Chịu ảnh hưởng của đạo Bà la Môn và của đạo Phật giáo hệ phái Tiểu thừa, người Khmer ăn Tết khác hơn người Việt, người Trung Quốc hay người Tây Âu. Ngày tết của đồng bào Khmer được gọi là "Chôl Chnăm Thmây" được tổ chức vào trung tuần tháng tư dương lịch – đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã gặt hái xong, người dân tha hồ mà vui chơi. Tết của người Khmer cũng có ý nghĩa giống như tết cổ truyền của các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, nhưng cách tổ chức và tập tục khác nhau, vì đa số người Khmer đều là tín đồ của đức Phật, nên ngày tết, mọi nhà đều làm bánh ngọt, bánh tét, hoa quả nhang đèn dâng lên chùa Lễ Phật, sau đó cùng với sư sãi khách khứa dùng. Tết đến, nhiều gia đình vào ở trong chùa làm công quả, vừa vui chơi, vừa được dự lễ, vì mọi nghi thức, vui chơi sinh hoạt trong 3 ngày Tết đều tập trung tại chùa.
Theo khoa thiên văn truyền từ Ấn Độ sang thì người Khmer tính ngày đầu năm bằng hai lối vào:
Chôl ( vào năm): tính theo sự vận chuyển của Mặt Trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 con thú tượng trưng của 12 con giáp trong một kỳ ( người Khmer cũng lấy hình tượng 12 con như người Việt để tính năm nhưng chỉ khác là họ lấy hình tượng con Thỏ thay cho con Mèo và con Bò thay vì con Trâu như người Việt).
Chnăm (năm): tính theo sự vận chuyển của Mặt Trời và đánh dấu bước đầu năm mới.
Thường Chôl được tính vào đầu tháng Cheth là tháng 3 âm lịch của người Việt, nhằm khoảng giữa tháng 4 dương lịch còn Chnăm thì thay đổi tùy theo Trăng tròn và khuyết nhằm ngày 12, 13 hay 14 âm lịch.
Giờ vào năm mới của người Khmer không giống giờ của người Âu hay Á là cứ vào nữa đêm lúc không giờ là giao thừa mà giờ vào năm mới của người Khmer luôn thay đổi không năm nào giống năm nào, căn cứ vào quyển Đại lịch ( Môha Soong kran) mà người ta biết được giờ đón giao thừa.
Giữ gìn đúng theo tập quán nghìn xưa, người Khmer cứ ăn tết vào những ngày giờ khác nhau như thế, luôn luôn được tổ chức ở những ngôi chùa thờ Phật và nhờ những quyển Đại Lịch để bói xem năm mới tốt hay xấu. Điều này là do tin vào huyền thoại Bà la Môn về vị thần Bốn Mặt (Kabil Môha prum) như sau:
Từ thuở Ngọc Đế Indra tạo nên Trời Đất, một vị Quốc Vương có một người con trai thông minh đỉnh ngộ tên là Hoàng tử Thomma bal vừa mới lên năm, hoàng Tử Thomma bal đã bắt đầu học, người học đâu nhớ đấy, học một biết hai. Đến năm bảy tuổi, hoàng Tử thông thuộc cả bộ sách thiên văn, bói toán, luật lệ, kinh điển của chư vị thần linh. Nhà Vua rất hài lòng về đứa con quý, truyền bá quan xây cất một dinh thự giữa khu vườn rộng để Hoàng Tử thuyết pháp. Ngày đầu tiên ở tư dinh, ngài mời đồng bào đến nghe ngài thuyết giảng về lời khuyên của Chư thiên về trong việc giữ gìn hạnh phúc ở đời. Hoàng Tử được đồng bào hoan nghinh nhiệt liệt vì đấy là lần đầu tiên người trần gian được nghe giảng đạo lý. Những ngày tiếp theo, Hoàng Tử đem những điều học hỏi truyền bá khắp dân gian. Người đời bấy giờ gọi Hoàng Tử là nhà hiền triết, tiếng Bắc Phạn ( Sanscrit) gọi là DHARMAPLA tức là nhà gìn giữ pháp luật.Tiếng khen nhà hiền triết Thomma bal - vị đông cung Thái Tử mới bảy tuổi đã quá thông kim cổ bay tới thiên đình. Vị thần Kabil Môhaprum là vị thần có bốn mặt chuyên xuống trần thuyết pháp dạy đời nghe qua liền nổi lòng ghen tức. Thần tìm cách hại Thomma bal để củng cố địa vị lung lai của mình. Nghĩ xong thần liền bay xuống dinh và gọi hoàng tử Thommabal ra phán rằng:
" Ta là Kabil Môha prum, chắc thái tử thường nghe tiếng, ta không ngờ thái tử thông minh đến thế, đã thu phục được rất nhiều người hâm mộ. Nhưng ta chưa hẳn tin tài thái tử nên mới tìm thái tử để thử xem có đúng như lời đồn hay không? Ta sẽ đánh cuộc với thái tử bằng cách hỏi thái tử ba câu hỏi. Giao hẹn trong bảy ngày ta sẽ xuống nghe câu hỏi. Nếu thái tử đáp đúng ta sẽ tự chặt đầu trước mặt thái tử. Còn trái lại thái tử phải dâng đầu cho ta." Thomma bal nghe thế có phần lo sợ nhưng không thể chối từ nên buộc phải nhận lời thách đấu.Vị thần hài lòng và nói tiếp “Ta hỏi thái tử
- Câu thứ nhất: Buổi sáng cái duyên* con người ở đâu?
- Câu thứ hai: Buổi trưa cái duyên con người ở đâu?
- Câu thứ ba: Buổi tối cái duyên con người ở đâu?"
(* Duyên là vẻ đẹp, nét thanh tao của con người. Người khmer rất chú trọng đến nét duyên dáng của mình).
Nói xong thần cỡi mây về trời. Hoàng Tử Thomma bal suy nghĩ suốt ngày không ra lời giải. Ngày đi quanh quẩn trong vườn từ sáng đến trưa cho đến hết ngày thứ năm vẫn chưa nghĩ ra câu trả lời nên Hoàng tử đâm ra hoảng sợ. Ngài nghĩ, chờ đến ngày thứ bảy, thần Kabil Môha prum xuống hỏi mà ngài không trả lời được thì chắc chắn là ngài phải mất đầu. Sáng hôm thứ sáu, ngày trốn khỏi dinh và đi vô rừng. Đi suốt sáng, bụng đói, chân mỏi ngài ngồi dựa gốc cây nghỉ mệt. Lúc ấy trên ngọn cây có 2 con linh điểu chuyên ăn thịt đang nói chuyện với nhau. Con chim mái hỏi chim trống:
" Ngày mai chúng ta sẽ đi ăn ở đâu?"
Chim trống đáp:
" Ngày mai là đúng ngày thần Kabil Môhaprum hẹn với Hoàng Tử Thomma bal, chắc chắn là Hoàng Tử sẽ bị ngài chặt đầu, khi đó chúng ta sẽ ăn thịt hoàng tử”.
Chim mái hỏi:
" tại sao Hoàng tử bị giết? "
Chim trống trả lời:
" Vì thần hỏi 3 câu mà hoàng tử không đáp được thì đương nhiên phải mất đầu"
Chim mái ngạc nhiên liền hỏi:
" Vậy 3 câu hỏi đó là ba câu gì mà người thông thái như hoàng tử không không giải đáp nổi?"
Chim trống đáp:
" thần hỏi: buổi sáng, buổi trưa, buổi tối cái duyên con người ở đâu?"
Chim mái tò mò:
" vậy ông có biết không?"
Chim trống cười quàng quạc:
" Có gì mà không biết? này
Buổi sáng cái duyên con người ở mặt, nên người ta rửa ráy sạch sẽ sau khi thức dậy.
Buổi trưa cái duyên con người ở ngực nên người ta tắm mát.
Buổi tối cái duyên người ta ở chân nên người ta rửa chân buổi tối trước khi đi ngủ."
Hoàng tử Thomma bal nghe chim nói mừng rỡ khôn cùng, lật đật trở về dinh.
Hôm sau, đúng hẹn, thần Kabil Môha prum cầm gươm vàng bay xuống. Hoàng tử Thomma bal quỳ lạy nghinh tiếp và trả lời ba câu hỏi của thần đúng như những lời của con Linh điểu.
Vị thần Môha Prum nghe xong biết mình đã thua cuộc liền ngửa mặt lên trời gọi bảy người con gái của thần đến và truyền rằng:
"Cha thua trí hoàng tử Thoma bal và theo lời hứa, cha phải tự chặt đầu tức khắc. Các con hãy nghe lời cha dặn: Đem đầu cha để trong một ngôi tháp, mỗi năm thay phiên nhau rước đầu cha quanh ngọn núi Tudi và nhớ là đừng cho người trần chạm đến vì nếu đầu rơi xuống biển thì biển sẽ cạn khô. Quăng lên trời thì không có mưa. Để trên mặt đất thì đất sẽ khô cứng…"
Phán xong thần rút gươm vàng tự chặt đầu mình trao cho đứa con gái lớn tên TungSa. Thân mình thần hóa thành luồng khói xanh bay vút lên cao.
Vị nữ thần để đầu cha trên mâm vàng, cùng sáu cô em đưa vào ngôi tháp xây trong hang thủy tinh trên đỉnh núi KâyLas, trong khu rừng yên tĩnh nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Từ đó về sau, mỗi năm một lần, bảy cô con gái của thần thay phiên nhau mỗi năm một cô xuống trần, vào tháp bưng đầu của cha đến núi Tudi , rước theo hướng Mặt trời đi, vòng quanh chân núi 3 lần trong 60 phút. Cứ theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ, ví như ngày vào năm mới nhằm Chúa Nhật thì đó là do cô con gái lớn tên là TungSa rước, nhằm thứ hai thì sẽ do cô con gái thứ hai ….Ứng với 7 cô tiên nữ này sẽ là những vị Têvôđa của năm đó đem lại niềm hạnh phúc hay sự buồn rầu suốt năm tùy theo tâm tánh của mỗi vị.
Cùng đi theo đoàn có một vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra hướng dẫn một toán chư thần gọi là Têp Nikar Amadek. Các vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra đi theo đám rước đều thay đổi mỗi năm một vị chiếu theo số 12 con giáp trong một kỷ. Qua 12 năm thì vị thứ nhất trở lại. Mỗi vị ăn thực vật, cỡi thú, ăn mặc và sử dụng khí giới khác nhau.
Người ta luận theo những điều ấy mà luận đoán điều hung kiết cho năm mới. Ví như những năm vị thần ra đời là ReaKaBosTevi là vị thần chuyên uống máu (không dùng hoa quả, ngũ cốc) là điềm trong nước có cảnh giết chóc, máu đổ thịt rơi.
Thần mặc sắc phục đen là điềm buồn rầu chia ly. Tay phải thần cầm cung, tay trái cầm chĩa ba là là loại khí giới bằng kim khí, ứng vào họa chiến tranh biến đổi từng giai đoạn.
Thần cỡi Heo là con thú ngu ngốc, dơ dáy nhất, ứng vào đường lối không sáng suốt. Trên mão thần có viên ngọc Môra soi sáng và ở phía sau hai lổ tai thần có 2 cái bông Sen là điềm Phật Giáo được thịnh hành, rọi khắp nhân gian…Vị thiên tôn tên Montia Têvi, mặc y phục màu xanh lợt, đeo ngọc "Piktu", gắn bông sứ trên mép tai, tay mặt cầm chỉa ba, tay trái cầm gươm, cỡi Lừa và uống sữa; vị thiên tôn tên là Ketminh Têvi mặc y phục trắng, đeo ngọc "BốtsaraKham" màu vàng, gắn hoa "ChanKôn Lanây" trên mép tai, tay mặt cầm gươm, tay trái cầm miếng đá mài gươm, cỡi Trâu và ăn chuối…
Đối với người Khmer, ngày lễ đầu năm là ngày lễ về tôn giáo, là một dịp tẩy sạch những bẩn nhơ trong năm cũ để bước vào cuộc đời mới thanh khiết, vui tươi hơn năm qua. Suốt bốn ngày đầu, mọi người phải dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, lau chùi tất cả vật dụng và thắp các ngọn đèn, thắp nhang thơm, cắm hoa tươi, treo bông kết hoa để đón thỉnh chư thần Tevôđa đến.
Theo thần thoại Bà La Môn thì thần Têvôđa là vị thần coi sóc thiên hạ, giúp đỡ người tốt, cứu kẻ nguy khó. Trong bốn ngày này, người ta kiêng cử mọi điều rất kỹ lưỡng. Không tính toán chuyện gì cả. Trong các cuộc tiếp xúc với nhau, người ta tránh cãi cọ, gây gỗ, đánh lộn, nguyền rủa, nói láo, bêu xấu, không nặng lời người giúp việc, kẻ dưới mình để giữ gìn sự yên ổn mấy ngày đầu năm hầu được hưởng điều vui vẻ cả năm.
Trong chùa, các vị Sư Sãi quét dọn chánh điện, phòng thuyết pháp, dọn dẹp bàn Phật. Công tác này thường được các Phật tử gánh vác gọi là làm công quả. Ngoài sân chùa người ta đắp tám ngon núi cát( gọi là nghi thức Pune Phnum ksach) bốn góc núi có làm hàng rào tre ghép lại gọi là vòng thành).
Nếu đắp núi ở giữa sân thì ngọn ở giữa tượng trưng cho núi Tudi ( Méru) và núi này phải lớn và cao hơn bảy ngọn kia, bảy ngọn núi nhỏ tượng trưng cho bảy ngon núi vây quanh thần Sơn Trục Tudi ( theo huyền thoại Bà La Môn, núi Tudi là trục của thế giới). Ngọn núi ở giữa sân có bốn cửa ở bốn góc xoay vào bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, xung quanh để tám bàn thờ các vị thần xoay về tám hướng và một bàn thờ thứ chín để ngay ở phương Đông thờ thần Preah Yomorac tức là đức Diêm Vương Yama. Nếu là núi đắp xung quanh chùa thì 8 ngọn núi phải bằng nhau. Dưới ánh nắng tiết tháng tư, hàng đoàn người vui cười hễ hả, kéo nhau quảy gánh cát vào chùa đắp núi tích thêm công đức.
Đạo Phật Tiểu thừa là tôn giáo chính của người Khmer Nam Bộ, đã thâm nhập khá lâu vào trong sinh hoạt đời sống của quần chúng, nên những lễ hội của họ, dù bắt nguồn từ đâu, vẫn mang màu sắc tôn giáo và không thoát khỏi cổng chùa. Trong quá trình phát triển lịch sử, các lễ hội còn chịu sự pha tạp của những yếu tố tôn giáo khác như đạo Bà La môn, song ở đây cũng tồn tại khá rõ nguồn gốc lễ nghi nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước. Điều đó cũng dễ nhận biết qua các lễ hội tiêu biểu, dù đó là lễ Chôl Chnăm Thmây (lễ vào năm mới), lễ Đônta (lễ cúng ông bà), hay lễ Ooc Om Bok (lễ cúng trăng)…
Được diễn ra vào thời điểm giữa mùa mưa và mùa nắng, lễ Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa đón mừng năm mới, lễ Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sáng thời kỳ có nước mưa dồi dào để chuẩn bị cho vụ làm mùa mới.
Theo lệ thường hằng năm, hễ gần đến lễ Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer lo chuẩn bị rất chu đáo, mà trước hết tập trung ở việc ăn, mặc, ở. Để chuẩn bị cho việc ăn uống, đãi khách, dâng cơm cho chùa, gia đình nào cũng lo chà gạo để sẵn, làm bánh, chuẩn bị thịt heo, gà, vịt... Nước sinh hoạt cũng được gánh đổ đầy ghè, đầy chum. Mọi người sửa sang bàn thờ, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào...
Trong giờ khắc đón giao thừa, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi hướng về phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba cái để tiễn đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là vị tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian một năm, hết nhiệm kỳ sẽ có vị khác xuống thay thế.
Sáng ngày thứ nhất (Chôlmôha Soongkran) lễ rước "Môha Soongkran mới". Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn trong ngày tuỳ vào quyển Đại lịch ( Môha Soong kran) mà người ta biết được giờ đón giao thừa. Mọi người đều tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa. Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người xếp thành hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ chào đón năm mới. Sau lễ rước Môha soongkran mọi người vào chánh điện lễ Phật, tụng kinh mừng năm mới. Trong đêm, nhứng người lớn thì vào chùa nghe các vị Sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ thì ra sân chùa tham gia các cuộc vui chơi múa hát.
Ngày thứ hai (Wonnabot), mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi. Theo đạo Phật Tiểu thừa, thì vào các ngày lễ tín đồ đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho các vị sư sãi, và các vị Sư sãi tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến với những linh hồn thiếu đói. Buổi chiều, người ta làm lễ "Đắp núi cát" (Puôn phnum ksach) mọi người tìm cát sạch về đổ thành đống chung quanh sân chánh điện họ đắp thành những ngọn núi nhỏ ở tám hướng, những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ , mỗi núi một hướng và núi thứ 9 ở giữa là núi Tudi trung tâm của trái đất. Sau đó họ làm lễ quy y cho núi và đến sáng hôm sau thì làm lễ xuất thế, các nghi lễ này được lưu truyền và giữ gìn theo Phật giáo gọi là Anisăng puôn phnum ksach ( Phúc duyên đắp núi cát), tập tục này cũng bắt nguồn từ một sự tích lâu đời.
Ngày thứ ba (Lơn Săk), sau khi đã dâng cơm sáng trưa cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ hoàn toàn mới. Tiếp theo đó cũng trong buổi chiều là lễ cầu siêu (Băng Skôl), các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong linh hồn họ được siêu thoát. Cuối cùng họ phân tán về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình và tắm cho ông bà lớn tuổi trong gia đình, rồi chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn. Đến đêm họ tiếp tục cúng bái làm lễ và tổ chức các cuộc vui chơi cho đến khuya mới chấm dứt.
Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam bộ, bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Các thanh niên nam nữ tổ chức hát múa vui chơi các trò chơi dân gian tại chùa như: Ném còn, kéo co, đẩy gậy ,đua ghe ngo trên cạn… Tối đến, người ta thả đèn gió, thả diều, đánh quay lửa, các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Không khí các Phum, Srók, Chùa chiềổctng những ngày này nhộn nhịp suốt đêm ngày, mỗi người Khmer đều có niềm tin và mong ước rằng khi sang năm mới sẽ đem đến những điều tốt lành, thịnh vượng, được mùa và hạnh phúc cho gia đình hơn trong năm cũ.