KHAI THỊ PHẬT PHÁP - (CHO ĐOÀN BÁC SỸ TP.HCM)
Bài giảng Trưởng lão Thích Thông Lạc tiếp đoàn Bác sỹ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/11/2008, tại giảng đường Tu viện Chơn Như.
Tóm tắt bài giảng:
- Đạo Phật ra đời nhằm giúp cho con người thoát bốn sự đau khổ sanh - già - bệnh - chết, chứ không phải xây dựng cho con người chúng ta có một thế giới siêu hình ở một nơi nào đó để khi chết chúng ta có linh hồn về nơi cõi đó.
Cho nên đạo Phật rất thực tế, nhắm vào sự đau khổ của con người mà ra đời để chỉ cho chúng ta cách thức làm chủ được 4 sự đau khổ đó.
Pháp đầu tiên là Tứ Chánh Cần, tức là ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.
Vậy thì ác pháp là những cái làm cho mình khổ và người khác khổ.
Thí dụ: Một người chửi mắng mình mà mình tức giận chửi mắng lại họ là ác pháp. Còn một người chửi mắng mình mà mình không giận hờn phiền não và khởi lòng thương yêu người đó thì đó là không làm khổ mình, tức là thiện pháp.
Thiện pháp thì rất mênh mông, vậy thiện pháp nào mà đức Phật sanh trưởng và tăng trưởng thiện pháp? Đó là tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, chứ không phải ngồi đây mà mình nghĩ đi làm việc từ thiện hoặc là giúp đỡ một người nào đó, nó cũng là thiện pháp, nhưng thiện pháp đó là thiện pháp hữu lậu, chứ không phải thiện pháp vô lậu.
Còn ở đây đức Phật đi tìm cái pháp vô lậu chứ không phải đi tìm cái thiện hữu lậu. Cho nên cái thiện vô lậu là cái thiện tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, và ở trước mặt Thầy quý Phật tử ai cũng biết được cái trạng thái đó.
Bây giờ chúng ta ngồi lẳng lặng để chúng ta thấy tâm chúng ta không có một niệm nào hết, đó là tâm thanh thản; và hiện giờ chúng ta đang ngồi trên ghế nghe thân chúng ta không đau nhức, tê mỏi thì đó là thân an lạc; và hiện giờ tất cả mọi sự việc xung quanh chúng ta không làm cho tâm chúng ta động tức là bất động.
Vậy tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự hiện giờ ai cũng có, nhưng cái thời gian để kéo dài trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự này thì không được dài. Chúng ta có lắm thì chẳng qua cũng chỉ là 1 phút chứ không thể từ 5, 10 phút hoặc 1 giờ, 2 giờ được. Do đó đạo Phật dạy chúng ta cách thức tu tập để giữ gìn tâm bất động đó, vì tâm bất động đó là tâm vô lậu và tâm giải thoát hoàn toàn, không còn đau khổ.
Muốn tu ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện để diệt những ác pháp làm cho tâm giận hờn, phiền não, còn thân thì không an ổn, đau nhức thì chúng ta có pháp Như lý tác ý.
Trưởng lão Thích Thông Lạc |
- Thầy khai thị về Tứ Diệu Đế, tức là bốn chân lý của con người: Khổ - Tập - Diệt - Đạo. Đạo Phật là đạo vượt khổ chứ không phải đạo trốn khổ, ngay trên cảnh khổ mà mình làm chủ cái khổ là vượt khổ. Còn người ta dạy cầu tha lực để về cảnh Cực lạc, Thiên đàng bằng cách làm những việc thiện để sau khi chết linh hồn về các cõi giới đó là người trốn khổ.
Thường các tôn giáo xuất hiện để dạy con ngươi ta trốn khổ. Vì khi tu xong, đức Phật đã xác định: “33 cõi trời là tưởng tri chứ không phải liễu tri”, nghĩa là thế giới siêu hình chỉ là tưởng tượng chứ không có thật. Đức Phật đã đập nát tất cả những tưởng của con người về thế giới siêu hình để xây dựng nền đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người, thì đó là đạo Phật. Một người khi sinh ra thì vẫn mang bản chất là động vật, nhưng sống đúng 5 đạo đức nhân bản thì mới thật là người. 5 đạo đức này là thiện pháp sẽ chuyển ác pháp, đưa lại sự bình an cho con người. Thầy khai thị về nhân quả, nghiệp. Khi người ta chửi mà mình không giận, biết yêu thương và tha thứ thì mình chuyển nghiệp.
- VẤN ĐẠO: Làm từ thiện mà tâm tham còn thì mặc dù hành động mang quà cáp cho người bất hạnh là thiện, nhưng thiện đó coi chừng con tâm danh để trở thành nhà từ thiện. Mấy con biết đâu những người nghèo khổ kia là những người ích kỷ, nhân quả của họ mà. Con gánh vác, mai mốt con cũng sẽ bị, nghĩa là con cũng sẽ nghèo rồi người ta đem cho con chứ gì? Cho nên mấy con thấy, luật nhân quả mà, nó rất công bằng, tại sao mấy người đó lại nghèo? Tại sao mấy người đó bị lũ lụt làm cho trôi của cải làm cho họ phải như vậy? Đứng trước cảnh đó, chúng ta thấy có nhân quả với chúng ta thì chúng ta sẵn sàng giúp đỡ; còn chúng ta không thấy, chỉ nghe ai đó nói thì chúng ta sẽ gánh hậu quả đó, bởi vì họ làm ác chứ đâu phải họ làm thiện.
Nếu họ làm thiện thì làm sao họ có cảnh đó? …