HIỆN THÀNH CÔNG ÁN
2- Khi vạn pháp không có ngã nhất định thì không mê không ngộ, không chư Phật, không chúng sinh, không sinh không tử.
3- Vì Phật đạo nguyên bổn vượt qua nhiều và thiếu, nên có sinh diệt, có mê ngộ, có chúng sinh và Phật.
4- Vì thế hoa rụng dù ưa thích; cỏ mọc dù chán ghét. Mang tự kỷ đến vạn pháp để tu chứng là mê. Vạn pháp đến và qua đó tu chứng tự kỷ là ngộ. Người đại ngộ mê lầm là chư Phật. Người đại mê trong giác ngộ là chúng sanh. Lại nữa, có người ngộ vượt trên ngộ và có người mê trong mê.
5- Phật đích thực là Phật thì không cần thấy mình là Phật. Tuy nhiên, các ngài là bậc toàn giác không ngừng hiện thành Phật. Khi thấy màu sắc và nghe âm thanh với toàn thể thân tâm, sẽ trực nhận một cách tường tận, nhưng không giống như ảnh phản chiếu trong gương hay bóng trăng trong nước. Khi chứng ngộ bên này bên kia sẽ mờ tối.
6- Người học Phật đạo tức học về tự kỉ. Học tự kỉ tức buông bỏ tự kỉ. Buông bỏ tự kỉ là vạn pháp được chứng nghiệm. Người chứng nghiệm vạn pháp tức buông bỏ thân tâm mình và thân tâm người. Nếu vết tích chứng ngộ không còn lưu giữ, tức chứng ngộ không để lại dấu vết sẽ tiếp tục lưu xuất.
7- Bước đầu cầu pháp thì càng xa. Khi được chánh truyền chân pháp tức thành bổn phận nhân. Ngồi trên thuyền đang đi, nếu nhìn bờ ta thường lầm cho là bờ đang chạy. Nếu nhìn thuyền [so với mặt nước] sẽ thấy là thuyền đang đi. Tương tự, khi nhận thức các pháp với thân tâm loạn tưởng, sẽ lầm chấp cho tự tâm tự tánh thường trụ. Đào sâu tu tập trở về ngay đây và bây giờ, sẽ liễu tri vạn pháp không có ngã nhất định.
8- Củi biến thành tro. Tro không thể thành củi trở lại. Tuy nhiên, chúng ta không nên xem tro là sau và củi là trước. Củi trụ ở pháp vị của củi, trước sau như vậy. Tuy có trước có sau, trước sau đứt đoạn [độc lập]. Tro ở pháp vị của tro trước sau như vậy. Vì củi không bao giờ trở thành củi trở lại sau khi cháy ra tro, cho nên người sẽ không sống trở lại sau khi chết. Tuy nhiên, trong Phật pháp không nói là sinh rồi tử, nên nói bất sanh.
Đây là cách Phật chuyển Pháp luân không nói tử rồi sanh, nên nói bất diệt. Sanh ở pháp vị của sanh; tử ở pháp vị của tử, giống như mùa đông và mùa xuân. Chúng ta không nghĩ sau đông là xuân và sau xuân là hạ.
9- Một người giác ngộ, giống như trăng phản chiếu trong nước. Trăng không bị ướt; nước không xao động. Sức sáng tuy rộng lớn, ánh trăng vẫn phản chiếu trong một giọt nước. Nguyên mặt trăng trên bầu trời phản chiếu trong một giọt sương đầu ngọn cỏ. Giác ngộ không phương hại tới người, như mặt trăng không đâm xuyên nước. Người không trở ngại giác ngộ, như giọt sương không ngăn ngại mặt trăng trên trời. Độ sâu [của giọt sương] tỷ lệ với chiều cao [của mặt trăng]. Mỗi sự phản chiếu lâu dài hay chóng vánh phải xem nước lớn hay nhỏ, sẽ biện được trăng trên trời rộng hay hẹp.
10- Khi pháp chưa thấm nhuần thân tâm hoàn toàn, ta cho là đã đủ. Nếu pháp tràn đầy thân tâm, ta nghĩ vẫn còn thiếu. Ví như khi giương buồm ra khơi mắt nhìn không thấy bờ và trông bốn phía chân trời giống như vòng tròn, không có đường nét.
Tuy nhiên đại dương không phải hình tròn cũng không phải hình vuông, đặc tính vô cùng tận. Đối với cá giống như cung điện, đối với chư thiên như chuỗi anh lạc. Đối với chúng ta, xa tới đâu mắt có thể nhìn được thì giống như hình tròn. Vạn pháp đều như thế. Ở cõi hồng trần này, thế gian và xuất thế gian, có muôn ngàn tướng dạng; chúng ta chỉ có thể thấy và hiểu xa tới đâu tùy năng lực tham học. Nếu muốn hiểu gia phong23 của vạn pháp, phải biết có hình vuông hình tròn trên núi ngoài biển, vô cùng vô tận, và ngoài tầm mắt vô số cõi giới khác. Điều này không những đúng về ngoại giới mà còn đúng ngay trong một niệm hay chỉ trong một giọt nước.
11- Cá bơi dù cho xa tới đâu, nước vô cùng không bờ mé. Chim bay dù cao tới đâu, bầu trời vô tận không giới hạn. Chỉ khi nhu cầu của chim hay cá lớn thì phạm vi lớn, nhu cầu nhỏ thì phạm vi nhỏ. Mỗi con cá hay chim chưa bao giờ không tận dụng hết mình và bay hay lội dũng mãnh khắp nơi. Tuy như thế, nếu chim bay khỏi bầu trời hay cá rời khỏi nước sẽ chết.
Đối với cá nước là sự sống; đối với chim bầu trời là sự sống. Chim là mạng sống, cá là mạng sống. Mạng sống là chim, mạng sống là cá. Chúng ta phải vượt qua chỗ này. Có tu chứng cũng giống như có thành tựu mạng sống.
12- Nếu trường hợp cá cố đến tận cùng biển khơi hay chim gắng đến cùng tột bầu trời, chúng sẽ không tìm gặp đường hướng hay chỗ nơi. Nếu nhận ra chỗ này, cách sống [hành lý] hằng ngày sẽ hiện thành công án. Nếu nhận ra đường đạo này, cách sống [hành lý] hằng ngày sẽ hiện thành công án. Đường đạo này, chỗ này không lớn cũng không nhỏ, không ta cũng không người, không có từ trước, cũng không mới xuất hiện bây giờ, và chỉ là như thế. Cũng vậy, khi một người tu chứng Phật đạo, tức được một pháp [tu] sẽ thông suốt pháp [tu] đó, gặp một hạnh [tu] sẽ hết lòng tu hạnh đó. Vì trong đây là chỗ này, và vì đường đạo thông đạt, nên ranh giới cái biết không rõ ràng cố định; lý do cái biết phát sinh đồng thời với thâm nhập Phật pháp.
Không nên nghĩ rằng đạt đến chỗ này là tri kiến riêng của mình và đạt được qua kiến thức. Cho dù chứng ngộ hiện thành tức thì, nhưng điều ẩn mật lại không hiện ra cụ thể. Tại sao phải hiện thành rõ ràng?
13- Thiền sư Bảo Triệt ở núi Ma Cốc đang phe phẩy quạt. Một vị tăng đến thưa, “Tánh gió thường trụ, hiện hữu trùm khắp. Tại sao ngài lại phải quạt?” Thiền sư nói, “Ông chỉ biết tánh gió thường trụ, ông không biết nghĩa lý trùm khắp.” Tăng hỏi, “Thế nào là nghĩa lý trùm khắp?” Thiền sư chỉ tiếp tục quạt. Tăng lạy xuống. Chứng nghiệm Phật pháp và hoạt dụng của đạo trong sự truyền thừa chân chánh là như thế. Nói rằng tánh gió thường trụ nên không cần phải quạt, và vẫn cảm nhận được gió dù không quạt, quả là không biết gì về thường trụ cũng như tánh của gió. Vì tánh gió thường trụ, nên ngọn gió Phật gia sẽ hiện đại địa thành vàng ròng và biến sông dài thành tô lạc.
Trích: HIỆN THÀNH CÔNG ÁN
Bình giả: Shohaku Okumura và các tác giả khác
Biên dịch: Thuần Bạch và Huệ Thiện
http://thuvienhoasen.org/images/file/PsrHvyBC1AgQADNn/hien-thanh-cong-an.pdf