Hỏi Đáp: Sống Tùy Duyên Thuận Pháp
Hỏi: Một người đã thấy Pháp, sống thuận Pháp thì sự vận hành tự nhiên của Pháp sẽ diệt trừ 10 kiết sử như thế nào?
T.S Viên Minh: Cái đó nó rất rõ ràng. Thật ra, theo cái thầy nói, thì chuyện đó không phải quan tâm, vì cái đó Pháp làm chứ mình không phải làm. Ví dụ như nếu mình tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hoặc là sáng suốt định tĩnh trong lành giống như cây ổi, mình chỉ việc tưới thôi, tự nó sẽ ra quả, lúc nào nó ra trái là việc của cây ổi, đó là chuyện của Pháp, không phải việc của mình. Cái sai lầm của mình là muốn xen vào Pháp để buộc ổi phải ra trái.
Thầy có ví dụ: Trong vườn, cây quýt nhìn qua thấy cây cam nói nói tại sao trái cam to hơn mình. Và nó ước gì nó thành cây cam rồi nó quên hút nước và chết.
Mình thường hay muốn thành cái khác, đó là cái sai. Thứ hai là mình muốn đốt thời gian. Như cây ổi, mình cứ lo tưới nước đi. Mọi chuyện hãy để Pháp làm. Mình thận trọng, chú tâm quan sát để không làm tầm bậy, còn mọi việc khác để Pháp làm. Chính cái chỗ đó, học Pháp thời Đức Phật và các vị Thiền sư sau này là học theo kiểu này: Đức Phật hoặc các vị thiền sư khai ngộ cho rồi mình về mình sống. Trong quá trình sống, có chỗ nào bí mình mới đến mình tham vấn để các bị gỡ ra. Học như vậy mình tiến rất nhanh. Trong khi bây giờ mình học Tu đà Hoàn là sao, A Na Hàm là sao…ALaHán tâm như thế nào rồi khi các vị đó chết thì tâm lên cõi nào. Mà tất cả những cái đó mình hoàn toàn không biết, nó dư và không ăn nhằm gì vô đó hết. Phải nhớ chăm bón cây, nếu tưới thiếu nó cũng chết mà tưới dư nó cũng chết. Tốt nhất là khi nó được tưới nước, bỏ phân đúng độ. Vậy thì mình chỉ cần tinh tấn chánh niệm tỉnh giác hoặc thận trọng chú tâm quan sát hoặc buông ra để cho tánh thấy biết, còn lại để cho tự Pháp làm, tự nó vận hành. Cho nên, chính chỗ đó là chỗ ngay từ đầu thầy nói đừng có học Pháp quá nhiều, sở dĩ thầy gom lại để nói cái cốt lõi thôi. Bây giờ các sư về hành, hành tới ngang chỗ đó tới thầy, thầy mới gỡ ra. Như vậy, sẽ không có gì để đánh lạc hướng mình ra khỏi cái khác cả. Nhiều khi ông thầy cũng tham lam, đa số muốn chứng tỏ hiểu biết của mình hơn là khai mở cho đệ tử. Muốn chứng tỏ hiểu biết của mình nên cứ nói ra ào ào cho thật nhiều mà thực ra cần ít thôi. Cái cây mà đổ nước cho nhiều thì nó úng nó chết mất. Học Pháp rất dễ sai lầm, dễ sợ thật.
Hỏi: Kính thưa Sư,
Hôm nay con có một câu hỏi về việc tùy duyên thuận pháp xin nhờ thầy khai ngộ. Số là hôm nay trên đường đi làm, con nhìn thấy có một người thanh niên đang nằm bất động trên bãi cỏ ven đường, cạnh bên là một chiếc xe đạp cũng nằm ngã một phần trên người anh ta. Lúc ấy có rất nhiều người qua lại cả đi bộ lẫn đi xe, nhưng không ai ngó ngàng cả. Bản thân con lúc ấy rất khó xử, vì nửa muốn dừng lại xem anh ta có bị sao không, nửa lại sợ gặp đối tượng nguy hiểm lừa đảo hoặc một người nhậu nhẹt say xỉn, phần vì đang trễ giờ đi làm. Lúc đó, tâm con rất lúng túng không biết phải làm sao mới đúng với câu tùy duyên thuận pháp? Con nghĩ nhiều người trong xã hội hiện nay cũng có cùng tâm trạng với mình, vừa muốn giúp người, vừa lo sợ, đề phòng vì báo chí đã cảnh báo quá nhiều trường hợp lừa đảo. Như vậy, làm thế nào để thể hiện lòng thương người và giúp người cho đúng nghĩa?
Con cảm ơn Sư!
T.S Viên Minh: Thương người và giúp người cũng chỉ là chuyện bên ngoài thôi. Cái gốc của tùy duyên thuận pháp là ở trong con. Khi đi trọn vẹn tỉnh thức với đi là tùy duyên thuận pháp. Sự kiện đi là duyên, trọn vẹn tỉnh thức là thuận pháp; khi đứng, ngồi, nằm v.v... cũng vậy là duyên đối tượng thân mà niệm thân. Đối với thọ, tâm, pháp cũng trọn vẹn tỉnh thức như vậy là duyên các đối tượng ấy mà chánh niệm tỉnh giác tức thuận pháp.
Khi gặp duyên bên trong hay bên ngoài mà con vẫn tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì gọi là tùy duyên thuận pháp. Còn chuyện giúp người thì có nhiều cách, tùy cơ ứng biến thôi, như trong trường hợp nêu trên, bỏ lờ cũng không được, tự xử lý cũng không xong, đơn giản con nên kêu cảnh sát là tốt nhất, đó là việc của họ mà, con suy nghĩ tính toán chỉ mất thì giờ vô ích mà chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, đôi lúc còn mất chánh niệm tỉnh giác nữa!
Hỏi: Con chào thầy, xin thầy cho con hỏi:
Con đọc một vài dòng của Osho nói về việc giúp đỡ mọi người rằng: "việc giúp đỡ con người là giúp họ trở thành chính họ, cho họ động lực và niềm tin để họ có thể sống đúng như bản thân mình, không ép buộc, không đường hướng nhất định nào... rồi bông hoa của họ sẽ nở".
Còn con nghĩ: "nhưng lối đi nào đó cũng có giá trị riêng của nó, điều gì cũng mang tính tương đối...", nói đến đây con cảm thấy có điều gì đó không đúng...
Hay là những suy nghĩ này của con là không cần thiết ạ? Con cứ thế mà sống, việc gì đến thì làm?
Thầy cho con hỏi thêm về tùy duyên và ý muốn. Tùy duyên theo con hiểu thì là việc gì đến thì mình làm, nhưng không phải là tùy tiện, làm theo một trí tuệ và tình thương sáng suốt thì là đúng Pháp. Còn ham muốn thì sao ạ? Về lý luận thì ham muốn làm một điều gì đó cũng là tốt, về bản chất mong muốn không là xấu...
Con vẫn có một niềm tin là cho dù con làm thế nào, vùng vẫy thế nào cũng không thể nào ra khỏi bản tâm chân thật.
Con kính đảnh lễ thầy.
Mình tưởng là mình ghê gớm lắm
Ai ngờ đâu là chỉ vô minh
Vẫy vẫy vùng vùng trong ngang dọc
Cũng không bằng tát cá dưới ao.
T.S Viên Minh:
- Osho nói thế đủ rồi con thêm vào là dư, vì thêm vào thì cũng thế.
- Ít người hiểu được đầy đủ hai chữ tùy duyên, phần lớn chỉ hiểu một chiều hoặc lắm lúc hiểu hoàn toàn lệch lạc. Theo Vi Diệu Pháp có tới 24 duyên, nhưng nói chung duyên (paccaya) có nghĩa là điều kiện cần và đủ từ bên trong lẫn bên ngoài cho một pháp sinh, trụ hoặc diệt. Vì vậy tất cả pháp tùy duyên sinh cũng sẽ tùy duyên diệt. Nếu một đóa hoa không đủ duyên sẽ không nở, nếu gạo không đủ duyên không thể chín thành cơm. Nhân cũng là duyên, có thể nhân chỉ là những duyên chính trong một sự kiện mà thôi. Ý muốn cũng do duyên sinh, không có duyên ý muốn không khởi được. Ý muốn sinh rồi cũng phải tùy duyên mà tồn tại được hay không, tùy duyên mà thành tựu hay thất bại. Nếu con thấu hiểu được tất cả nhân duyên thì con có thể "tùng tâm sở dục bất du củ", nghĩa là muốn gì cũng không sai. Vậy ý muốn cũng phải tùy duyên thôi.
- Tất nhiên dù vùng vẫy thế nào cũng không ra khỏi bản tâm chân thật. Nhưng đó cũng chỉ là "niềm tin" thôi, vì nếu thật sự là bản tâm chân thật thì luôn ung dung tự tại đâu cần vùng vẫy làm gì!
Hỏi: Con xin kính chào thầy,
Thưa thầy, nếu tin vào sự vận hành của pháp thì có phải giống như tin vào số mệnh hay không? Con làm ăn có lúc thuận, lúc nghịch. Vậy sự thuận nghịch này là sự vận hành tự nhiên của pháp hay do con làm việc lúc hay lúc dở mà thành ra lúc làm ăn được, lúc thì không ra gì? Trong công việc kinh doanh của con nếu xảy đến những chuyện không hay thì sự việc đó là do sự vận hành của pháp đưa đến hay do con thiếu thận trọng tính toán chưa chu đáo mà tạo nghiệp? Con nhờ thầy giải thích giúp con. Con cảm ơn thầy và chúc thầy luôn khoẻ.
T.S Viên Minh: Có câu "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong". Thuận thiên tức thuận theo nguyên lý vận hành của pháp, nghịch thiên là làm theo tư kiến tư dục của cái ngã vô minh ái dục. Sống tuỳ duyên thuận pháp (Dhammànudhamma patipanno viharati) là thuận theo nguyên lý của pháp (quy y pháp) chứ không phải tuân theo định mệnh an bài. Đó mới là nghĩa đúng đắn của thuận hay nghịch với chân lý chứ không phải thuận hay nghịch theo ý con. Ví dụ: con đi bị mưa ướt nên cho mưa là nghịch, nhưng thật ra mưa vẫn đúng quy luật vận hành của pháp, còn nghịch là do con không biết trời mưa nên cứ đi mới phải bị ướt.
Hỏi: Kính thưa thầy!
Thầy thường dạy nên sống tùy duyên thuận pháp, nên thận trọng chú tâm quan sát. Trong trường hợp của con, con không biết làm như thế nào để tùy duyên thuận pháp. Công ty con có đợt giảm biên chế trong đó có con, con thì muốn tiếp tục xin việc nơi khác không muốn ăn bám vào chồng, chồng con lại muốn con ở nhà nội trợ. Con đang rất phân vân không biết phải làm như thế nào để tùy duyên thuận pháp thưa thầy. Xin thầy hướng dẫn giúp con với!
T.S Viên Minh: Khi gặp sự lựa chọn khó khăn mà tự con không đủ sức quyết định được, con nên thăm dò ý kiến thêm một vài người đáng tin cậy để nghe ý kiến của họ, như vậy con sẽ dễ chọn lựa hơn. Nếu vẫn còn phân vân lưỡng lự, không chọn được thì đơn giản là viết hai lá thăm rồi thành tâm rút một cái, trúng cái thăm nào con làm theo "ý của Trời Đất", vậy không dễ cho con hơn sao? Chọn lựa làm gì cho mệt, công việc nào không phải là vấn đề, lương tâm người làm việc mới là điều đáng lưu ý là có thuận pháp hay không.
Thực ra chọn việc gì không quan trọng, mà chủ yếu là thái độ thuận pháp, tức thái độ đúng tốt trong việc làm đó. Thuận pháp có nghĩa là hợp với lẽ thật (chân), với tâm lành (thiện) và không đưa đến hậu quả khổ đau cho mình và người (mỹ). Vậy tuỳ duyên thuận pháp là tuỳ hoàn cảnh mà xử sự sao cho phù hợp với chân thiện mỹ, với tâm vô ngã vị tha thì tuyệt. Con nghĩ ở nhà nội trợ là ăn bám sao hay đó chỉ là tự ái ích kỷ? Một người vợ làm nội tướng giải quyết được biết bao công việc gia đình giúp chồng con ổn định, an tâm, sao lại cho là tầm thường, phải chăng vì bản ngã chứ không phải tình thương yêu, và sự tương trợ lẫn nhau?
Hỏi: Thưa thầy, nếu con người ai ai cũng sống trong vòng nhân duyên, vạn sự cũng tùy duyên, dù có làm gì cũng không năm ngoài nhân duyên, vậy nghĩa là ta không cần phải cố gắng, phó mặc mọi sự tự diễn ra sao ạ?
T.S Viên Minh: Con thích cố gắng thì cứ cố gắng, Phật vẫn dạy 4 pháp như ý: Ước muốn đúng, cố gắng đúng, quyết tâm đúng, và hiểu biết đúng thì làm gì cũng được như ý. Nếu con muốn cố gắng làm việc gì mà không biết thế nào là đúng, tức không biết tùy duyên thuận pháp thì mọi cố gắng, mọi quyết tâm, mọi ước muốn của con đều phí công vô ích.
Thí dụ như con cố gắng làm giàu, điều kiện tất yếu là con phải biết tùy vốn liếng, tùy khả năng, tùy sức khỏe, tùy thị trường, tùy luật cung cầu, tùy tâm lý người sản xuất và nguời tiêu dùng, tùy thời tiết khí hậu, tùy thời cơ địa thế, tùy người cộng sự tốt hay xấu v.v... và v.v... Đó chính là biết sống tùy duyên.
Mặt khác, con còn phải biết thuận theo luật quốc tế, luật nhà nước, luật địa phương, thuận với luật nhân quả nghiệp báo, thuận điều đúng mới không làm sai, thuận điều chân mới không làm điều giả, thuận điều thiện mới không làm điều ác v.v... có như vậy con mới không làm điều gì phi pháp hại mình hại người. Đó chính là biết sống thuận pháp.
Biết sống tùy duyên thuận pháp thì nỗ lực nào cũng sẽ được thành công như ý, bằng không, nỗ lực chỉ để tự hại mình mà thôi.