Câu hỏi: Khi kinh nghiệm được cảm giác toàn thân, cái đó có gọi là niệm Pháp hay không?
Trả lời: Sayadaw U Ottamasara
Khi kinh nghiệm cảm giác toàn thân đấy là niệm Thọ chứ không phải niệm Pháp. Tuy nhiên, nếu cô thấy được đặc tính (của nó) thì mới được gọi là niệm Pháp, còn chỉ cảm nhận cảm giác toàn thân đó là niệm Thọ. Trong Tứ Niệm Xứ có bốn niệm xứ là niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm và niệm Pháp. Đối tượng nào sinh khởi và nổi trội thì ghi nhận đối tượng đó. Khi thấy những cảm giác trên cơ thể hay cảm giác toàn thân nổi trội thì lúc đó cô đang niệm Thọ. Và cũng có thể gọi là niệm Tâm, vì lúc đó cô cũng hay biết được cảm giác toàn thân của mình. Lúc đó cũng có thể gọi là niệm Thân, vì lúc đó cô đang theo dõi toàn thân của mình. Khi cô hay biết được chuyển động toàn thân lúc đó cô đang niệm Pháp. Niệm Pháp bao trùm hết tất cả. Tất cả những gì sinh khởi cũng đều là Pháp. Khi chúng ta niệm Thọ và niệm Tâm thì chúng ta dùng tâm để quán sát, chánh niệm. Tuy nhiên niệm Pháp thì chúng ta cần quán sát cả thân và tâm. Khi ngồi, thân và tâm cần thư giãn để tự nhiên và không dính mắc tới trạng thái ngồi của thân. Bất kể mọi việc chúng ta đều phải dùng đến thân tâm này, dùng thân để làm việc, tâm để hay biết, chỉ để sử dụng thôi, không có sự dính mắc.
Trong cuộc sống, chúng ta thường hay cho rằng “cái này là của tôi, thân là của tôi”. Những suy nghĩ về khái niệm “tôi” đó, khi hành thiền chúng ta cần loại bỏ đi, không dính mắc ở thân tâm. Trong lúc tọa thiền, chân bị căng cứng thì tâm cũng sẽ phản ứng lại và bị căng thẳng theo, dẫn đến toàn thân bị đau nhức, mệt mỏi không ngồi được lâu. Khi hành thiền chúng ta thường để tâm đến những việc mình làm. Mỗi người phải tự thực hành và tự kinh nghiệm bằng sự thực hành của mình. Với những gì mình làm, chúng ta tự kinh nghiệm trên những điều đó. Chúng ta thường dính mắc với chính sự thực hành của mình. Lúc ấy khái niệm “tôi” có mặt, chúng ta dính mắc, thích thú với việc mình làm. Dính mắc là nguyên nhân của đau khổ, là nguồn gốc của sự khổ. Khi có “tôi”, “tôi làm” lúc đó có dính mắc vào hành động đã được làm. Khi dính mắc vào hành động “tôi làm” đó chính là nguyên của sự khổ. Để tâm đến việc đang làm, chúng ta sẽ thấy rằng chỉ có hành động làm mà thôi chứ không có “tôi làm”.
Làm với tà kiến thì sẽ có dính mắc, và tam độc tham sân si cũng sinh khởi nơi tâm. Một điều chắc chắn rằng, khi chúng ta hiểu sai thì chúng ta sẽ không thể nào ngăn chặn hay chấm dứt được Nguyên nhân của khổ (Dukkha Sacca). Đối với Đạo đế (Magga Sacca) thì bất kì việc gì chúng ta làm đều cần phải hiểu biết một cách đúng đắn, làm mà không dính mắc. Chúng ta phải luôn nỗ lực làm mọi việc với hiểu biết đúng, không dính mắc vào những những gì mình đang làm, chừng đó chúng ta mới có thể đi đến Đạo đế.
Khi chúng ta quán sát hơi thở vào hơi thở ra, bụng phồng lên và xẹp xuống, đó là niệm Thân. Quan sát và theo dõi những gì đang xảy ra trong tâm thì đó là niệm Tâm. Niệm Pháp là khi thấy một cái gì đó thì chỉ chánh niệm là có cái thấy đang diễn ra, tương tự có cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm, cái suy nghĩ. Chánh niệm và ghi nhận bản chất thật của nó. Nếu chánh niệm liên tục trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ thì tại đó không có phiền não. Giây phút nào chúng ta có chánh niệm là giây phút đó không có phiền não. Tâm không thể nào bắt hai cảnh cùng một lúc được. Khi tâm có niệm thì chắc chắn phiền não không thể sinh khởi. Khi chúng ta duy trì liên tục tâm chánh niệm trên tất cả các đối tượng thì Đạo tuệ sẽ sinh khởi. Khi đó phiền não sẽ được đoạn trừ bằng chánh niệm liên tục.
Những hành giả thực hành theo phương pháp của ngài Mahasi, các vị chánh niệm trên tất cả các đề mục, khi đó chúng ta sẽ hiểu được bản chất thật của pháp. Khi nghe thấy âm thanh thì cái tai chính là sắc và cái tâm nhận biết chính là danh. Chúng ta chỉ hay biết như vậy, chánh niệm như vậy thì phiền não sẽ không thể có mặt. Khi chánh niệm đã trở nên lớn mạnh thì tuệ giác sẽ sinh khởi và cắt đứt được phiền não. Ở trường thiền có rất nhiều người lớn tuổi hành thiền, chúng ta thực hành theo phương pháp của trường thiền nào thì chúng ta cứ thực hành. Tất cả các phương pháp đó đều làm phát sinh trí tuệ, tùy theo nhân duyên của mỗi người sẽ phù hợp với phương pháp nào, nhưng tất cả kết quả cũng sẽ như nhau.
Ở Việt Nam hiện nay có rất ít thiền viện, rất ít người tham gia hành thiền, Miến Điện trước đây cũng vậy. Nhưng rồi từ từ, số lượng thiền sinh tăng dần, người hướng dẫn cũng tăng dần. Tại Miến Điện cũng có rất nhiều phương pháp thiền và nhiều vị thầy hướng dẫn cho thiền sinh thực hành những phương pháp đó. Bây giờ ở đó có rất nhiều trường thiền, kể cả ở khu trung tâm, làng mạc, hay rừng núi, không nơi nào là không có trường thiền. Mỗi phương pháp cũng lại có nhiều trường thiền. Khi đó, những người muốn hành thiền sẽ không thể biết được chính xác là mình nên thực hành theo phương pháp nào. Chỉ khi họ đến một trường thiền để thực hành, khi ấy họ mới hiểu được phương pháp của trường thiền đó, đem áp dụng và duy trì trong cuộc sống. Dưới sự hướng dẫn của vị thầy, theo dõi thân tâm, cảm thọ, chúng ta theo đó mà thực hành. Những thiền sinh theo một trường thiền thì sẽ tu tập một phương pháp đó. Sau đó, họ lại dính mắc vào phương pháp, vào vị thầy mà chính họ không hề hay biết. Có dính mắc là vì hiểu sai.
Chúng ta có xu hướng chỉ thích nghe những cái mình thích nghe hoặc nghe những cái mà mình hiểu. Nên nhớ rằng, khi nghe pháp hãy chỉ nghe thôi, không dính mắc mà cũng không phải nghe theo ý mình. Không phải chỉ khi nào hiểu thì chúng ta mới nghe, còn không hiểu thì chúng ta lại không nghe, hoặc nghe theo ý mình. Với thiền sinh lâu năm thường dính mắc vào phương pháp mà mình đã thực hành, dính mắc vào những vị thầy đã từng hướng dẫn. Nếu chúng ta có hiểu biết đúng thì dù thực hành phương pháp gì, vị thầy nào cũng sẽ không bị dính mắc vào phương pháp hay vị thầy đó. Ví như vị thầy hướng dẫn ghi nhận, quan sát thở vào ra, chúng ta chỉ có nghe vị thầy đó, chỉ thực hành việc vị đó hướng dẫn mà không hề chú ý những điều khác khi mình hành thiền. Khi đó, chúng ta bị dính mắc vào lời dạy đó, và chỉ biết có như vậy mà thôi. Để tâm vào lời dạy cũng rất quan trọng vì sự tôn kính, tuy nhiên chúng ta không nên không tiếp thu phương pháp của những vị thầy khác. Như vậy chúng ta mới không bị hiểu sai và dính mắc vào phương pháp, vị thầy.
Tôi đã hướng dẫn và dạy thiền 13 năm nay. Trong thời gian đó, tôi thấy một điều từ những người lớn tuổi là họ dính mắc rất nhiều vào phương pháp và vị thầy mà họ từng theo học. Họ không mở tâm học hỏi phương pháp khác, nếu họ chịu mở tâm ra đón nhận thì họ sẽ có được rất nhiều hiệu quả trong thực hành. Họ chỉ thực hành một phương pháp, tại nơi mà họ muốn, thường là nơi mà họ từng theo học. Họ loại trừ những trường thiền khác, vị thầy khác. Đó là sự dính mắc cố hữu của tâm. Ngoài sự dính mắc vào trường thiền, thầy hướng dẫn, chúng ta còn dính mắc vào thời gian, chỗ tọa thiền. Chúng ta chỉ hành thiền vào một thời điểm nào đó, tại vị trí nào đó, còn lúc khác hoặc vị trí khác thì chúng ta lại không hành thiền nữa.
Tôi kinh nghiệm thấy rằng nhiều thiền sinh trước đây thực hành bố thí, nhưng sau khi hành thiền, họ lại có suy nghĩ không muốn làm việc bố thí nữa, chỉ muốn hành thiền thôi. Suy nghĩ đó là không đúng. Không phải khi hành thiền rồi thì chúng ta không thực hành bố thí nữa. Đó là sự mắc dính vào việc hành thiền. Với tri kiến sai lầm, chúng ta dính mắc vào hành động này và không còn muốn làm hành động khác nữa. Chúng ta dính mắc vào những việc, những điều mà mình đã từng thực hành, đã từng nghe, đã từng nhìn thấy trước đây. Có nhiều người chỉ thích thọ giới vào ngày Bát quan trai, tuy nhiên họ lại không thích hành thiền. Lại có những người thích bố thí những lại không thích giữ giới và hành thiền. Họ rất hoan hỉ với những việc bố thí của mình, nhưng lại không quan tâm tới những việc thiện khác nữa. Khi đó, chúng ta bị dính mắc vào việc mình làm và không quan tâm tới những việc khác mà lại cho rằng nó không liên quan tới mình.
Cũng vậy, với nhiều thiền sinh, họ thực hành thiền định thì họ chỉ thực hành thiền định. Số khác thực hành thiền quán thì chỉ thực hành thiền quán thôi. Nhiều người lại chỉ niệm Thọ chứ không quán sát những đề mục khác. Người niệm Tâm thì chỉ niệm Tâm thôi. Đó là lúc chúng ta chấp chặt vào phương pháp mình đã thực hành. Chúng ta không biết rằng chúng ta cần làm mọi việc với một tâm hay biết và không có dính mắc. Thực hành một phương pháp thì cũng tốt nhưng chưa đầy đủ. Chúng ta hiểu được một thứ nhưng chúng ta lại chưa hiểu được những thứ khác, vì vậy mà nó chưa trọn vẹn. Nếu cho rằng một phương pháp là đã đủ, thế thì không có lý do gì để xây dựng nhiều trường thiền cho nhiều phương pháp khác nhau.
Chúng ta thực hành từng phương pháp một để tự thân kinh nghiệm rồi chúng ta sẽ hiểu được các phương pháp đó. Tuy nhiên, nhiều người chỉ thực hành một phương pháp, với một vị thầy hướng dẫn và họ cũng đạt được những thành tựu. Cũng có nhiều người thực hành ở nhiều trường thiền và nhiều vị thầy, nhưng lại không nắm bắt được điều gì cả. Vì mỗi trường thiền đều có ít nhiều vấn đề, cho nên tùy vào sự thích hợp với từng người mà áp dụng từng phương pháp. Trong trường thiền của tôi có nhiều phương pháp và nhiều vị thầy của các trường thiền khác nhau.
Khi chúng ta nghe nhiều vị thuyết pháp, sự nắm giữ sẽ giảm dần. Chúng ta sẽ mở tâm nhiều hơn để lắng nghe và thực hành theo nhiều phương pháp và vị thầy đó. Niệm Thọ, niệm Tâm hay niệm Pháp thì không phải là vấn đề, quan sát cái đang sinh khởi, cái đang nổi trội, đó mới là quan trọng. Khi cảm thọ sinh khởi, như đau nhức thì chúng ta ghi nhận đối tượng đó. Khi tâm trở nên không muốn làm gì cả, dễ duôi, lười biếng chúng ta cũng cần quan sát liên tục ngay lúc nó đang diễn ra. Bằng cách đó chúng ta sẽ thấy được bản chất thật của chúng. Trường thiền nào thì chúng ta cũng vẫn có thể đến hành thiền. Vị thầy nào hướng dẫn chúng ta vẫn có thể thực hành được. Chúng ta đang thực hành không dính mắc. Và chúng ta sẽ tự kinh nghiệm bằng việc thực hành của chính mỗi người. Bước đầu của sự thực tập tâm luôn đặt ra những câu hỏi như là: “Chúng ta cần làm như thế nào? Chúng ta sẽ thực hành ở đâu? Phải thực hành bao lâu thì mới hiểu được?” Sau một thời gian thực hành, qua kinh nghiệm mỗi chúng ta tự có câu trả lời cho mình.
Chỉ có thực hành chúng ta mới hiểu được phương pháp, chỉ dẫn của người thầy, trung tâm thiền có đúng như những gì mình đã hiểu hay không. Về sau, chúng ta sẽ thấy sự dính mắc vào phương pháp, vị thầy, trung tâm thiền sẽ ngày một giảm đi do chính việc thực hành của chính mình. Chúng ta sẽ không còn nghĩ rằng chỉ có phương pháp của mình là đúng, ngoài ra các phương pháp khác là sai, không thích hợp với mình. Lúc đó, chúng ta sẽ hiểu ra rằng, vấn đề ở đây là sự dính mắc chứ không phải ở phương pháp. Nếu có hiểu biết đúng thì chúng ta sẽ không dính mắc vào phương pháp mà chúng ta đang thực hành. Khi nghe pháp, không phải chúng ta chỉ nghe những phần về phương pháp mà mình đang hành, chúng ta vẫn cần lắng nghe những phương pháp khác. Chúng ta có xu hướng chỉ nghe những gì mình thích, nghe những gì mình thấy phù hợp với bản thân mình. Như vậy, chúng ta cần cố gắng loại trừ tâm dính mắc vào phương pháp đang thực hành, dù cho đó là phương pháp đúng đi chăng nữa.
Ban đầu, trường thiền của tôi nằm trên con đường số 45, các thiền sinh và mọi người họ đã quen với con đường số 45. Sau khi con đường đổi tên thành đường Thanlyin, và họ bắt đầu dính mắc vào cái tên đường Thanlyin. Khi chúng ta đi xe đến trường thiền, chúng ta không cần dính mắc vào cái tên con đường, chỉ biết rằng chúng ta cần đi xe đến chỗ đó thôi. Chúng ta chỉ sử dụng nó thôi, chứ không dính chấp vào tên gọi. Dính mắc sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề. Nếu biết được nguyên nhân của dính mắc, chúng ta có thể thoát khỏi những dính mắc đó. Tôi đã trải nghiệm nhiều vấn đề của nhiều người do họ không hiểu phương pháp. Nhiều người lớn tuổi chưa hiểu rõ được phương pháp của tôi và nảy sinh nhiều vấn đề trong trường thiền. Lời dạy của tôi cũng chỉ để sử dụng thôi, đừng dính mắc vào nó. Tôi chỉ giảng về pháp và sử dụng thôi, chứ tôi không dính mắc.
Nếu chúng ta dính mắc vào những lời dạy này, lo lắng rằng không có ai hiểu được thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Tôi biết rằng, tôi mong muốn đem Giáo pháp này chia sẻ cho mọi người và không dính mắc vào điều đó. Khi nghe tôi thuyết pháp cũng vậy, nghe rồi hay biết, chứ không dính mắc vào đó, chỉ đem ra áp dụng, chỉ sử dụng thôi. Với hiểu biết đúng thì dù với bất kỳ phương pháp hay vị thầy nào chúng ta cũng không dính mắc mà chỉ sử dụng thôi.