Câu hỏi: Khi hướng tâm đến Pháp chân đế thì phiền não không sinh khởi. Khi hướng tâm đến khái niệm thì phiền não sinh khởi ngay, vì vậy phải luôn tâm niệm đến bản chất thực của các Pháp đó là sinh và diệt. Việc “chỉ sử dụng mà thôi” thì lúc đầu còn mang tính chất gượng ép, nhưng làm để với mục đích buông bỏ dính mắc và hướng tới tiến trình sinh diệt. Sau khi thấy rõ vô thường rồi thì lúc đó mới đúng là “chỉ là sử dụng mà thôi”. Xin Ngài giảng thêm về vấn đề này ạ?
Trả lời: Sayadaw Ashin Ottamathara
Khi phiền não như tham, sân, si sinh khởi trên tâm của hành giả. Nếu chúng ta chỉ hiểu về mặt khái niệm thì đó chỉ là tục đế, không phải là chân đế. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được bản chất thực sự thì khi đó mới được gọi là chân đế. Khi chúng ta làm những hành động thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền và chúng ta hiểu được bản chất của nó thì chúng ta không có sự dính mắc ở đó. Khi không có cái hiểu thì chúng ta không thể biết được bản chất của tham, sân, si mà chúng ta chỉ hiểu trên mặt lý thuyết. Chỉ khi nào có sự hiểu biết đúng đắn, khi đó chúng ta mới có thể hiểu được như thế nào là bố thí, giữ giới và hành thiền. Cũng vậy, lúc đó chúng ta mới hiểu được pháp chân đế của ba tâm bất thiện đó.
Khi chúng ta còn dính mắc vào thời gian, nơi chốn, v.v… thì khi đó chưa được gọi là chân đế. Cũng như thế, nếu còn dính mắc vào thiện hay bất thiện, khi ấy nó chỉ là khái niệm mà thôi chứ không phải là chân đế. Trong các việc thiện như bố thí, giữ giới, hành thiền thì bước đầu tiên cần làm là để ý cẩn trọng đến hành động thiện đó, và cố gắng không để dính mắc vào chúng. Nếu không nỗ lực phát triển những hành động thiện của mình thì lúc đó chúng ta đã giảm đi cơ hội làm việc thiện đó.
Chúng ta học về phương pháp xả ly, buông bỏ, không dính mắc trong kể cả những hành động thiện. Sau một thời gian hành thiền, chúng ta sẽ hiểu được một cách đúng đắn về xả ly trong việc làm ăn, việc nước hay việc của người khác. Lúc ấy những điều mà chúng ta làm cũng rất cẩn trọng trong từng hành động. Tương tự, với bất thiện tâm như tham, sân, si chúng ta cũng phải rất canh chừng khi nó sinh khởi. Trong lúc làm việc thiện, chúng ta thường nghĩ là mình làm việc này, việc kia. Tuy nhiên, chỉ có hiểu biết đúng mới giúp chúng ta xả ly, không dính mắc những hành động đó. Chỉ có hành động mà không có người hành động.
Thiện hay bất thiện không phải để dính mắc vào đó mà chỉ để hay biết mà thôi, chỉ sự dụng mà thôi. Cũng vậy, trường thiền, vị thầy, thiền sinh… là sự thật chế định, cần thiết trong khi giao tiếp với nhau, không phải để dính mắc hay chối bỏ. Tương tự, tham, sân, si cũng chỉ để thể hiện các trạng thái của tâm mà thôi, không phải để dính mắc hay chối bỏ. Có được một cái tâm có hiểu biết đúng là rất quan trọng. Bởi, khi có hiểu biết đúng chúng ta không còn dính mắc, khi làm chỉ có làm chứ không thấy có người làm. Khi áp dụng một phương pháp nào đó, chúng ta phải hay biết rằng chỉ đơn thuần để áp dụng, để sử dụng thôi, không có người nào áp dụng cả. Trong sự hiểu biết hay kinh nghiệm cũng chỉ có sự hiểu biết hay kinh nghiệm chứ không có ai ở đó cả. Sự không hiểu biết không phải là ta hay của ta nên chúng ta đừng nên dính mắc vào điều đó. Hãy ghi nhận một cách đơn thuần nhất cùng với một cái tâm hiểu biết để thấy được bản chất thực của nó. Chỉ có các tiến trình đang liên tục diễn ra mà không có ai ở đó cả. Khi chúng ta hiểu được rằng nó chỉ sinh lên rồi diệt đi mà không có ai ở đó, lúc đó với tâm chánh niệm quan sát một cách đúng đắn, chúng ta sẽ nhận ra được bản chất thật của các pháp. Hay còn gọi là Pháp chân đế. Đến lúc đó, chúng ta làm việc gì, làm như thế nào, làm ở đâu, làm trong bao lâu, v.v… thì nó cũng không thành vấn đề. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta có làm cùng với sự hiểu biết đúng đắn của mình hay không mà thôi. Vì chỉ khi nào chúng ta làm điều gì mà có sự hiểu biết đi cùng, khi đó chúng ta mới có thể nhận ra được sự thật gốc. Khi đó sự dính mắc trong hành động của chúng ta mới không có mặt, bất thiện tâm sẽ giảm dần.
Chúng ta thường xuyên dùng ngôn từ, khái niệm nhưng lại dùng chúng với dính mắc và hiểu biết sai lầm. Như vậy là những bất thiện tâm của chúng ta tăng dần lên. Chân đế và tục đế là hai thứ không tương quan với nhau. Tục đế chỉ để giải thích những khái niệm, trong khi đó để hiểu pháp chân đế là phải hiểu bằng trí tuệ và sự thực hành của mình. Vì vậy, chỉ khi chúng ta kinh nghiệm được pháp chân đế lúc đó chúng ta mới hiểu được nó thực sự, bằng không chỉ là ngôn từ thôi. Pháp tục đế vẫn phải được sử dụng cho công việc giao tiếp hàng ngày.