Câu hỏi: Khi quán cảm giác như một khối bột rã ra và tan nhanh, có khi như bọt nước, đôi khi như dòng sông có sóng cuồn cuộn tan biến được lặp đi lặp lại nhiều lần. Thưa Ngài, những hiện tượng này cũng chỉ là quán Thọ phải không và hay những sự ghi nhận trên được tăng trưởng thành quán Tâm hay quán Pháp?
Trả lời: Ottamasara Sayadaw
Theo sự hiểu biết của tôi về bốn đề mục thiền tập thì mặc dù chánh niệm trên đối tượng khác nhau, nhưng sự thực hành thì đều giống nhau. Sự khác nhau đó không quan trọng. Khi chúng ta nghe pháp hay học từ các vị thiền sư hoặc đọc sách về niệm Thân, Thọ, Tâm hay Pháp, tùy hiểu biết của mỗi người mà có cái hiểu khác nhau.
Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần để tâm đến là “những gì đang sinh khởi trên thân và tâm ngay trong giây phút hiện tại”, chứ không phải là niệm Thân, Thọ, Tâm hay Pháp. Ghi nhận được bản chất thực ở thân tâm, đấy mới là điều quan trọng nhất. Và sau khi theo dõi chúng ta sẽ hiểu và không có đánh giá cái này, cái kia, phương pháp này hay phương pháp khác nữa. Chúng ta chỉ thấy có một hiện tượng sinh và diệt của thân và tâm mà thôi. Theo tục đế, có tên gọi khác nhau, tuy nhiên khi hành thiền chúng ta để tâm, chú ý đến hiện tượng sinh diệt. Để tâm đến thân xem thân đang sanh khởi những gì, cảm giác cứng, mềm, v.v… là đặc tính của đất. Thấy được các đặc tính này thì gọi là niệm thân. Trên thân sinh khởi những thọ khổ hoặc thọ lạc, xuất hiện cảm giác thích thú an lạc khi ngồi thì chúng ta hay biết những cảm giác đó như chúng đang xảy ra. Và ngay cả khi không có cảm giác nào nổi trội thì lúc đó có thọ xả. Mặc dù thọ xả không nổi trội rõ rệt nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận như nó đang xảy ra.
Khi chúng ta không chánh niệm trên thọ khổ hay thọ lạc thì tâm sẽ sanh khởi thọ khổ. Tâm sẽ sanh khởi cảm thọ khó chịu khi thân có những đau nhức. Muốn cái đau giảm đi mà không được thì tâm sẽ phản ứng rất khó chịu. Cho nên dù là bất kỳ thọ gì sanh khởi trên thân thì chúng ta cũng đều phải chánh niệm trên các cảm thọ đó như chúng đang xảy ra. Việc ghi nhận những cảm thọ này một cách liên tục, theo dõi các cảm thọ khổ, lạc, trung tính thì được gọi là niệm Thọ. Khi tâm hành giả sinh khởi hiểu biết hay không hiểu biết, muốn làm hay không muốn làm, có đức tin hay không có đức tin,… chúng ta cũng hay biết nó. Khi hay biết như vậy, chúng ta biết một cách rất rõ ràng đối với những suy nghĩ này ở trong tâm đó được gọi là niệm Tâm. Khi hành giả ghi nhận các đặc tính của tứ đại (cứng, mềm, nóng, lạnh, rung chuyển,…) và ghi nhận các cảm thọ, hay biết tất cả các đặc tính của danh pháp và sắc pháp như nó đang xảy ra thì được gọi là quán Pháp.
Chúng ta không chỉ chánh niệm trên bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) mà còn phải quan sát trong các tiểu oai nghi như co tay, duỗi tay, ăn mặc, ngủ nghỉ, đánh răng, xúc miệng, nghe, ngửi, nếm, đụng,… Chúng ta chánh niệm trên tất cả sáu cửa giác quan thì được gọi là quán Pháp. Do đó niệm Thân là quan sát để thấy được các đặc tính của thân. Niệm Thọ là quan sát các cảm thọ (khổ, lạc, xả) sinh khởi. Niệm Tâm là ghi nhận, chánh niệm xem tâm đang biết hay không biết cái gì. Có chánh niệm chúng ta sẽ biết rõ tâm đang sinh khởi những gì. Niệm Pháp là thấy được bản chất thực của tất cả các pháp đang diễn ra đều là sanh diệt với hiểu biết đúng đắn. Vì vậy, khi thực hành Tứ Niệm Xứ chúng ta sẽ hiểu rõ chánh niệm trên cả bốn niệm xứ và cũng sẽ hiểu rõ từng niệm xứ.
Ngay cả khi thực hành chúng ta không nắm giữ vào sự hiểu hay không hiểu của mình. Cũng không nên nghĩ rằng “tôi làm” mà chỉ nên nghĩ rằng “chỉ để sử dụng mà không có người nào ở đấy”. Chỉ có việc sử dụng phương pháp mà không có người sử dụng phương pháp. Bằng khả năng công phu và kinh nghiệm chúng ta sẽ hiểu. Mới đầu hành thiền, chúng ta bắt đầu bằng việc quan sát hơi thở vào và hơi thở ra. Sau một thời gian, cảm thọ sinh khởi nơi thân thì quan sát và ghi nhận cảm thọ đó. Khi tâm sinh khởi suy nghĩ, không muốn tiếp tục thực hành thì hãy quan sát cái tâm đó. Hãy ghi nhận nó! Tất cả các đối tượng sinh khởi chúng ta đều hay biết và buông bỏ, không hành thiền chánh niệm thì chúng ta không bao giờ biết điều gì đang sanh khởi nơi thân và tâm của mình.
Với chánh niệm chúng ta sẽ biết được thân tâm mình đang diễn tiến và sinh khởi những gì. Chỉ khi có chánh niệm chúng ta mới biết được tâm đang làm việc hay đang nghĩ gì. Khi muốn hoặc không muốn làm gì, nếu thất niệm chúng ta sẽ không thể hay biết được điều gì và với tà kiến sai lầm cho rằng “tôi làm” hay “tôi không muốn làm”. Một tâm phóng giật và không có định sẽ không thể hay biết được điều gì sinh khởi ở thân tâm. Nếu có chánh niệm thì bất kỳ những gì chúng ta làm chúng ta đều hay biết. Khi có sự hay biết sẽ đưa đến sự hiểu biết cho chúng ta bằng chánh niệm trên tất cả các đối tượng. Với chánh niệm chúng ta sẽ hiểu được tham, sân, si của mình cũng như của người khác. Quan sát trên thân tâm mình sẽ thấy được các hiện tượng sinh khởi trên thân tâm với hiểu biết đúng đắn (chánh kiến).
Ngay trong hiện tại, với chánh niệm chúng ta sẽ biết được mình đang làm những gì, thấy được bản chất thực của các pháp là hiện tượng sinh diệt. Khi hành giả có chánh niệm sẽ hiểu được mình đang làm gì, cái gì đang sanh khởi ở thân tâm và họ nên làm gì. Chánh niệm là công cụ giúp chúng ta hay biết được tất cả những gì sinh khởi trên thân tâm mình. Với người thất niệm họ sẽ thấy có “thân là tôi”, “tôi đúng”,… Khi hành giả có chánh niệm quan sát các đối tượng thì họ sẽ kinh nghiệm được chính mình. Với sự để tâm này, chúng ta sẽ hiểu và kinh nghiệm được những gì xảy ra trên thân tâm. Khi kinh nghiệm và hiểu được thân tâm thì sẽ thấy được sự thật. Sự thật luôn diễn ra như nó đang là. Nếu có nhiều chánh niệm sẽ hiểu được sự thật ngay trong hiện tại, thấy được bản chất sinh diệt hiện tại như nó đang xảy ra. Nếu thất niệm chúng ta không biết được nguyên nhân của chính chúng ta cũng như của người khác; sẽ không biết được nhân nào sinh làm người, làm nam hay nữ, cha mẹ hay con cái, nước này hay kia, tôn giáo này hay khác,… Không có chánh niệm sẽ không thể biết được những điều này sinh khởi từ đâu.
Không thực hành chánh niệm thì sẽ có dính mắc vào con người, súc sinh, nam nữ, già trẻ, con cái, cha mẹ, đất nước, tôn giáo. Chúng ta không thực hành thì không có hiểu biết nên sẽ dính mắc vào các khái niệm. Thực hành Tứ Niệm Xứ, với chánh niệm chúng ta sẽ không còn thấy có con người, đồ vật, tôn giáo, người tàn tật, nam, nữ,… nữa. Vì khi có chánh niệm chúng ta chỉ còn thấy thân và tâm và không còn chấp dính vào các khái niệm. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được nóng lạnh, cứng mềm, rung chuyển,… ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta biết cảm thọ, thấy được bản chất thật đang xảy ra đúng như bản chất của nó.
Chúng ta hành thiền không cần phân tích, phân biệt đây là niệm Thân, Thọ, Tâm hay Pháp, đó là điều không cần thiết. Lúc đầu chúng ta quan sát cảm thọ nổi trội, lấy nó làm đối tượng chính để theo dõi. Nếu trong lúc ghi nhận cảm thọ mà có suy nghĩ khởi, chúng ta có thể ghi nhận suy nghĩ đó và lấy nó làm đối tượng chính để quan sát. Khi ngồi thiền chúng ta không nên chỉ hay biết một đối tượng duy nhất mà cần quan sát nhiều đối tượng sinh khởi, quan sát nó như nó đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Chú ý rằng không cần phân biệt Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Khi sự thực hành có hiểu biết đúng, chúng ta sẽ biết được cái gì là quan trọng và cái gì không quan trọng, không bị dính mắc vào sự phân tích đó. Khi chúng ta có nhiều sự thực hành, chúng ta sẽ không thấy có người này, người kia, nam hay nữ,… Chánh niệm lớn mạnh chúng ta sẽ không còn dính mắc vào một cá nhân nào nữa, chúng ta chỉ thấy có hiện tượng sinh diệt xảy ra liên tục. Bất kỳ sự sinh khởi nào trên thân và tâm, chúng ta cần chú ý tới “cái đang xảy ra ở hiện tại”. Trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ, co duỗi, cảm thọ như dòng nước trong thân thể,… Chúng ta hay biết với chánh niệm, thấy những hiện tượng này thay đổi liên tục. Khi chúng ta làm điều tốt hay xấu cũng không dính mắc vào đó, chỉ hay biết những điều đang sinh khởi ở thân tâm chúng ta. Chúng ta không chánh niệm, quan sát trên hành động của người khác, họ đang làm tốt hay xấu. Đó không phải là việc mà chúng ta cần ghi nhận và theo dõi. Chúng ta chỉ cần hay biết và theo dõi chính bản thân chúng ta, đang làm gì và cái gì đang xảy ra trên thân và tâm mình.
Không cần để tâm đến những gì xảy ra trong tương lai mà hãy để tâm đến cái gì đang sinh khởi ở hiện tại. Khi đó chúng ta sẽ có hiểu biết đúng đắn. Chúng ta cẩn trọng và để tâm đến việc chúng ta làm, hay biết những gì mình đang làm. Dù lúc nào và ở đâu, nhưng nếu có chánh niệm chúng ta sẽ thoát khỏi sự dính mắc phải làm như thế này như thế kia, trên khái niệm này hay khái niệm khác. Chúng ta có thể chánh niệm một cách dễ dàng ở bất kỳ nơi nào và vào lúc nào, nhờ đó chúng ta sẽ thoát khởi sự dính mắc. Dù chúng ta thực hành niệm xứ nào thì đến một lúc chúng ta sẽ chỉ quan sát bản chất của các pháp mà thôi. Chánh niệm, ghi nhận sự vô thường, khổ và vô ngã. Không phải chúng ta làm những gì mình thích mà chúng ta chỉ quán sát bản chất của các pháp đang sinh khởi. Sau khi thực hành đúng với hiểu biết đúng trên các đối tượng đúng, chúng ta không còn dính mắc vào việc thích hay không thích, việc thực hành niệm pháp sẽ tự động sinh khởi. Với chánh niệm, chúng ta sẽ chỉ thấy có bản chất thôi, chúng ta không thấy cái “tôi” nào ở đó, chỉ có hiện tượng sinh diệt theo bản chất của nó. Chúng ta tách rời khỏi cảm giác “tôi” hay “của tôi”, chỉ có tiến trình bản chất thật của các pháp, không có dính mắc, không có phân tích, đánh giá điều gì cả.
Lúc đầu chúng ta dễ nắm bắt và ghi nhận cảm giác nóng, lạnh, cứng, mềm, sau một thời gian chúng ta sẽ dễ dàng ghi nhận tất cả những đối tượng đang xảy ra. Bằng sự thực hành với chánh niệm, chúng ta sẽ thấy được tất cả những đối tượng chúng ta đang quan sát, và bản chất đích thực về những hiện tượng mà chúng ta đang quan sát. Với hiểu biết đúng đắn, chúng ta chỉ thấy được bản chất sinh khởi liên tục, chỉ có sự hiểu biết chứ không có ai hiểu biết cả. Sau một thời gian thực hành chánh niệm, chúng ta sẽ hiểu được bản chất của các hiện tượng, bản chất sinh diệt theo tiến trình của nó, chúng không thường hằng mà thay đổi liên tục. Khi thấy được bản chất của tứ đại, và chúng ta cẩn trọng để tâm đến những đặc tính thì sẽ hiểu được hoặc kinh nghiệm được. Chúng ta không dính mắc trong đó, chỉ thấy có sự kinh nghiệm, hiểu biết chứ không có ai ở đấy. Sự hiểu biết rồi cũng sẽ thay đổi và biến mất. Khi chúng ta hiểu được bản chất thật của các pháp, đó là hiện tượng khổ, vô thường và vô ngã, chúng ta sẽ không còn thấy có người nào, chỉ có các hiện tượng với bản chất thật và thay đổi. Với việc thực hành đúng, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết đúng. Việc sử dụng các từ ngữ như vô thường, khổ, vô ngã là cách sử dụng chế định. Nếu chúng ta hiểu bản chất thật của những đặc tính này thì chúng ta sẽ thấy rõ bản chất, đó mới là hiểu biết chân chánh, hiểu biết của trí tuệ. Vì vậy, việc thực hành là rất cần thiết cho mỗi chúng ta.