơ hội để cho những người khác cùng tham gia. Mong muốn những người chung quanh cùng chia sẻ phước báu từ những việc làm tốt lành tự nó cũng là một thiện nghiệp.
Khiêm tốn cũng là một cách để tạo thiện nghiệp: Trẻ em nên được dạy không được khinh thường người khác chỉ vì họ nhỏ tuổi hơn, ít học hơn hoặc nghèo hơn. Chúng cũng nên được dạy không được cư xử hống hách với những người giúp việc trong gia đình. Khiêm tốn là một thiện nghiệp bao gồm cả việc không có thành kiến đối với những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau.
Làm việc tốt với trái tim của chúng ta tạo cho chúng ta một cái tâm tích cực và hạnh phúc. Ghen tị và kiêu ngạo, trong khi đó, đưa đến sự lo lắng và căng thẳng. Chúng ta nên dạy cho trẻ em cách huấn luyện tâm của chúng để chúng có thể đối phó một cách khéo léo với những tác nhân kích thích bên ngoài ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng.
Huấn luyện để có một cái tâm định tĩnh: Thiền làm dịu tâm do dập tắt sân hận một cách hiệu quả. Khởi đầu, trẻ em cần được dạy thở vào chậm, sâu ít nhất từ 4 đến 5 lần mỗi khi chúng cảm thấy tức giận. Nhưng thiền định chỉ có hiệu quả khi được thực tập thường xuyên như là một phần của cuộc sống hàng ngày. Các phương pháp có khác nhau. Ví dụ, tập trung vào hơi thở vào và ra, hoặc đi bộ chậm rãi trong sự bình tĩnh. Sẽ có hiệu quả hơn nếu cha mẹ cùng tham gia thiền tập với con mình. Chỉ cần năm phút thực hành mỗi ngày sẽ làm nên điều kỳ diệu trong việc phát triển tâm linh của bạn và con của bạn.
Đối với trẻ nhỏ, trò chơi cũng có lợi. Ví dụ, trò chơi rô bô. Hãy bảo trẻ em để vận động từng phần riêng biệt của cơ thể một cách chậm rãi giống như một rô bô. Quy luật là chúng phải quan sát tất cả các cảm giác sinh khởi trong khi vận động. Phương pháp này tạo niềm vui trong việc giúp trẻ em học để trau dồi sự định tâm cũng như ý thức đối với cơ thể của chúng.
Trên thực tế, chúng ta có thể thiền tập với mọi hoạt động của chúng ta. Chúng ta có thể dạy cho con của chúng ta giữ chánh niệm khi đánh răng, rửa chén, hoặc làm bài tập ỏ nhà. Chúng ta cũng nên dạy cho chúng mỗi lúc chỉ làm một việc. Thí dụ, không ăn và đọc sách cùng một lúc. Điều này có thể giúp tăng cường khả năng tập trung của chúng.
Trước khi ngủ là thời điểm tốt để dạy trẻ em trau dồi sự định tâm cũng như sự điềm tĩnh. Điều này có thể được thực hiện qua lời những cầu nguyện đơn giản, sau khi đã bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật, Pháp (giáo lý của Ngài) và Tăng đoàn (cộng đồng các nhà sư), và sau đó đến cha mẹ và thầy cô. Trẻ em nên giữ tâm trí của chúng yên tĩnh một lúc trước khi ngủ. Rải tâm từ là một cách huấn luyện tâm hiệu quả do có thể bảo vệ mình khỏi sự tức giận. Sân hận tích lũy lâu ngày giống như lửa đốt cháy trái tim của chúng ta. Cha mẹ nên dạy trẻ em để ban rải lòng tốt và tâm từ trườc khi ngủ.
Nuôi dưỡng lòng từ cũng có thể tu tập qua việc thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn người khác và những thứ xung quanh chúng ta. Trẻ em cần được dạy không chỉ biết ơn cha mẹ và thầy cô của mình, mà còn biết ơn người giúp việc, lái xe, lao công v.v…, những người giúp đỡ để đảm bảo cho các em một cuộc sống thuận lợi, dễ dàng. Các em cũng nên học cách biết ơn ngay cả đến cây cối, núi, biển, cũng như những thứ mà chúng sử dụng như bút chì, túi xách, chăn, ô tô, v.v …Điều này giúp các em phát triển tính hòa nhã, quan tâm đến môi trường và biết sống căn cơ.
Nếu con bạn sống chẳng cần quan tâm đến ai , hãy dạy cho chúng tưới cây hoặc nuôi một con thú cưng và dạy cho chúng chúc lành cho cây trồng và thú cưng của chúng được hạnh phúc và tránh khỏi mọi đau khổ. Nếu chúng làm điều này thường xuyên mỗi buổi sáng và buổi tối, trái tim của chúng sẽ tràn đầy lòng từ bi.
Ban rải lòng từ là một công đức lớn. Đức Phật dạy rằng các phước báu mà nó mang lại còn lớn hơn cúng dường cho Đức Phật hay cho 100 vị tu sĩ đã giác ngộ. Được như vậy là vì đó là một hành động trực tiếp làm cho tâm trí của một người trở nên tích cực.
Dạy cho con trẻ có chánh kiến: Sau khi huấn luyện tâm định tĩnh , bước tiếp theo là rèn luyện để nó có được trí tuệ hay có chánh kiến. Con của bạn nên học để biết cách dùng thiện tâm thay vì để cái tâm thích và không thích hướng dẫn hành động của chúng. Chúng nên được dạy rằng khi bị la rầy, quở trách, ngay cả khi chúng không vui về chuyện đó, chúng nên suy nghĩ để hiểu rằng việc bị la rầy, quở trách như vậy là đúng hay sai. Thái độ này sẽ giúp làm cho chúng bớt buồn khổ và chúng có được sự lợi lạc từ việc bị la rầy, quở trách.
Tương tự như vậy, trẻ em nên sớm học để hiểu rằng khi ăn, chúng không nên đi tìm những món hợp khẩu vị mà tìm những món bổ dưỡng cho cơ thể đồng thời cũng là những món ăn giúp tiết kiệm. Suy nghĩ đúng đắn này giúp con trẻ học cách tiêu thụ đúng và giúp chúng không bị nô lệ vào chủ nghĩa tiêu thụ.
Chánh kiến có thể tu tập bằng cách cho con bạn tiếp cận với những thông tin hữu ích. Bạn nên giúp con mình nghe những hướng dẫn hữu ích, đọc những quyển sách hữu ích hoặc xem các chương trình truyền hình hữu ích. Bạn cũng nên cùng với con trẻ xem truyền hình để có thể cung cấp cho chúng những hướng dẫn phù hợp.
Dạy cho con của bạn làm việc tốt tự nó là một hành động tạo phước báu. Nếu chúng nghe theo lời dạy của bạn, có nghĩa là chúng đang tham gia vào việc tạo thiện nghiệp của bạn.
Tạo thiện nghiện là một cách làm cho tâm của chúng ta thanh tịnh, trong sáng, định tĩnh và tràn đầy niềm hỷ lạc thật sự. Có thể bạn sẵn sàng cung cấp cho con trẻ tất cả các của cải vật chất mà chúng muốn hoặc cần. Nhưng có một điều bạn không thể quên là phải dạy cho chúng biết những gì mang lại thiện nghiệp hay công đức, và giúp chúng sống một cuộc sống đầy đủ phước báu.
Như vậy, bạn có thể trao lại cho con mình một di sản lớn lao biết bao!
10 CÁCH TẠO THIỆN NGHIỆP
1. Bố thì tiền bạc hoặc của cải.
2. Nuôi dưỡng lòng quảng đại và tránh làm điều ác.
3. Giữ tâm định tĩnh.
4. Hy sinh thời gian và sức lực của mình cho người khác
5. Khiêm tốn.
6. Đánh giá cao những thành công, việc làm tốt của người khác.
7. Giúp người khác làm tốt công việc của họ hoặc chia sẻ với họ công đức của chính mình
8. Nghe Pháp hoặc nghe những tư tưởng đẹp
9. Bố thí Pháp hoặc những tư tưởng đẹp cho người khác.
10. Suy nghĩ đúng đắn phù hợp với đạo đức
Theo: Teaching children to make merit
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Panna Dipa Tuệ Đăng